Vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xử lý tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự

Qua thực tiễn áp dụng và uá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” còn một số vướng mắc, bất cập . Bằng bài viết dưới đây, tác giả xin nêu vướng mắc, bất cập và kiến nghị hướng dẫn thống nhất áp dụng

Quy định của pháp luật

Tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự. Hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng được hiểu là hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hoặc các hành vi chiếm đoạt khác.

Tại Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân đã ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 304, 305, 306, 307 và 308 Bộ luật Hình sự.

Tuy vậy qua thực tiễn áp dụng và nghiên cứu, tác giả nhận thấy tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” còn một số vướng mắc, bất cập như sau:

Vướng mắc, bất cập

- Thứ nhất, vướng mắc về phương pháp nào để xác định “vật phạm pháp có giá trị lớn”, “vật phạm pháp có giá trị rất lớn”“vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn”.

“Vật phạm pháp có giá trị lớn”, “vật phạm pháp có giá trị rất lớn”“vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn” là những tình tiết định khung hình phạt được quy định tại điểm g khoản 2; điểm d khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 304 Bộ luật Hình sự. Theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì “vật phạm pháp có giá trị lớn”vật phạm pháp có giá trị từ 10.000.000 đến dưới 200.000.000 đồng; “vật phạm pháp có giá trị rất lớn”vật phạm pháp có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng và “vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn”vật phạm pháp có giá trị là từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Việc xác định số tiền cụ thể của vật phạm pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội, định khung hình phạt, đồng thời cũng là căn cứ để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

Mặc dù Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xác định cụ thể về số tiền như thế nào để xác định vật phạm pháp đó là có giá trị lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, căn cứ vào đâu, bằng phương pháp nào để xác định giá trị của vật phạm pháp đó là bao nhiêu tiền thì còn có vướng mắc nhất định? Có quan điểm cho rằng, để xác định giá trị của vật phạm pháp đó là bao nhiêu tiền thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần tiến hành yêu cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Ví dụ, người phạm tội chiếm đoạt 2.000 viên đạn AR15 thì cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành yêu cầu định giá đối với 2.000 viên đạn AR15 để xác định số tiền cụ thể đó là bao nhiêu?

Tác giả cho rằng, để xác định giá trị của vật phạm pháp bao nhiêu tiền thì việc tiến hành định giá tài sản trong tố tụng hình sự là khó có thể thực hiện được. Tại vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ thì nguyên tắc định giá tài sản là phải Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”. Trong khi đó, vũ khí là vật được nhà nước quản lý chặt chẽ; đồng thời vũ khí không được xác định là tài sản vì không được phép lưu thông tự do trong thị trường. Vì vậy, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại các địa phương không thể tiến hành định giá được đối với vũ khí quân dụng là do không có tài sản tương tự để đối chiếu, so sánh. Cho nên, việc định giá tài sản đối với vũ khí quân dụng là không thể thực hiện được.

Thực tiễn áp dụng pháp luật thấy rằng, để xác định giá trị của vật phạm pháp là vũ khí quân dụng có giá bao nhiêu thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tham khảo giá đối với các cơ quan, tổ chức có chức năng sản xuất, kinh doanh vũ khí quân dụng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 101/2022/NĐ-CP ngày 08/12/2022 của Chính phủ, thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có thể giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất vũ khí quân dụng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tổ chức, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tham khảo giá của vũ khí quân dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ về sản xuất, đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng.

Thứ hai, vướng mắc từ việc người phạm tội có hai tình tiết định khung hình phạt (một tình tiết là vật phạm pháp có giá trị…., một tình tiết vật phạm pháp có số lượng….), nhưng mỗi tình tiết nằm ở các khoản khác nhau của điều luật thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Ví dụ, Nguyễn Văn A là quân nhân của đơn vị X. Với nhiệm vụ được giao là nhân viên quân khí, Nguyễn Văn A đã chiếm đoạt 1.200 viên đạn AR15 của đơn vị, sau đó bán cho Phạm Văn T thu lợi bất chính số tiền 12.000.000 đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành yêu cầu định giá nhưng không thực hiện được nên đã tham khảo giá của đạn AR15 đối với Cục Quân khí của Bộ Quốc phòng thì xác định được giá của 01 viên đạn AR15 là 37.000 đồng. Do đó, tổng giá trị của 1.200 viên đạn AR15 là 44.400.000 đồng.

Với số lượng 1.200 viên đạn AR15 có tổng giá trị của vật phạm pháp mà A đã chiếm đoạt là 44.400.000 đồng thì hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự ra sao? Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp này, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A theo khoản nặng nhất, tức hành vi của A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 3 Điều 304 Bộ luật Hình sự tương tự như trường hợp hướng dẫn tại khoản 7 Điều 6 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quan điểm khác cho rằng, trong trường hợp này thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản nhẹ hơn, tức hành vi của A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 304 Bộ luật Hình sự để bảo đảm nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong khi chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Thứ ba, vướng mắc về vấn đề giải quyết bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, thì “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Trong một số vụ án chiếm đoạt vũ khí quân dụng, nếu vũ khí quân dụng vẫn còn thì người phạm tội phải trả lại cho các cơ quan, đơn vị với tư cách là chủ sở hữu. Nhưng nếu vũ khí quân dụng không còn nữa thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, như đã phân tích như trên, hiện nay việc định giá tài sản đối với vũ khí quân dụng khó có thể thực hiện được, cho nên cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể tham khảo giá của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ kinh doanh vũ khí quân dụng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Nhưng khó khăn hiện nay là chỉ có thể tham khảo đối giá của các loại vũ khí quân dụng còn mới, thuộc cấp I, còn đối với các loại vũ khí quân dụng thuộc cấp II, III, IV và V thì không thực hiện được. Do đó, nếu người phạm tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng thuộc cấp II, III, IV và V thì xác định giá như thế nào để yêu cầu người phạm tội bồi thường thiệt hại? Còn nếu yêu cầu người phạm tội bồi thường như giá trị của các loại vũ khí thuộc cấp I thì không phù hợp với giá trị của vũ khí đã chiếm đoạt.

Thứ tư, bất cập từ hành vi thiếu trách nhiệm để mất vũ khí quân dụng nhưng không thể xử lý theo Điều 360 Bộ luật Hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ví dụ, Lê Văn B là Trưởng ban quân khí thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện X/ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Z. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, B đã không thường xuyên kiểm tra vũ khí nên để Trần Thanh S là cấp dưới của mình chiếm đoạt 16.425 viên đạn K56 đem bán lấy tiền tiêu xài vào mục đích cá nhân. Trần Thanh S bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” theo điểm d khoản 4 Điều 304 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án, Trần Thanh S bị điều tra, truy tố, xét xử là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đặt vấn đề là có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lê Văn B về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự hay không? Chúng tôi cho rằng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lê Văn B về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự. Tại vì, dấu hiệu để định tội theo khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự là phải thuộc các trường hợp “Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Trong vụ án, Lê Văn B đã thiếu trách nhiệm nên để mất vũ khí với số lượng 16.425 viên đạn K56. Vậy, với số lượng 16.425 viên đạn K56 thì có giá là bao nhiêu để xác định thiệt hại theo Điều 360 Bộ luật Hình sự? Đây là tình tiết định tội nên bắt buộc cần phải tiến hành định giá tài sản, nhưng như đã đề cập ở trên thì việc định giá đối với vũ khí quân dụng không thể thực hiện được. Do đó không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lê Văn B, mặc dù hành vi thiếu trách nhiệm đã gây thiệt hại với số lượng vũ khí quân dụng là đặc biệt lớn.

 Kiến nghị

Từ những khó khăn, bất cập như trên, để hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền:

- Hướng dẫn về phương pháp xác định giá trị của vật phạm pháp (vũ khí quân dụng) đó là bao nhiêu tiền để làm căn cứ xác định “gây thiệt hại về tài sản” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự; là căn cứ xác định khung hình phạt theo điểm g khoản 2; điểm d khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 304 Bộ luật Hình sự; đồng thời cũng làm căn cứ để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho các vụ án chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

- Hướng dẫn trường hợp người phạm tội có hai tình tiết định khung hình phạt (một tình tiết là vật phạm pháp có giá trị…., một tình tiết vật phạm pháp có số lượng….) nhưng mỗi tình tiết lại nằm ở các khoản khác nhau của điều luật (Điều 304 Bộ luật Hình sự) thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản nào của Điều 304 Bộ luật Hình sự.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Tòa án quân sự Quân khu 7