Võ Văn K, Nguyễn Thị T và Võ Văn M phạm tội “Cướp tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết trao đổi ý kiến “Các đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Lê Đình Nghĩa đăng ngày 20/10/2023, nhóm tác giả đồng thuận với quan điểm thứ hai
Theo khoản 1 Điều 168 của BLHS quy định về tội “Cướp tài sản” như sau: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.
Theo khoản 1 Điều 170 của BLHS quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản” như sau: “1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp và hành vi phạm tội của các đối tượng đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân của các bị hại. Do đó, hành vi mà các bị cáo thực hiện đều thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ thể, mặt chủ quan và mặt khách thể của tội “Cướp tài sản” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Việc xác định các đối tượng phạm tội “Cướp tài sản” hay “Cưỡng đoạt tài sản” chủ yếu căn cứ vào dấu hiệu về mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Đối với tội “Cướp tài sản”, dấu hiệu về mặt khách quan là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản”, dấu hiệu về mặt khách quan là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, K đã có hành vi cầm dao, đạp S té xuống đất rồi dùng chân đá vào mặt S, yêu cầu S và các bị hại giao tiền đây là hành vi dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 của BLHS. Đối với hành vi của K yêu cầu S giao thêm số tiền 100.000.000 đồng thì mới cho các bị hại về thì cần xem xét, đánh giá hành vi này là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hay hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào diễn biến hành vi phạm tội có đủ cơ sở để xác định ý thức và mục đích của K và đồng phạm ngay từ ban đầu là chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các đối tượng cho rằng những người này đã “chơi đánh bài gian lận” thắng được của T chứ không thể tách biệt hành vi chiếm đoạt số tiền 100.000.000 đồng với hành vi chiếm đoạt số tiền 36.500.000 đồng trước đó. Trong vụ án này, khả năng dùng vũ lực ngay tức khắc của K đối với các bị hại tiềm ẩn ngay trong hành vi của K khi K cầm dao, đạp S té xuống đất và đá vào mặt S và trong một thời gian ngắn ngay sau đó K và đồng phạm thực hiện việc lấy tiền và yêu cầu các bị hại tiếp tục giao thêm 100.000.000 đồng. Điều đó thể hiện ở việc khi yêu cầu S giao thêm tiền thì trên tay K vẫn còn cầm cây dao là hung khí nguy hiểm. Còn đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản” thì người phạm tội chỉ có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực chứ không có ý định nếu bị hại không giao tài sản thì dùng vũ lực.
Như vậy, trong không gian và thời gian diễn ra vụ án, với hung khí K cầm trên tay sau khi vừa đạp, đá S xong như trên, các bị hại ai cũng tin rằng nếu họ không đồng ý giao thêm tiền theo yêu cầu của K và đồng phạm thì việc K dùng vũ lực ngay tức khắc đối với họ chắc chắn sẽ xảy ra và do quá sợ hãi nên họ buộc phải đồng ý giao thêm tiền cho K và đồng phạm. Tội phạm hoàn thành khi K và đồng phạm thực hiện hành vi dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để yêu cầu các bị hại giao tiền. Diễn biến tiếp theo của sự việc, kể từ lúc S đồng ý giao thêm tiền theo yêu cầu của K (bao gồm cả sự việc K và S thỏa thuận về việc cho S về lấy tiền mang vào cho các đối tượng; K uy hiếp tinh thần S) chỉ làm rõ thêm hành vi phạm tội chứ không phải là căn cứ chủ yếu để xác định tội danh.
Từ những phân tích trên, có đủ cơ sở chứng minh các đối tượng Võ Văn K, Nguyễn Thị T và Võ Văn M đã thống nhất ý chí cùng nhau thực hiện hành vi dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Do đó, hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội phạm “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trên đây là quan điểm của chúng tôi, rất mong trao đổi cùng đồng nghiệp, bạn đọc.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận