Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2: Cựu Phó giám đốc sở Trần Tùng bị đề nghị mức án từ 12-14 năm tù

Chiều ngày 24/12/2024, tiếp tục phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã trình bày bản luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt các mức án cụ thể đối với 17 bị cáo trong vụ án.

Quang cảnh phiên tòa.

Lợi dụng chính sách nhân đạo

Theo đại diện VKS, việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát là một chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân. Mục tiêu cao nhất của chủ trương này là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của người dân.

Tuy nhiên, một số cá nhân có thẩm quyền tại các bộ, ngành đã lợi dụng chính sách nhân đạo này để thực hiện hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Họ tạo ra các cơ chế "xin-cho", buộc các doanh nghiệp phải chi phí "bôi trơn" để được thực hiện các chuyến bay giải cứu. Hành vi này không chỉ làm mất đi tính nhân văn của chủ trương, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân.

Đại diện VKSND TP Hà Nội tại phiên Tòa.

Cụ thể mức án với 17 bị cáo

Bị cáo Trần Tùng (SN 1978, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 7-8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, từ 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tổng hợp hình phạt chung đề nghị đối với bị cáo Trần Tùng là từ 12-14 năm tù.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo: Trần Thị Quyên (SN 1986, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) bị đề nghị từ 2-3 năm tù; Lê Thị Phượng (SN 1969, cựu Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) 24-30 tháng tù; Nguyễn Văn Văn (SN 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) và Lê Ngọc Tường (SN 1979, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) đều bị đề nghị từ 18-24 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Trường (SN 1980, cựu Chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) bị đề nghị từ 18-24 tháng tù cho hưởng án treo về cùng tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo: Vũ Hồng Quang (SN 1977, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) bị đề nghị từ 3- 4 năm tù (tổng hợp với hình phạt 4 năm tù của bản án trước đó tuyên tháng 7/2023 của TAND TP Hà Nội); Trần Thanh Nhã (SN 1991, trú tại phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) và Đặng Nhật Đức (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) đều bị đề nghị phạt từ 3 - 4 năm tù.

Bị cáo: Vũ Hoàng Dũng (SN 1987, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Cương (SN 1977, Trưởng phòng Thương mại Điện tử Công ty CP thương mại hàng không Vietjet), Bùi Đăng Khoa (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Du ngoạn thế giới), Trương Thị Mỹ Dung (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên), Phạm Quốc Thắng (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH PNR) đều bị đề nghị mức án từ 2 - 3 năm tù.

Bị cáo: Trần Thị Ngân (SN 1984, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) bị đề nghị 18-24 tháng tù cho hưởng án treo; Trần Minh Phụng (SN1970, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy) bị đề nghị 12-18 tháng tù cho hưởng án treo về cùng tội “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thông (SN 1975, cựu cán bộ Công an) bị đề nghị từ 12-18 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm”.

Sau phần nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án của VKS đối với 17 bị cáo trong vụ án, bước sang ngày 25/12, phiên tòa tiếp tục được diễn ra với phần tranh luận.

TRIỆU HỒ