Vì sao BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro “khủng”?
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đã lên tới hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó, dự phòng cụ thể là hơn 18.411 tỷ đồng, dự phòng chung là hơn 9.606 tỷ đồng cao gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều gì khiến BIDV lại phải trích lập dự phòng rủi ro “khủng” như vậy?
Những "con nợ" khủng
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 1.231 tỷ đồng.
Đầu tiên, cần phải nhắc đến đó chính là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của "bầu" Đoàn Nguyên Đức đang nợ BIDV 1.231 tỷ đồng. Đây là khoản vay dài hạn mà BIDV cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vay, chưa đến hạn tất toán. Tuy nhiên theo giải trình báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán của Hoàng Anh Gia Lai thì Công ty này đang lỗ 2.351.460.262 ngàn VND trước thuế.
Được biết, BIDV Chi nhánh Gia Lai cho vay hơn 722,8 tỷ đồng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và vườn cây cao su với quy mô 9.996,9 ha tại huyện Saysetha và huyện Phu Vông tỉnh Attapeu, Lào thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu. Khoản vay tại BIDV Chi nhánh Bình Định là hơn 508,8 tỷ đồng được đảm bảo bằng 119 căn hộ thuộc cao ốc văn phòng và nhà ở cao cấp HAGL tại số 6 đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai thuộc sở hữu của Công ty, nhà máy Granit HAGL tại Quốc lộ 14, xã La Băng, huyện Đắk Đoa, Gia Lai thuộc sở hữu của Công ty; quyền sử dụng đất tại phường Phủ Đổng, TP. Pleiku, Gia Lai với diện tích 6.993,2m2; quyền sử dụng và khai thác 4.733.01 ha cao su và 3.155,79 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu, Lào của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu.
Dư nợ của BIDV tại Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai rất lớn
BIDV và Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng đã mua trái phiếu dài hạn do Hoàng Anh Gia Lai phát hành với tổng số tiền lên tới 5.876 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai.
Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus (Chủ sở hữu thương hiệu thời trang NEM) dư nợ đến ngày 15/4/2021 tại BIDV là 498 tỷ đồng
Mới đây, BIDV thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus (Chủ sở hữu thương hiệu thời trang NEM). Theo đó, khoản vay có nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi là 173,8 tỷ đồng và phí phạt quá hạn là 67,3 tỷ đồng. Tổng cộng, dư nợ đến ngày 15/4/2021 của Archplus tại BIDV là 498 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus là công ty do ông Trương Việt Bình làm người đại diện theo pháp luật. Ông Bình chính là người sáng lập thời trang NEM. Cũng chính vì thế, ông Bình đã thế chấp 3 triệu cổ phần của cá nhân ông tại Công ty CP Thời trang Nem cho khoản vay nói trên. NEM có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, như vậy 3 triệu cổ phần nói trên tương ứng 7,5% vốn NEM.
Ngoài ra, tài sản thế chấp còn có bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang Nem và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/5/2005. Từ đó đến nay, mỗi tháng BIDV rao bán khoản nợ 2 lần, nhưng không tìm được người mua và phải liên tục đại hạ giá.
8 doanh nghiệp có dư nợ tại BIDV lên đến hơn 5.377 tỷ đồng
Tháng 3/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng".
Cùng với đó, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho Công ty CP Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu, quá trình cho vay BIDV có nhiều vi phạm, nhưng hiện tại BIDV vẫn đang đôn đốc thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đang phải trích lập dự phòng rủi ro rất lớn
Tổng dư nợ của 8 doanh nghiệp này tại BIDV tạm tính lên đến hơn 5.377 tỷ đồng. Đáng chú ý, cùng với dư nợ tại BIDV, các doanh nghiệp này cũng đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng khác.
Cụ thể, Công ty CP hoá dầu và xơ sợi dầu khí (VNPOLY) có dư nợ tại BIDV là 1.837,423 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng và dư nợ tại BaoVietBank là 423,459 tỷ đồng. Công ty CP Thuận Thảo – Nam Sài Gòn có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng. Công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ. Công ty CP Tiến Phước và 990 có dư nợ tại BIDV là 1.823,742 tỷ đồng. Cùng với đó, có dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 273,315 tỷ đồng. Công ty CP Thép Vạn Lợi có dư nợ tại BIDV là 350 tỷ đồng, hiện vẫn con tài sản bảo đảm và đang trong giai đoạn tái cơ cấu...
Nợ nhóm 5 và trích lập dự phòng rủi ro tăng “đột biến”
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV cho thấy, kết thúc ngày 30/6/2021, BIDV ghi nhận nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng lên hơn 15.690 tỷ đồng (tương đương mức tăng 1,2% - BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ này là 100%). Nợ nghi ngờ là hơn 2.150 tỷ (tương đương mức tăng 0,17% - BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ này là 50%).
Ngoài ra, cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất này, còn thể hiện chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đã phải trích lập dự phòng rủi cho vay khách hàng lên tới hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó, dự phòng cụ thể là hơn 18.411 tỷ đồng, dự phòng chung là hơn 9.606 tỷ đồng cao gấp hơn 1,5 lần. Trong khi đó, trong cùng kỳ năm ngoái, BIDV chỉ phải phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.433 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng phải trích lập dự phòng rủi ro chứng khoán sẵn sàng để bán là hơn 469 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn là hơn 602 tỷ đồng.
Một khoản dự phòng rủi ro khác cũng được thể hiện trong Báo cáo tài chính của BIDV chính là dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác là âm hơn 593 tỷ đồng.
Cổ phiếu của BIDV liên tục giảm 4 phiên gần nhất
Có lẽ, việc trích lập rủi ro khủng này của BIDV không nằm ngoài những “con nợ” đã vay hàng trăm tỷ đồng, giờ trở thành những khách hàng khó đòi của ngân hàng này như đã nêu ở trên.
Trong thời gian qua, các ngân hàng đều có được mức tăng giá ấn tượng, còn BIDV (mã BID sàn HoSE) lại giảm khá mạnh. Đóng phiên giao dịch ngày 20/8, BIDV hiện có mức giá 42.50 đồng, giảm 2.000 đồng, tương đương mức giảm 4,7%. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của nhà băng này trong tuần vừa qua.
Hiện nay, BIDV có vốn điều lệ hơn 40.220 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước là hơn 32.573 (chiếm 80,99%). BIDV có 189 chi nhánh ở trong nước và 1 chi nhánh ở nước ngoài. Cùng với đó, BIDV cũng có tới 895 phòng giao dịch và là một trong 3 ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng nhất Việt Nam. |
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận