Việt Nam luôn triển khai Công ước ICCPR gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện
Ngày 19/4, tại Đà Nẵng, Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Hội thảo Thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị - kinh nghiệm và giải pháp (Công ước ICCPR).
Hội thảo đã được nghe 9 chuyên đề
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, thường được gọi tắt là Công ước ICCPR, là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người với sự tham gia đông đảo của 173 quốc gia trên thế giới. Nội dung Công ước bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của con người, có thể hiểu là các quyền này gắn với bất kỳ con người nào từ khi sinh ra cho tới quyền được sống trong hòa bình, an ninh an toàn; quyền tham gia vào đời sống dân sự, chính trị không bị phân biệt đối xử. Có thể thấy, với vai trò đặc biệt và trung tâm trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, việc triển khai thực hiện Công ước ICCPR đã, đang và sẽ luôn là nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách, pháp luật ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia.
Hội thảo đã được nghe 9 chuyên đề gồm: Khái quát chung và kết quả thực hiện bước đầu Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền; Triển khai khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong mối liên hệ với khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc: Kinh nghiệm của Bộ Ngoại giao; Xây dựng và triển khai Kế hoạch tăng cường thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền: Kinh nghiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nâng cao hiệu quả thực thi các quyền dân sự và chính trị trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam; Thực tiễn triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Nâng cao nhận thức về quyền dân sự và chính trị cho đối tượng thụ hưởng tại Việt Nam; Thực tiễn triển khai Quyết định 1252/QĐ-TTg tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Kết quả và bài học kinh nghiệm; Thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc trong giảm thiểu các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực; Một số kết quả thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg tại Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.
Việt Nam nỗ lực không ngừng
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ: Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế nêu trong Công ước ICCPR, Việt Nam luôn chú trọng triển khai Công ước gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, dân chủ hóa đời sống chính trị và dân sự. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Kế hoạch cấp quốc gia riêng liên quan đến Công ước ICCPR.
Các nội dung tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg đã xác định rất rõ các nhiệm vụ, giải pháp; trách nhiệm của các Bộ, ngành; kết quả dự kiến cũng như lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1252/QĐ-TTg sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi hiệu quả các quy định của Công ước và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền trên thực tế; cải thiện và tạo ra sự thay đổi tích cực trong quá trình tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến việc bảo đảm, thụ hưởng các quyền con người của người dân, Việt Nam vẫn nỗ lực không ngừng và tích cực triển khai nhiều biện pháp được đề cập tại Kế hoạch cấp quốc gia với mục tiêu cao nhất là nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị. Nhiều hoạt động thiết thực và có hiệu quả đã được triển khai như ban hành hoặc sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo về quyền con người... Những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam đã được thể hiện rõ nét tại Báo cáo giữa kỳ gửi tới Ủy ban Nhân quyền vào ngày 29 tháng 3 năm 2021.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, việc triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như nguồn lực hạn chế, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương... Do vậy, để chuẩn bị cho giai đoạn báo cáo tiếp theo vào năm 2023, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; triển khai chính sách, pháp luật cũng như thu thập thông tin, phân tách số liệu theo đúng yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền.
“Trong bối cảnh như vậy, tôi đánh giá cao việc Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị – kinh nghiệm và giải pháp”, qua đó tiếp tục cung cấp các thông tin hữu ích, trao đổi kinh nghiệm tốt trong việc thực thi Công ước ICCPR giữa các Bộ, ngành, các cơ quan tại địa phương cũng như đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ”, Thứ trưởng bày tỏ
Thứ trưởng nhấn mạnh, Công ước ICCPR là điều ước quốc tế có nội dung rộng, phức tạp, mà việc hiểu đúng từng quy định luôn là thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc thực thi các điều ước quốc tế luôn cần đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phải có những giáo trình thống nhất
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự thống nhất cho biết, Việt Nam cần chủ động trong quá trình triển khai các cam kết tại các Công ước quốc tế về quyền con người. Theo đó, việc này góp phần giúp cho các cơ quan, tổ chức liên quan tham gia một cách hiệu quả hơn, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế có thể hiểu rõ hơn về các ưu tiên, thách thức, nhu cầu hợp tác của Việt Nam.
Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch triển khai, lộ trình đầy đủ, rõ ràng, định kỳ rà soát, kiểm điểm, báo cáo tình hình thực hiện. Với số lượng các khuyến nghị ngày càng tăng, sự liên kết giữa các khuyến nghị ngày càng chặt chẽ, đồng thời cũng có sự chồng lấn nhất định với các khuyến nghị của các Ủy ban Công ước, việc xây dựng một kế hoạch tổng thể và xây dựng các kế hoạch riêng rẽ của các bộ, ban, ngành trong triển khai các khuyến nghị được phân công là hết sức cần thiết. Trên cơ sở các kế hoạch được thông qua, các cơ quan chủ trì thực hiện các khuyến nghị có cơ sở để rà soát việc thực hiện, qua đó kịp thời sơ kết, tổng kết báo cáo việc thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra. Thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm tốt từ các nước, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế.
Đặc biệt, giữa các bộ, ngành được giao phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa, nhất là với các nhiệm vụ có nhiều bộ, ngành phối hợp thực hiện, bao gồm phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, dẫn dắt của Bộ Tư pháp. Cần đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, giảng viên giảng dạy quyền con người.
Bên cạnh đó, việc thực thi các điều ước quốc tế phải có những giáo trình thống nhất về quyền con người cho các cấp. Hệ thống giáo trình cần có sự liên thông ở tất cả các bậc đào tạo cũng như các tài liệu mang tính bồi dưỡng. Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ CB, CC, VC, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, giảng viên giảng dạy quyền con người. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục để giúp cho mọi người hiểu biết và nâng cao nhận thức về quyền con người và các quyền dân sự và chính trị. Đồng thời, khai thác hạ tầng truyền thông, thông tin đại chúng đem đến kịp thời những thông tin chuẩn xác về quyền con người và các quyền dân sự và chính trị.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VA
Bài liên quan
-
Tuyên truyền chính sách pháp luật về quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
-
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
-
Các vấn đề lý luận về nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của TAND
-
Bàn về quyền con người trong tố tụng hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Chọn luật áp dụng tại Tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài - Một số khác biệt cơ bản
-
Hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi tài sản đang thế chấp tại ngân hàng
Bình luận