Văn bản từ chối nhận di sản không công chứng, chứng thực
Không có quy định nào bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với văn bản từ chối nhận di sản (VBTCNDS); người thừa kế có thể yêu cầu công chứng, chứng thực VBTCNDS theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Vấn đề đặt ra, trong trường hợp VBTCNDS được lập mà không công chứng, chứng thực thì nó có giá trị pháp lý hay không và công chứng viên phải giải quyết như thế nào khi tiếp nhận văn bản này trong hoạt động công chứng.
1. Văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (khoản 1 Điều 620 BLDS năm 2015), người thừa kế có quyền yêu cầu công chứng hoặc chứng thực VBTCNDS nhưng không phải là trình tự, thủ tục bắt buộc. Theo đó, Điều 59 của Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản…”; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (gọi tắt là Nghị định số 23) cũng không có điều khoản nào quy định bắt buộc VBTCNDS phải chứng thực mà chỉ quy định Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực VBTCNDS (điểm g khoản 2 Điều 5).
Luật Đất đai năm 2013 không quy định về việc công chứng, chứng thực đối với VBTCNDS mà quy định về công chứng, chứng thực đối với văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bằng nội dung dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về dân sự. Theo đó, điểm c khoản 3 Điều 167 Luật này quy định: “Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”. Tại Điều 620 BLDS năm 2015 quy định về từ chối nhận di sản: “…Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết…việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. Như vậy, Điều 620 chỉ quy định bắt buộc việc từ chối nhận di sản phải lập thành văn bản chứ hoàn toàn không quy định bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCNDS.
Một trong những nội dung được BLDS năm 2015 quy định thay đổi so với BLDS năm 2005 đó là khoản 2 Điều 620 BLDS năm 2015 đã bỏ quy định“người từ chối nhận di sản phải báo cho cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản” được quy định tại khoản 2 Điều 642 BLDS 2005. Theo tác giả, về phương diện công chứng, chứng thực thì việc bỏ quy định nêu trên là phù hợp. Bởi lẽ, quy định nêu trên là không cần thiết, vì khi người thừa kế yêu cầu giải quyết việc thừa kế thì họ phải có trách nhiệm xuất trình VBTCNDS cho tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi giải quyết việc thừa kế để chứng minh về việc đã có người thừa kế từ chối nhận di sản. Do vậy, Điều 620 BLDS năm 2015 quy định VBTCNDS chỉ gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết là chặt chẽ và đầy đủ.
Mặc khác, BLDS năm 2015 không còn quy định việc công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản như một thủ tục bắt buộc làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản từ chối [1].
2. Giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản
Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23 ghi nhận về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và văn bản chứng thực tại khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”; khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23 quy định:“Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Cùng quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và văn bản chứng thực nhưng khi so sánh tương quan giữa hai quy định trên thì rõ ràng văn bản công chứng có giá trị pháp lý cao hơn văn bản chứng thực.
Về nội dung này cũng đã có quan điểm cho rằng quy định về công chứng và chứng thực hiện hành chưa đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng, có sự phân biệt đối xử, cụ thể: Tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo Nghị định số 23 đều là những pháp nhân được Nhà nước trao quyền công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch, do đó cần có sự bình đẳng trong hoạt động chuyên môn. Cùng là một hợp đồng, giao dịch nhưng nếu thực hiện công chứng thì công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp và phải bồi thường nếu có lỗi. Tuy nhiên, nếu hợp đồng, giao dịch đó được thực hiện chứng thực thì người thực hiện chứng thực lại không có nghĩa vụ phải xem xét tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch và không phải có nghĩa vụ bồi thường.
Như vậy, chế định về công chứng và chứng thực hiện nay đã phát sinh hai trường phái chứng nhận tính pháp lý của các hợp đồng, giao dịch: chứng nhận nội dung (về tính xác thực, tính hợp pháp) và chứng nhận về hình thức (về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên). Quy định này không đảm bảo được sự bình đẳng, không được phân biệt đối xử theo nguyên tắc chung của BLDS năm 2015 [2].
Như vậy, đối với VBTCNDS có công chứng, chứng thực được pháp luật về công chứng, chứng thực ghi nhận về giá trị pháp lý. Tuy nhiên, không được căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23 để khẳng định rằng: VBTCNDS không công chứng, chứng thực là không có giá trị pháp lý. Bởi lẽ, như đã phân tích ở mục 1, không có quy định nào của pháp luật hiện hành bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCNDS. Mặc khác, đối với công chứng viên khi thực hiện công chứng không chỉ áp dụng duy nhất quy định của pháp luật về công chứng mà còn phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, trong trường hợp VBTCNDS không công chứng hoặc chứng thực nhưng nó được lập thành văn bản theo đúng quy định về hình thức và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật thì nó vẫn có giá trị pháp lý. Đây là vấn đề đặt ra đối với công chứng viên khi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các giao dịch dân sự có liên quan đến văn bản này trong hoạt động công chứng.
3. Những vấn đặt ra đối với công chứng viên và người có liên quan đến văn bản từ chối nhận di sản không công chứng, chứng thực
Về nguyên tắc, công chứng viên không có quyền từ chối người yêu cầu công chứng khi thụ lý giải quyết các hợp đồng, giao dịch có liên quan với lý do VBTCNDS không có công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, công chứng viên cũng không được phép suy luận rằng pháp luật không quy định bắt buộc công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCNDS nên được quyền căn cứ văn bản này để làm cơ sở giải quyết việc công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan. Trách nhiệm của công chứng viên trong trường hợp này là phải làm rõ trước khi thực hiện việc công chứng, nếu không làm rõ được thì mới có quyền từ chối công chứng; công chứng viên phải đánh giá tính hợp pháp, xác thực đối với VBTCNDS mà quan trọng nhất là phải xác thực được người từ chối nhận di sản chính là người đã lập, ký hoặc điểm chỉ vào VBTCDS.
Việc xác thực có thể thực hiện thông qua một trong hai hình thức đó là tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định, căn cứ pháp lý để công chứng viên áp dụng trong trường hợp này được quy định tại khoản 5 Điều 40 của Luật Công chứng năm 2014 “Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng”.
Về lý luận, việc pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với VBTCNDS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người từ chối nhận di sản trong việc thể hiện ý chí của mình khi lập VBTCNDS. Tuy nhiên, với những phân tích nêu trên, việc người từ chối nhận di sản lập VBTCNDS mà không yêu cầu công chứng hoặc chứng thực có thể gặp phải những khó khăn, bất lợi về sau cho chính người từ chối nhận di sản và những người thừa kế khác như: phải có trách nhiệm làm rõ đối với VBTCNDS khi công chứng viên yêu cầu làm rõ hoặc trong trường phải tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định đối với VBTCNDS nhưng tại thời điểm tiến hành xác minh, yêu cầu giám định người từ chối nhận di sản đã chết, mất tích hoặc khi bị công chứng viên từ chối công chứng thì sẽ rất khó khăn cho người khai nhận di sản, người quản lý di sản, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, người thừa kế khác.
Về thực tiễn, nếu tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định đối với VBTCNDS không có công chứng hoặc chứng thực sẽ mất rất nhiều chi phí, thời gian, công sức, thậm chí trình tự, thủ tục xác minh hoặc yêu cầu giám định còn phức tạp gấp nhiều lần so với việc người từ chối nhận di sản yêu cầu công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCNDS. Do vậy, với tư cách là một công chứng viên tôi khuyến khích người từ chối nhận di sản khi lập VBTCNDS nên thực hiện việc yêu cầu công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật để đảm bảo về giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành của VBTCNDS trong thực tiễn.
1.ThS. Nguyễn Thị Anh Thư, Khoa Kinh tế – Luật, Đại học Trà Vinh “Sự thay đổi về quyền từ chối nhận di sản trong quy định của pháp luật dân sự Việt Nam” Tạp chí Tòa án nhân dân https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/su-thay-doi-ve-quyen-tu-choi-nhan-di-san-trong-quy-dinh-cua-phap-luat-dan-su-viet-nam
2.ThS. Nguyễn Huy Cường, Văn phòng Công chứng Công Lý Trà Vinh “Chế định về công chứng và chứng thực theo pháp luật Việt Nam- Bất cập và kiến nghị hoàn thiện” Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=305
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
5 Bình luận
Bùi lê duy
21:45 11/01.2025Trả lời
Phạm Ngọc Tuấn
21:45 11/01.2025Trả lời
Huỳnh Dũng Tiến
21:45 11/01.2025Trả lời
Trương Mạnh Sơn
21:45 11/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Huynh Minh
21:45 11/01.2025Trả lời