Vũ Văn V phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015

Sau khi nghiên cứu bài viết của các tác giả Tạ Ngọc Nam đăng ngày 18/9/2023, tôi cho rằng Vũ Văn V phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 và không phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.

Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi là dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối.

Hành vi lừa dối là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật, tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội. Trên thực tế hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hợp thành bởi hai yếu tố chính như sau:

Thứ nhất, Người phạm tội đưa ra những thông tin gian dối. Hành vi này thể hiện là hành động có chủ đích của người phạm tội, được thực hiện bằng lời nói, hành động hoặc những biểu hiện khác nhằm cung cấp thông tin sai lệch về sự việc như nói có thành không, nói ít thành nhiều, nói xấu thành tốt, giả thành thật.

Thứ hai, Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm lẫn tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật ấy trao tài sản cho người phạm tội. Khi giao tài sản chủ tài sản không biết mình bị lừa dối. Họ có thể phát hiện ra ngay sau khi trao tài sản nhưng bản chất của hành vi chiếm đoạt là dựa trên thủ đoạn lừa dối thì vẫn bị xử lý về tội này. Nếu ngay sau khi trao tài sản, người quản lý tài sản phát hiện và đã thực hiện một số hành động để bắt giữ mà người phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác như dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản bằng được sẽ xử lý về tội phạm khác (tội cướp tài sản).

Trở lại vụ án, khi thấy chiếc xe đạp của cháu P thì V nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe. Để đạt được mục đích chiếm đoạt chiếc xe, V đã đưa ra những thông tin gian dối như:  V giả vờ đi lên tầng 2 gặp anh D nhưng sau đó nhanh chóng đi xuống nhà và nói “anh bảo bố D rồi, cho anh mượn xe đạp một lát anh trả ngay, tý về a mua kẹo cho”. Khi đó, cháu P người quản lý tài sản nhầm lẫn tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật của V nên trao tài sản cho V. Khi giao tài sản thì cháu P hoàn toàn không biết mình bị lừa dối. Sau khi chiếm đoạt, V đã bán chiếc xe đạp với giá 2.000.000 đồng để lấy tiền tiêu xài.

Như vậy, hành vi của V thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có hành vi dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Hành vi của Vũ Văn V đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015.

Ngoài ra, Vũ Văn V không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi’’, bởi lẽ: Thứ nhất, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi …” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Mặt khác Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 05 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đến nay không còn hiệu lực. Thứ hai, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng này khi khách thể bị xâm phạm là quyền nhân thân (tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,…) của người dưới 16 tuổi, bị xâm phạm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLDS thì, “quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác…”. Tội phạm xâm phạm quyền nhân thân của “con người”, đặc biệt là trẻ em được pháp luật Việt Nam đặc biệt quan tâm và bảo vệ, thì mới chịu thêm tình tiết tăng nặng nêu trên. Trong vụ án trộm cắp tài sản, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản, nên Vũ Văn V không phải chịu tình tiết tăng nặng theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.

Về xác định bị hại, theo Điều 62 BLDS năm 2015 quy định về Bị hại như sau: “1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản… do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Theo đó, việc chiếc xe đạp bị mất làm thiệt hại trực tiếp đến người cháu P nên có thể xác định cháu P là bị hại của vụ án.

Vì vậy, hành vi của Vũ Văn V đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015.

*Tòa án Quân sự Quân khu 4

Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Lương Ngọc

 

NGUYỄN PHI HÙNG*