Văn bản thỏa thuận phân chia di sản có hợp pháp không?

Nhà có 7 anh em đồng thừa kế tài sản của bố mẹ, nhưng hai người tự ý thỏa thuận, sau đó một người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người đang sinh sống tại di sản đó và những người đồng thừa kế khác yêu cầu giải đáp về hướng giải quyết tranh chấp.

Hỏi: Bố tôi là ông Hoàng quản lý căn nhà của vợ chồng cụ Dụ (ông nội tôi) tại Quận B để thờ cúng tổ tiên. Năm 2000, tôi lập gia đình và ông Hoàng cho phép vợ chồng tôi về sống tại nhà đất nêu trên đến nay. Năm 2013, bố tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà đất trên với tư cách là người đại diện các đồng thừa kế của vợ chồng cụ Dụ.

Vợ chồng cụ Dụ chết không để lại di chúc, hai cụ có 7 người con chung nhưng bố tôi và ông Huỳnh (em trai ông Hoàng) lại ký “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” ngày 02/8/2013 với nội dung: Vợ chồng cụ Dụ có để lại di sản là nhà đất nêu trên; vợ chồng cố Dụ có 2 người con là ông Hoàng, ông Huỳnh, không còn người thừa kế nào khác; ông Hoàng đồng ý tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản thừa kế của minh cho ông Huỳnh.

Sau đó, ông Huỳnh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà đất nêu trên. Văn bản thỏa thuận chia di sản của bố tôi và ông Huỳnh có hợp pháp không? Tôi có thể khởi kiện ông Huỳnh và đề nghị đưa các con của cụ Dụ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?

                                                                            (Lâm Giang, Quận B, thành phố H)

Trả lời:

Như anh cho biết, vợ chồng cụ Dụ có 7 người con chung nhưng tại “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” thì ông Hoàng và ông Huỳnh lại khai nhận vợ chồng cụ Dụ có để lại nhà đất tại quận B; những người thừa kế của vợ chồng cụ Dụ chỉ có hai ông và ông Hoàng đồng ý tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản thừa kế căn nhà trên cho ông Huỳnh. Như vậy, văn bản thỏa thuận này, ông Hoàng và ông Huỳnh khai không đầy đủ những người thừa kế theo pháp luật của vợ chồng cụ Dụ.

Theo quy định tại Điều 632, Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 thì 07 người con của vợ chồng cụ Dụ đều bình đẳng về quyền hưởng di sản (nhà đất đang tranh chấp) theo pháp luật. “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản" chỉ có ông Hoàng và ông Huỳnh thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế của vợ chồng cụ Dụ cho nên Văn bản này chỉ có hiệu lực đối với phần di sản mà ông Hoàng và ông Huỳnh được hưởng theo pháp luật. Do đó, việc Ủy ban nhân dân Quận B căn cứ “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” nêu trên để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông Huỳnh năm 2013 trong khi chưa có ý kiến của các thừa kế khác của vợ chồng cụ Dụ là chưa đủ căn cứ.

Anh có thể khởi kiện ra Tòa án. Do nhà đất tranh chấp thuộc quyền hưởng thừa kế của các con của vợ chồng cụ Dụ cho nên khi Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp giữa anh và ông Huỳnh về nhà đất nói trên có liên quan quyền lợi của những người thừa kế của vợ chồng Dụ. Tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự minh đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Do đó, anh có thể đề nghị Tòa án hoặc các đồng thừa kế của cụ Dụ có thể làm đơn yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật tố tụng để đảm bảo quyền lợi của mình.  

 

Một góc phố tại Hải Phòng - Ảnh minh họa: Thái Vũ

Luật gia CHU MINH ĐỨC