Về tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ
Cha mẹ có nhiều người con. Một trong những người con này có quyền khởi kiện những người con còn lại để được quyền dành nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ hay không? Toà án có thụ lý giải quyết quyết hay không? Và căn cứ nào để Toà án ra phán quyết thấu tình hợp lý.
Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung tìm hiểu, phân tích một số vấn đề về pháp luật tố tụng dân sự về quyền khởi kiện và pháp luật nội dung có liên quan đến tình huống nêu trên. Đồng thời cũng so sách, đối chiếu với một số qui định của pháp luật trước đây.
1. Vụ án thực tiễn giành quyền được nuôi mẹ
TAND huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi thụ lý vụ kiện dân sự khá hy hữu, về tranh chấp quyền được chăm sóc nuôi dưỡng mẹ.
Theo các nguyên đơn (bốn người), khi cha còn sống thì được các con chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi cha bị bệnh, các con đưa vào thành phố Hồ Chí Minh điều trị, chăm sóc. Vào tháng 5 năm 2023, cha mất. Khi cha còn sống, gia đình đã xảy ra mâu thuẫn về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom cha mẹ và đã được chính quyền can thiệp. Trước khi mất, cha có nguyện vọng muốn mẹ được các con nuôi dưỡng tốt nhất.
Tuy nhiên sau khi cha mất, bị đơn (ba người) đang nuôi dưỡng mẹ là cụ K (86 tuổi) không cho bên nguyên đơn thắp hương cho cha và không cho thăm mẹ. Bên nguyên đơn nhờ chính quyền can thiệp để thăm gặp mẹ và dẫn mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh chăm sóc phụng dưỡng nhưng cũng bị cản trở, đe dọa đánh.
Hiện nay sức khỏe của cụ K đã yếu, lúc nhớ, lúc quên. Bên cạnh đó, bị đơn có hành vi chửi cha mẹ, cấm cản, khóa cửa không cho mẹ ra ngoài, gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của mẹ. Bên nguyên đơn không yên tâm giao mẹ cho bên bị đơn tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, nên khởi kiện yêu cầu được nuôi, chăm sóc mẹ.
Bên bị đơn trình bày: Lý do bị đơn không đồng ý cho bên nguyên đơn đưa mẹ đi để nuôi dưỡng là vì mới mở cửa mả cho cha được 3 ngày mà đòi đưa mẹ đi nên bị đơn không đồng ý. Bị đơn muốn mẹ ở nhà dự tụng kinh thất cho cha. Trong thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ thì bên bị đơn không ngược đãi cha mẹ. Bên bị đơn không cản trở việc nguyên đơn đến thăm, gặp mẹ. Lý do không cho nguyên đơn đến thăm mẹ vì mỗi lần về thăm nguyên đơn dùng điện thoại quay video, ghi hình ảnh nên bị đơn không cho vào thăm.
Ngoài ra, bên bị đơn trình bày: Hiện tại cụ K được bên bị đơn chăm sóc tốt, không còn lẫn và bệnh đường huyết cải thiện. Bên nguyên đơn không đủ điều kiện chăm sóc mẹ bằng bằng bên bị đơn, như không có chỗ ở đảm bảo, điều kiện kinh tế nuôi mẹ và khi cha còn sống chưa có ngày nào bên nguyên đơn chăm sóc cha, đút sữa, thay tã cho cha, nên bên bị đơn yêu cầu nguyên đơn không được đưa mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh. Ở quê cụ K còn 5 người con, các anh chị em đã yêu cầu một trong những bị đơn là ông T1 viết cam kết nhận nuôi mẹ đến cuối đời nên ông T1 đang thực hiện cam kết này.
2. Quyền khởi kiện để được quyền dành nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ
Vụ kiện đặt ra những vấn đề về pháp luật, cần phải làm rõ. Điều 28 BLTTDS qui định về những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì chỉ có qui định về: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn, Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ, Tranh chấp về cấp dưỡng, Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy là không thấy quan hệ tranh chấp về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng khoản 8 Điều 28 BLTTDS để xác định quan hệ tranh chấp này.
Về quyền khởi kiện, người khởi kiện có quyền yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước được qui định tại Điều 186 và 187 BLTTDS năm 2015. Ngoài ra, BLTTDS cũng có qui định tính nguyên tắc về quyền khởi kiện và trách nhiệm của Toà án đối với việc khởi kiện của người khởi kiện. Theo đó, người khởi kiện có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Và, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng[1].
Những qui định này, không đồng nghĩa với bất kỳ ai cũng có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ việc của mình. Có những trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện và những trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của Toà án. Vấn đề này, đã được hướng dẫn tại Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (được gọi là Nghị quyết 04). Trong đó, có trường hợp người khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp.
Vụ việc chúng ta đang bàn, một trong những người con có quyền khởi kiện những người con còn lại để được quyền dành nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ hay không? Để xác định có quyền khởi kiện trong vụ việc này cần xác định người khởi kiện phải làm rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như thế nào? Hoặc phải chứng minh việc khởi kiện là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp.
Nội dung vụ án thể hiện: Năm nay cụ K đã 86 tuổi, thuộc trường hợp người cao tuổi, bị “lẫn”, lúc nhớ, lúc quên và cụ K bị bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày nên thuộc trường hợp ốm đau, già yếu[2]. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 2 Điều 70 qui định “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”. Khoản 2 Điều 71 qui định “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Như vậy, với qui định hiện hành và trình trạng của cụ K, các con phải có nghĩa vụ và có quyền chăm sóc nuôi dưỡng.
Bên nguyên đơn cho rằng bị đơn không nuôi dưỡng tốt mẹ, không hiếu thảo là vi phạm nghĩa vụ của con nên nguyên đơn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mẹ. Đồng thời, bên bị đơn không cho bên nguyên đơn thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ là xâm phạm đến quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ của nguyên đơn.
Rõ ràng, với qui định của pháp luật tố tụng và pháp luật về nội dung như đã phân tích trên cho chúng ta kết luận: Trong những người con có quyền khởi kiện những người con còn lại để được quyền dành nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ nếu cho rằng những người con kia xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc vi phạm nghĩa vụ của con cái đối với việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ.
Pháp luật hiện hành bên cạnh qui định về quyền và nghĩa vụ về việc dưỡng chăm sóc con chung của vợ đồng thì đồng thời cũng qui định đảm bảo cho các con có quyền và nghĩa vụ đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Bởi lẽ khi cha mẹ mỗi ngày mỗi già. Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì “Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Vấn đề bảo vệ người cao tuổi, già yếu trước đây ông cha ta cũng đã quan tâm và có qui định. Theo Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Điều 259 (12) Những người góa vợ, góa chồng, mồ côi, và người tàn tật nặng; nghèo khổ không có người thân thích để nương tựa, không thể tự mình mưu sống được, quan sở tại phải thu nuôi họ, mà bỏ rơi họ thì phải xử đành 50 roi, biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo mà quan lại bớt đi thì phải kép vào tội như người giữ kho ăn trộm của công[3].
Nhưng vụ việc này cũng cho thấy khi tranh chấp về quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ mà để dẫn đến kiện tụng thì thật là đáng tiếc. Pháp luật không cấm nhưng thật sự không khuyến khích anh em ruột kiện tụng nhau và cũng chưa có qui định bên nào thua kiện sẽ có bị chế tài cụ thể như thế nào nếu vụ việc được đem ra Toà án so với những người bình thường (không phải là anh em ruột) kiện tụng. Quốc triều hình luật đã có sự qui định nhằm hạn chế, răn đe nếu anh ruột không hoà thuận mà đi kiện cáo sẽ bị xử nặng hơn người thường. Cụ thể, Điều 521 (Điều 48) qui định: Anh em không hòa thuận nhau, đến nỗi phải tranh giành kiện cáo nhau, thì người trái lẽ phải xử tội nặng hơn người thường một bậc[4].
Hay việc con cái kiện tụng cha mẹ thì luật hiện hành cũng không cấm đoán nếu thoả mãn một một số điều kiện qui định của pháp luật. Trước đây, con cái muốn kiện tụng cha mẹ phải có một số điều kiện nhất định. Theo Thiên V, Sắc lệnh ngày 03/10/1833 và Điều 13 của Nghị định ngày 16/3/1910 của Toàn quyền Đông Dương[5] ấn định rằng người con đi kiện cha mẹ phải có trưởng tộc thay mặt, nếu không có phải xin công tố viện đứng chánh tố[6]. Qui định này cũng đã được giải quyết bằng một án lệ xuất phát từ quan niệm “tứ thân phụ mẫu”, qui định tương tự cho con rễ kiện cha mẹ vợ[7].
3. Xét xử thấu tình đạt lý
Bản án của TAND huyện Nghĩa Hành phân tích con của cụ K có quyền ngang nhau để chăm sóc, nuôi dưỡng, hiếu thảo với cụ K. Theo nguyên đơn, lý do nguyên đơn khởi kiện là không cho nguyên đơn thăm, chăm sóc mẹ và cho rằng bị đơn không đủ điều kiện chăm sóc mẹ, không hiếu thảo. Còn bị đơn cho rằng bị đơn mới có đủ điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. Thật sự rất khó khăn cho Tòa án trong tình huống này.
Có quan điểm cho rằng, xử vụ án này như vụ án tranh chấp về nuôi con chung khi ly hôn. Thẩm phán có quyền căn cứ vào đời sống thực tế của con, điều kiện học tập của trẻ để quyết định. Cũng tương tự, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào điều kiện thực tế hiện tại của người mẹ để quyết định giao cho người con nào nuôi. Nhưng hoàn cảnh hai trường hợp này khác nhau ở điểm: con lớn lên đến khi đủ trưởng thành nhưng mẹ thì già đi cho đến khi chết. Bên kia là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con, bên này là hiếu thảo đối với cha mẹ. Trước tình huống này, Tòa án đã nhận định: Hiện cụ K tuổi đã cao, già yếu, ốm đau, vì vậy cần xác định cho mỗi bên đương sự nuôi dưỡng mẹ là cụ K trong thời gian 06 tháng, sau đó hai bên đương sự luân phiên thay nhau để nuôi dưỡng mẹ (mỗi lần luân phiên nuôi dưỡng mẹ của một bên đương sự là 06 tháng), cho đến khi cụ K chết hoặc cho đến khi có sự thỏa thuận khác của các đương sự. Trong thời gian không trực tiếp nuôi dưỡng mẹ thì những người con còn lại thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi mẹ. Căn cứ của nhận định và phán quyết này là dựa trên điều kiện cụ thể của cụ K, 86 tuổi, thuộc trường hợp người cao tuổi, bị “lẫn”, lúc nhớ, lúc quên, bị bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày nên thuộc trường hợp ốm đau, già yếu. Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009, Khoản 2 Điều 70, Khoản 2 Điều 71 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Theo chúng tôi, Tòa án đã đưa ra nhận định như trên là hoàn toàn hợp lý về pháp luật nội dung. Chúng tôi cũng thấy rằng Tòa án không đưa ra những lập luận và điều luật để chứng minh sự vi phạm về nghĩa vụ nuôi dưỡng, hiếu thảo, điều kiện nuôi dưỡng của bên nguyên đơn, hay của bên bị đơn để bác bỏ quyền của bên còn lại. Tòa án đã lựa chọn giải quyết về quyền ngang nhau của con đối với cụ K. Hiếu thảo là quyền và cũng là nghĩa vụ. Không hiếu thảo được xem là bất hiếu. Nhưng ngữ nghĩa của những từ ngữ này cũng mang tính định tính, không áp dụng trong thực tiễn thế nào là bất hiếu.
Bất hiếu, theo Quốc triều hình luật là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường…[8] , là thuộc Mười tội ác (Thập ác) và Điều 475 (11) Lăng mạ ông bà cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài; đánh thì xử tội lưu đi châu xa; đánh bị thương thì xử tội giảo; vì lầm lỡ mà là làm chết, thì xử tội lưu châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh….[9]
Chất lượng hoạt động và uy tín của Toà án được thể hiện trực tiếp qua phán quyết của Toà án. Mỗi phán quyết của Toà án ảnh hưởng đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Bản án tranh chấp quyền nuôi dưỡng chăm sóc mẹ thể hiện được tính mới, cách thức áp dụng pháp luật tố tụng và nội dung nhưng cũng lan toả một câu chuyện về quyền, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ.
*Ths.Phó Chánh án TAND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: TTonline
[1] Xem Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Xem Bản án số 27/2023/HNGĐ-ST ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
[3] Xem Quốc triều hình luật, 1995, tr116, NXB chính trị quốc gia.
[4] Xem Quốc triều hình luật, 1995, tr184, NXB chính trị quốc gia.
[5] Xem thêm tại Sắc lệnh của chủ tịch chính phủ lâm thời số 60 ngày 16 tháng 11 năm 1945.
[6] Án lệ Vựng tập, Nguyễn Huy Đẩu, Chánh Nhất Toà Thượng Thẩm Sài Gòn, tr. 230, NXB Tri Thức.
[7] Án lệ Vựng tập, (1968), Nguyễn Huy Đẩu, Chánh Nhất Toà Thượng Thẩm Sài Gòn, tr. 274, NXB Tri Thức
[8] Xem Quốc triều hình luật, 1995, tr37, NXB chính trị quốc gia.
[9] Xem Quốc triều hình luật, 1995, tr173, NXB chính trị quốc gia.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận