Rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tính đến tháng 6/2022 Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%.

Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, chiều ngày 11/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Chương trình đang quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số văn bản của tiểu dự án vẫn chưa được ban hành. Việc phân bổ vốn đầu tư tính đến tháng 6/2022 Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%.

Về công tác điều phối, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn về việc giao nhiệm vụ cho Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là Tổ trưởng là không phù hợp, mà cần tham gia với tư cách là Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương để tiến hành giao ban, tổng kết triển khai; đề nghị Chính phủ rà soát lại Ban chỉ đạo Trung ương và cơ chế điều phối giao ban…

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Chính phủ thành lập Ban điều phối Trung ương là phù hợp nhưng cũng cần rà soát kỹ, tổ chức Hội nghị toàn quốc để đôn đốc triển khai; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc bởi đây là sự nghiệp lâu dài. Do vậy, thời gian tới Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông tạo ra phong trào xã hội, phong trào thi đua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực tiễn của hai chương trình mục tiêu đang triển khai, nguồn lực nhà nước cũng có hạn, cần huy động từ xã hội, người dân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp… Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện.

Bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao kết quả thực hiện của chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới và bước đầu triển khai chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc chậm tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết từ khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia cho đến tháng 5/2022 trước khi Quốc hội cho ý kiến thì gần như việc ban hành các văn bản, chế độ chính sách để triển khai chương trình gần như là "đứng tại chỗ". Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ lý do của tình trạng này.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương băn khoăn về cơ chế điều phối, lồng ghép thực hiện các chương trình. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tế tại địa phương và cơ sở, thực hiện lồng ghép với các chương trình để tăng nguồn lực mà không có sự điều phối, chỉ huy chung thì khó khăn.

 

Khách du lịch thăm chợ Bắc Hà, Lào Cai - Ảnh: Thái Vũ

Cho biết đến 7 tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn của chương trình, 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề sự chậm trễ của những tỉnh này là nguyên nhân từ đâu, do không chấp hành chỉ đạo của Bộ, của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ và Ban điều phối chương trình, hay là do vướng mắc về thể chế và pháp luật. Cùng với đó, chưa có địa phương nào bố trí kinh phí đối ứng theo dự kiến của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc này. 

Kinh phí của năm 2022 là 5.429 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế chính sách, thông tư kinh phí sự nghiệp từ tháng 3/2022; đồng thời phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kinh phí của năm 2022 là 5.429 tỷ đồng.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Bộ Tài chính nhất trí với cái báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, chủ trì giúp Chính phủ quản lý các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Theo đó, các cơ quan cũng sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội kiểm tra, giám sát nếu cơ chế, chính sách đã ban hành gặp vướng mắc trong tổ chức thực hiện sẽ nghiên cứu để sửa đổi kịp thời. 

Đối với dự toán kinh phí năm 2023, trong báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/10 cũng tổng hợp nhu cầu kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số miền núi theo đúng đề xuất của Ủy ban Dân tộc và cơ bản dựa theo tổng mức kinh phí Quốc hội đã quyết định.

Giải trình thêm một số nội dung tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông bày tỏ thống nhất với những đánh giá, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về việc giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi là chậm so với các nguồn vốn khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận thấy, nguyên nhân là do thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn; việc phân cấp rất mạnh cho các địa phương; sự phối hợp chưa đồng đều… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Dân tộc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để kịp thời sửa đổi và có các giải pháp cụ thể để giải ngân hết các nguồn vốn này.

Liên quan đến công tác phân bổ nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc để phân bổ nốt số vốn còn lại.

Không vì tiến độ mà giải ngân bằng được

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết yêu cầu về thời gian chỉ còn một quý trong năm 2022 phải đạt được 91% tỷ lệ giải ngân, Trưởng Ban Công tác đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong công tác này. Thời gian còn lại rất ngắn, đây cũng là một chương trình khó và mới với yêu cầu tích hợp và đẩy nhanh… Bên cạnh đó, việc thực hiện giải ngân đều rơi vào những tỉnh miền núi và dân tộc nên có khó khăn về địa bàn và tổ chức thực hiện. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần cố gắng nỗ lực để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân. Tuy nhiên, không vì tiến độ giải ngân mà cho ứng và giải ngân không có địa chỉ, không đảm bảo các thủ tục. Tiến độ giải ngân phải đi liền với chất lượng và hiệu quả, không vì tiến độ mà giải ngân bằng được.

Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ: 

Một là, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp.

Hai là, đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Ba là, bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện. 

Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định; đồng thời huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành; phòng tránh các biểu hiện tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, để nhân dân tích cực tham gia trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng làm nổi bật những kết quả đã đạt được, bổ sung số liệu để minh chứng, bổ sung thông tin toàn diện về việc thực hiện và đề xuất, kiến nghị; nghiên cứu các nội dung nêu tại báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tới.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp - Ảnh: PV

MINH KHÔI