Việc áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” trong thực tiễn xét xử của Tòa án
“Côn đồ” và tình tiết “có tính chất côn đồ” đã được quy định trong các BLHS nhưng cho đến nay, trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự vẫn có những nhận thức và áp dụng khác nhau, chưa thực sự thống nhất.
1.Khái niệm về “côn đồ” và tình tiết “có tính chất côn đồ” trong BLHS
Theo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TANDTC và Kết luận của Chánh án TANDTC tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1995, khái niệm về “côn đồ” như sau: “Côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ, hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì duyên cớ nhỏ nhặt”.
Ví dụ: Đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi, nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ.
Theo BLHS tình tiết định khung hình phạt là tình tiết thực tế của vụ án được sử dụng để xác định trường hợp phạm tội đó thuộc khung hình phạt tăng nặng hoặc khung hình phạt giảm nhẹ. Tình tiết “có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng trong tội giết người (Điều 123 BLHS năm 2015) và tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS năm 2015). Người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có tình tiết định khung tăng nặng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn.
Theo đó, hành vi “có tính chất côn đồ” có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, về tính chất mức độ nguy hiểm của yếu tố “côn đồ” được xem xét trong các trường hợp xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, đặc biệt là cố ý gây thương tích và giết người. Theo đó, tính chất “côn đồ” được thể hiện chủ yếu nhất là trong hành vi người thực hiện tội phạm sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực, cố ý dùng các phương tiện, vũ khí sắc, nhọn, nguy hiểm và có tính sát thương cao như mã tấu, dao phay, kiếm, súng,… tác động mạnh như đâm, chém, bắn,… vào các vùng trọng yếu của cơ thể như đầu, ngực, lưng, bụng,…. Nhờ vậy, khả năng gây thương tích cho nạn nhân cao hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với các hành vi thông thường và có thể xảy ra hậu quả dẫn đến chết người. Bằng các phương thức thực hiện tội phạm này, người phạm tội nhanh chóng và dễ dàng đạt được mục đích của mình trong sự ghê rợn của nạn nhân cũng như mọi người xung quanh.
Thứ hai, đối tượng thực hiện hành vi “có tính chất côn đồ” thường là những người coi thường pháp luật, thường xuyên phá rối trật tự trị an. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các đối tượng này là những người trình độ thấp, thất nghiệp, ăn chơi lêu lổng và là thành phần của nhiều tệ nạn xã hội khác. Do đó, những đối tượng này thường có trình độ và ý thức pháp luật kém. Một trong những hành vi phổ biến hiện nay là thích gây sự, hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng và nền tảng của “tính chất côn đồ” cũng được hình thành từ những hành vi sai trái nhỏ này.
Thứ ba, nguyên nhân để thực hiện hành vi phạm tội được xác định “có tính chất côn đồ” hay không cũng là yếu tố cần được xem xét. Chỉ cần vì những nguyên nhân nhỏ nhặt, vô cớ hoặc vì những duyên cớ vô lí thì họ đã có thể thực hiện hành vi phạm tội. Những nguyên nhân này rất đơn giản và nhỏ nhặt như việc chỉ cần người khác có biểu hiện thái độ với đối tượng này, mà họ cho là vô lễ hay khinh thường họ thì hành vi hành hung đã có thể xảy ra. Hay những nguyên nhân khách quan vô lí khác như trả thù thay cho đàn anh, đàn em của họ. Hay thậm chí là tư tưởng chỉ cần thích là đánh.
Thứ tư, muốn giải quyết đúng đắn bất cứ vụ án hình sự nào đều đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải nghiên cứu đầy đủ yếu tố nhân thân người phạm tội. Nhân thân người phạm tội tuy không phải là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng những đặc điểm về nhân thân của họ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự, có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn. Nhân thân người phạm tội là một yếu tố để đánh giá tính chất hành vi, đó là: Tiền án, tiền sự; ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương trước khi sự việc xảy ra; sau khi sự việc xảy ra thái độ chấp hành triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; thái độ đối với thương tích của bị hại. Đối với nhân thân người phạm tội có hành vi “có tính chất côn đồ” thường là những người có nhân thân xấu, coi thường pháp luật.
Ngoài ra, một số yếu tố khách quan khác cũng thể hiện được “tính chất côn đồ”. Sự chuẩn bị, trang bị vũ khí, phương tiện thực hiện tội phạm như mã tấu, dao phay, kiếm,… thể hiện ý chí mong muốn tước đoạt sức khỏe, tính mạng của người khác một cách hung hãn, côn đồ. Động cơ và mục đích thực hiện tội phạm cũng rất vô lí, như là chỉ để dọa nạt, uy hiếp người khác, bắt người khác phải khuất phục mình,… hay nguy hiểm hơn là muốn tước đoạt tính mạng người khác. Hơn nữa, tương quan lực lượng trong những vụ án này thường rất chênh lệch, chủ yếu là đánh hội đồng 3-4 người cùng đánh 1 người. Ngoài ra, thời gian, địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện cũng thể hiện yếu tố côn đồ trong vụ án hình sự.
2.Thực tiễn áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” trong xét xử
Tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” là tình tiết mà thực tế hiện nay trong toàn ngành Tòa án chưa có sự áp dụng thống nhất dù đã được hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TANDTC và được nhắc lại tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án nhân dân năm 1995 đã nêu. Người phạm tội chỉ bị áp dụng các tình tiết này nếu hành vi phạm tội của họ có tính chất côn đồ, tức họ thực hiện hành vi vì những nguyên cớ nhỏ nhặt, vô lý; nguyên nhân dẫn đến việc họ phạm tội là do bản thân họ mà ra. Trong trường hợp người phạm tội là côn đồ thì rõ ràng tính chất hành vi của họ cũng phải đảm bảo các tính chất đó thì họ mới bị áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ”. Vì vậy, nhất thiết phải có sự phân biệt rõ giữa “côn đồ” với tính chất là thuộc tính của hành vi phạm tội với côn đồ chỉ một người xem thường pháp luật, xem thường lẽ sống. Tính chất côn đồ của hành vi không phải của mọi hành vi đều như nhau mà chúng có những mức độ khác nhau khi đánh giá độ nguy hiểm của chúng. Khi hành vi có tính chất côn đồ do kẻ côn đồ gây ra thì rõ ràng mức độ của chúng cao hơn so với hành vi phạm tội có tính chất côn đồ do người luôn chấp hành pháp luật thực hiện.
Tuy nhiên việc áp dụng tình tiết này trong thực tiễn xét xử còn có những quan điểm khác nhau, trong một số trường hợp Tòa án đã không áp dụng hoặc áp dụng không đúng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “có tính chất côn đồ”.
Ví dụ 1: Khoảng 22 giờ ngày 26/02/2019, Nguyễn Văn Nam cùng nhóm bạn đi dự đám cưới ở thôn X về thì xảy ra ẩu đả với nhóm thanh niên ở địa phương khác gồm có Hiền, Cường, Dũng, Nhật, Sơn. Nhóm bạn của Nam đuổi theo nhóm thanh niên kia theo hướng xã Y. Nam chạy bộ lên hướng thị xã về nhà. Nam chạy được một đoạn thì thấy Lê Văn và Nguyễn Điền đang dừng xe ở bên đường, Văn gọi và đưa tay kéo Nam lại nhưng Nam vẫn tiếp tục chạy. Lúc nãy, Điền chở Văn chạy theo sau Nam khoảng 3-4 mét. Nghĩ rằng hai người đuổi theo để đánh nên Nam nhặt một viên gạch rồi quay lại ném trúng vào trán của Điền, gây thương tích cho Điền. Nguyễn Điền được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tỉnh đến ngày 13/3/2019 ra viện. Bản giám định pháp y thương tích của Trung tâm giám định pháp y kết luận: Nguyễn Điền bị vết thương sọ não hở, gãy xương thái dương và xương đá phải; tụ máu dưới màng cứng, dập não thái dương phải do vật cứng tác động đã điều trị, di chứng suy nhược thần kinh sọ não, tỷ lệ thương tật tạm thời 23%.
Toà án cấp sơ thẩm nhận định: Hành vi của bị cáo Nam phạm tội “Cố ý gây thương tích” với hai tình tiết định khung tăng nặng “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ” vì bị cáo dùng viên gạch bên đường vô cớ gây thương tích cho anh Nguyễn Điền. Áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Nam 30 tháng tù.
Việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” nêu trên, hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Trường hợp này phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” đối với bị cáo Nam vì bị cáo dùng viên gạch bên đường vô cớ gây thương tích cho anh Nguyễn Điền. Anh Điền và anh Văn không gây xích mích gì với bị cáo. Như vậy giữa bị cáo và bị hại không quen biết, không có mâu thuẫn hay xích mích gì, nhưng khi nghe người đi xe máy phía sau gọi và nghi ngờ những người này đuổi đánh mình nên bị cáo đã vô cớ dùng gạch ném gây thương tích cho người bị hại. Trong trường hợp giả thiết rằng bị cáo Nguyễn Văn Nam cho rằng Điền và Văn là những người đánh Nam, nhưng trên thực tế không phải thế. Thì đây là trường hợp “sai lầm về sự việc”. Do đó Nam phải chịu trách nhiệm hình sự một cách bình thường.
Quan điểm thứ hai: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” là không đúng. Vì trong trường hợp vụ án xảy ra vào đêm tối, hành vi cầm gạch ném gây thương tích cho Điền là hành vi chống trả sự đe dọa tấn công vì cho rằng Nguyễn Điền và Lê Văn đuổi theo để đánh. Nên trong trường hợp này chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “dùng hung khí nguy hiểm” đối với hành vi của Nam.
Quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Vì nhóm của bị cáo Nam ẩu đả với nhóm thanh niên thôn X tại đám cưới gồm có Hiền, Cường, Dũng, Nhật, Sơn; còn anh Nguyễn Điền chở anh Lê Văn đi từ đám cưới ngang qua chỗ có hai nhóm thanh niên đang ẩu đả với nhau. Mặc dù bị cáo dùng viên gạch ném người bị hại nhưng trong bối cảnh bị cáo bỏ chạy từ việc ẩu đả, đánh nhau trong đám cưới, thời gian ban đêm không rõ mặt người, khi bị kéo tay Nam tiếp tục bỏ chạy biểu hiện sự hoảng sợ. Do đó việc Nam dùng gạch ném vào đối tượng là nhằm chống trả sự đe doạ tấn công. Không phải là vô cớ ném bị hại nên không áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ”.
Ví dụ 2: Chiến sỹ Vũ Văn Trọng có khuyết điểm bỏ gác, đúng lúc Trần Văn Quân đi kiểm tra. Quân phát hiện và yêu cầu Trọng về vị trí gác. Trọng đã chấp hành, song Quân đã có những lời lẽ sỉ vả, tát, đấm Trọng nhưng được anh em can ngăn. Quân không dừng lại và xông tới tiếp tục đấm Trọng làm Trọng gục xuống. Sau đó, Trọng được đưa đi bệnh viện và xác định tỷ lệ thương tật là 15%. Trước đó Quân cũng có nhiều lần đánh các chiến sĩ và đã bị đơn vị xử lý kỷ luật.
Toà án cấp sơ thẩm xét xử Trần Văn Quân về tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Quan điểm tác giả cho rằng không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” đối với Quân là không đúng. Bởi lẽ, Quân là một quân nhân nhưng đã có hành vi đánh chiến sĩ, khi thấy Trọng bỏ gác Quân có những lời lẽ sỉ vả, tát, đấm Trọng, tuy được can ngăn nhưng Quân không dừng lại và tiếp tục thực hiện hành vi. Xét về nhân thân, Quân có nhân thân xấu vì trước đó Quân cũng có nhiều lần đánh các chiến sĩ và đã bị đơn vị xử lý kỷ luật. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả Quân phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này” và áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” tại điểm i, khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.
Qua hai vụ án trên, có thể nhận thấy về hành vi phạm tội của các bị cáo và hậu quả của vụ án đều rõ ràng nhưng về áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” là không thống nhất. Sự không thống nhất này xuất phát từ cách hiểu thế nào là “phạm tội có tính chất côn đồ” theo hướng dẫn của TANDTC. Hiện nay có 02 quan điểm đó là:
Quan điểm thứ nhất: Khi xác định được một người thực hiện hành vi phạm tội một cách vô cớ hoặc vì duyên cớ nhỏ nhặt là áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ”.
Quan điểm thứ hai: Theo tinh thần hướng dẫn của TANDTC thì chỉ áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” khi có đủ 2 điều kiện:
+ Thực hiện hành vi phạm tội một cách vô cớ hoặc vì duyên cớ nhỏ nhặt, ngang ngược.
+ Người phạm tội có nhân thân xấu, coi thường pháp luật.
Tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định nhằm trừng trị những kẻ có nhân thân xấu, coi thường pháp luật, dùng vũ lực để bắt người khác phải khuất phục mình như hướng dẫn đã nêu, do vậy để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá hành vi vi phạm, tránh việc áp dụng tùy tiện, lạm dụng tăng mức hình phạt hoặc máy móc dập khuôn mà không đánh giá tính chất của hành vi cho nên không áp dụng để tăng nặng hình phạt đối với người thực hiện.
Vì vậy trong khi chưa có hướng dẫn mới áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” quy định trong BLHS 2015, để vận dụng đúng và khách quan đối với tình tiết này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, như:
– Nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội,
– Thời gian, địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện,
– Nhân thân người phạm tội
Để từ đó đánh giá hành vi phạm tội của họ:
– Có coi thường pháp luật, có ý thức thách thức pháp luật không và ở mức độ như thế nào?
– Động cơ, mục đích, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội là gì?
-Tương quan lực lượng, hậu quả pháp lý mà tội phạm gây ra.
Từ đó giúp áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” được đúng đắn trong hoạt động xét xử, đạt được hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
3.Một số kiến nghị
Từ các phân tích, đánh giá ở trên về việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ”, sau đây tác giả xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về “côn đồ” và “có tính chất côn đồ”, BLHS quy định nghiêm trị đối với những người côn đồ, nhưng phải phân biệt rõ giữa “côn đồ” với “phạm tội có tính chất côn đồ”. Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 52, BLHS năm 2015 với tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội Giết người theo điểm n, khoản 1 Điều 123 và tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm i, khoản 1, Điều 134 BLHS năm 2015 là giống nhau về nội dung, bản chất; khi được áp dụng để định tội danh thì không được áp dụng để quyết định hình phạt; trong thực tiễn xét xử áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ”.
Thứ hai, đối với việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vừa là tình tiết định khung TNHS ở tội này vừa là tình tiết cấu thành độc lập ở tội khác thì cần có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất. Về mặt hướng dẫn của ngành Tòa án trước đây đã có Công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995. Trước thực trạng tội phạm diễn biến phức tạp, văn bản hướng dẫn ban hành đã cũ, bộc lộ nhiều hạn chế, nên trong một số trường hợp áp dụng giải quyết vụ án gặp khó khăn, vì vậy tác giả kiến nghị TANDTC cần hướng dẫn cụ thể hoặc ban hành những án lệ về tội cố ý gây thương tích với tình tiết “có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 và điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 mang tính chuẩn mực trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án để áp dụng thống nhất.
TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên 1 án tử hình, 1 án tù chung thân và 4 án tù có thời hạn đối với nhóm 6 bị cáo về tội giết người. Ảnh Chanh Tuy/VOV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận