Thảo luận về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo

Chiều 18/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung toàn diện dự án luật này để đáp ứng yêu cầu mới, đặc biệt thể chế hóa nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thừa ủy quyền của Chánh án TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Tờ trình đã nêu sự cần thiết sửa đổi luật nhằm cụ thể hóa Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích sửa đổi Luật Tổ chức TAND để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo

Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo: (1) Thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 - NQ/TW; (2) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; (3) Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật; (4) Tổng kết lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam; (5) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận

Dự thảo Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 09 chương.

Chương I: Những quy định chung (gồm 22 Điều, từ Điều 1 đến Điều 22)

Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (gồm 15 Điều, từ Điều 23 đến Điều 37).

Chương III: Hội đồng Tư pháp Quốc gia (gồm 07 Điều, từ Điều 38 đến Điều 44).

Chương IV: Tổ chức bộ máy (gồm 6 mục, 29 Điều, từ Điều 45 đến Điều 73).

Chương V: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong Tòa án nhân dân (gồm 4 mục, 47 Điều, từ Điều 74 đến Điều 120).

Chương VI: Hội thẩm (gồm 15 Điều, từ Điều 121 đến Điều 135).

Chương VII: Tổ chức xét xử (gồm 06 Điều, từ Điều 136 đến Điều 141).

Chương VIII: Bảo đảm hoạt động của Tòa án (gồm 09 Điều, từ Điều 142 đến Điều 150).

Chương IX: Điều khoản thi hành (gồm 01 Điều, Điều 151).

Trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, Dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023. Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như: Quy định nội hàm quyền tư pháp Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp; Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử…

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật TAND (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật, đánh giá cao cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án luật tiến hành công phu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. 

Các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi và yêu cầu sửa đổi luật, bởi ngoài các quy định về tổ chức TAND, dự án luật bổ sung một số nội dung về tổ chức xét xử liên quan đến nghiệp vụ tố tụng, mở rộng phạm vi về tổ chức bộ máy cơ cấu bên trong; sự phù hợp của dự án luật với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; một số vấn đề cụ thể của dự án luật.

 

Các đại biểu dự phiên họp

Các ý kiến đánh giá cao công tác nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật, hồ sơ cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến cũng đề nghị sửa đổi Luật cần đặt trong hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp. Các đại biểu cũng thảo luận về nhiều nội dung cụ thể như quyền tư pháp, TAND sơ thẩm chuyên biệt, xét xử vi phạm hành chính, Hội đồng tư pháp quốc gia...

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Chánh án  cho biết, quá trình chuẩn bị sửa đổi luật được tiến hành kỹ lưỡng, qua nhiều năm, tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi luật là dịp để đổi mới hoạt động tư pháp và cải cách tổ chức TAND trong giai đoạn tiếp theo. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật, nhằm đạt mục tiêu phát triển nền tư pháp Việt Nam như đã nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo rất công phu, nghiêm túc; đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo luật. Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là cần thiết, nội dung cơ bản bám sát và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đề xuất một số quy định mới so với luật hiện hành. Ủy ban Tư pháp đã thể hiện trách nhiệm tham gia thẩm tra từ sớm, thẩm tra thận trọng và có báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần quán triệt quan điểm Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Những điều cấp bách đủ chín, đủ rõ có sự thống nhất thì mới quy định trong luật. Nội dung cấp bách, đã có cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý nhưng chưa chín muồi, có thể nghiên cứu thí điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có báo cáo dự thảo và báo cáo thẩm tra tốt nhất, đảm bảo căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thống nhất với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

 

MINH KHÔI