Vướng mắc khi giải quyết khiếu nại về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thực tiễn giải quyết khiếu nại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án còn gặp một số vướng mắc. Tác giả nêu lên một ví dụ qua thực tiễn giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự còn nhiều vướng mắc, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Chương VIII của BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời và thủ tục, thẩm quyền, khiếu nại, kiến nghị áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
1. Quy định của pháp luật
1.1. Điều 140 BLTTDS 2015 quy định khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: “Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời…”.
1.2. Điều 141 BLTTDS 2015 quy định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
“1. Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 140 của Bộ luật này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng ...”
1.3. Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng áp dụng thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 141 của BLTTDS như sau:
“1. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời … Chánh án Tòa án chuyển ngay cho Thẩm phán đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị để xem xét.
Đối với trường hợp khiếu nại, kiến nghị về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án tự mình xem xét, ra một trong các quyết định tại khoản 3 Điều này.
2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, Thẩm phán phải xem xét và xử lý như sau:
a) Trường hợp Thẩm phán nhận thấy việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời … là không đúng thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng …; đồng thời báo cáo kết quả cho Chánh án Tòa án;
b) Trường hợp Thẩm phán nhận thấy việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời … là có căn cứ thì Thẩm phán báo cáo về căn cứ ra quyết định của mình để Chánh án Tòa án xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Thẩm phán, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Không chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ.
b) Chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị có căn cứ. Trường hợp này, Chánh án Tòa án phải quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án theo hướng dẫn tại khoản 3 điều này là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.
2. Vướng mắc qua thực tiễn áp dụng pháp luật
2.1. Ngày 11/7/2021, TAND Tp NT đã thụ lý vụ án về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn ông Trần D, bị đơn bà Nguyễn Thị L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn A, ông Đặng H.
Ngày 07/8/2021, nguyên đơn ông D có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản đối với bị đơn bà L.
Ngày 08/8/2021, TAND Tp NT đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 09/2021/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” theo Điều 126 BLTTDS 2015 là nhà và đất tại thửa đất số 428, tờ bản đồ số 22, địa chỉ 63/26 đường NĐ, phường VP, thành phố NT.
Ngày 11/8/2021, bà Nguyễn A và ông Đặng H có đơn khiếu nại đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 09/2021/QĐ-BPKCTT ngày 08/8/2021 vì cho rằng nhà, đất này đã được nhận chuyển nhượng hợp pháp từ bà Nguyễn Thị L.
2.2. Để giải quyết đơn khiếu nại trên, căn cứ vào Điều 140, khoản 1, 2 Điều 141 BLTTDS 2015 và Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, xác định: Trong trường hợp trước khi mở phiên toà mà đương sự có khiếu nại về việc Thẩm phán ban hành Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án Toà án và Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại nêu trên là của Chánh án TAND Tp NT.
2.3. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà A, ông H về việc huỷ bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án TAND Tp NT thụ lý đơn khiếu nại (theo Phụ lục: Mẫu 1) và chuyển ngay đơn khiếu nại cho Thẩm phán để xem xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận đơn khiếu nại, Thẩm phán phải xem xét và xử lý như sau:
2.3.1. Thẩm phán nhận thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng thì Thẩm phán ra Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng đồng thời báo cáo kết quả cho Chánh án (Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020).
2.3.2. Thẩm phán nhận thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ thì Thẩm phán báo cáo về căn cứ ra quyết định của mình để Chánh án xem xét, quyết định (Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020).
2.3.3. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Thẩm phán, Chánh án xem xét, giải quyết khiếu nại, và ra một trong các quyết định: Không chấp nhận hoặc chấp nhận đơn khiếu nại (Căn cứ theo khoản 3 Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020).
Từ các mục [2.3.1.] và [2.3.2.] tác giả thấy khi Thẩm phán và Chánh án cùng quan điểm giải quyết thì khá đơn giản. Trường hợp Thẩm phán và Chánh án không cùng quan điểm thì phức tạp hơn.
Ví dụ, Thẩm phán không đồng ý hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vì theo báo cáo giải trình, Thẩm phán xác định việc mình ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên Chánh án thấy rằng việc Thẩm phán ban hành quyết định là sai và quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Vậy ai sẽ là người ban hành Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng? Quyết định này được ghi trong Quyết định giải quyết khiếu nại hay được ban hành riêng biệt? Ai sẽ là người ký Quyết định?
Vấn đề này hiện có hai quan điểm giải quyết như sau:
Quan điểm 1: Tại mục 11, 12 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định về quy trình giải quyết khiếu nại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Chánh án tiến hành thụ lý khiếu nại (Đính kèm Phụ lục: Mẫu 1). Trong trường hợp xét thấy khiếu nại của bà A, ông H là có căn cứ, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 09/2021/QĐ-BPKCTT ngày 09/12/2021 của Thẩm phán ban hành là không đúng thì Chánh án ra Quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung là chấp nhận đơn khiếu nại của bà A, ông H và giao cho Thẩm phán đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị khiếu nại ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng.
Trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đồng ý ra quyết định huỷ bỏ thì Chánh án phân công cho Thẩm phán khác ra Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, Toà án sẽ ban hành hai Quyết định, đó là:
+ Quyết định giải quyết khiếu nại (Đính kèm Phụ lục: Mẫu 2 (2C) do Chánh án ký ban hành.
+ Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng (Đính kèm Phụ lục: Mẫu 3) do một Thẩm phán được Chánh án phân công sẽ ban hành (Áp dụng tương tự khoản 3 Điều 138 BLTTDS 2015). Như vậy, Quyết định tại Mẫu 2 (2C) và Quyết định tại Mẫu 3 sẽ gửi cùng lúc cho đương sự và các cơ quan theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của BLTTDS 2015.
Quan điểm giải quyết này cũng áp dụng đối với trường hợp khiếu nại, kiến nghị về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 đã hết hiệu lực và đã được thay bằng Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 nên Tòa án không có căn cứ áp dụng.
Quan điểm 2: Tòa án áp dụng điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020: “… Chánh án Tòa án phải quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời,… quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Thời điểm này, Chánh án ký ban hành 1 quyết định, đó là: Quyết định giải quyết khiếu nại (Đính kèm Phụ lục: Mẫu 2 (2D); đồng thời trong Quyết định giải quyết khiếu nại này, Chánh án cũng sẽ ban hành Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng. Như vậy, Quyết định tại Mẫu 2 (2D) sẽ gửi cùng lúc cho đương sự và các cơ quan theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của BLTTDS 2015.
Từ quan điểm 1 và quan điểm 2 nêu trên, căn cứ theo quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tại Tòa án, tác giả đồng ý với hướng giải quyết của quan điểm 1, đó là: Chánh án giải quyết khiếu nại đồng thời giao cho một Thẩm phán khác ra Quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vì những lý do như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 133; khoản 3 Điều 138 BLTTDS 2015: Đối với yêu cầu áp dụng hay hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa thì quyết định áp dụng hay hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đều do một Thẩm phán được Chánh án của Tòa án phân công giải quyết.
Thứ hai, căn cứ vào Điều 140 và Điều 141 BLTTDS năm 2015 đã quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị về áp dụng hay hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa thuộc về Chánh án Tòa án. Luật chưa có quy định nào đề cập tới vấn đề Chánh án sẽ ban hành Quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay trong Quyết định giải quyết khiếu nại thành một Quyết định chung. Vì vậy, xác định thẩm quyền ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án nhưng Thẩm phán mới có quyền ban hành Quyết định áp dụng, thay đổi hay hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thứ ba, căn cứ vào khoản 2 Điều 139 BLTTDS 2015, khi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời “… Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,… cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền…”. Tức là, Tòa án phải ban hành ngay Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời để gửi cho đương sự và các cơ quan thi hành và Quyết định này được thi hành theo khoản 2 Điều 2, điểm đ khoản 2 Điều 36, Điều 130, Điều 131, Điều 132 Luật Thi hành án dân sự. Như vậy, Chánh án không thể ban hành Quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay trong Quyết định giải quyết khiếu nại thành một Quyết định chung.
Thứ tư, trong trường hợp Thẩm phán và Chánh án “Không đồng thuận” nêu trên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thực tiễn giải quyết tại Tòa án gặp những khó khăn như sau:
Tòa án gặp khó khăn trong việc xác định “lỗi” để xử lý trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 9, khoản 6 Điều 10 Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của TANDTC về “Quyết định ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân”.
Từ đó xác định ai là người bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị và bình xét thi đua cuối năm cho cá nhân, tập thể theo Thông tư 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của TANDTC về “Quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân”; Công văn số 203/CV-TANDTC-TĐKT ngày 20/7/2020 và Công văn số 356/CV-TANDTC-TĐKT ngày 15/12/2020 về “Một số nội dung cần sửa đổi một số trong công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân”.
Đồng thời, vướng mắc về vấn đề bồi thường thiệt hại theo điểm đ khoản 1 Điều 500, điểm c khoản 2 Điều 501 BLTTDS 2015, Hướng dẫn số 11 Mục IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017, Điều 9 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 ngày 20/6/2017 khi Thẩm phán ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
Như vậy, Tòa án giải quyết theo quan điểm 1 sẽ giải đáp được những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Pháp luật hiện hành tuy đã quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục để giải quyết khiếu nại, kiến nghị về áp dụng hay hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa nhưng qua thực tiễn áp dụng, các quy định này bộc lộ nhiều hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến nhiều hướng giải quyết khác nhau của Tòa án. Vì vậy, cần được Luật quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho đương sự cũng như người tiến hành tố tụng được nhanh chóng, kịp thời và việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Thứ nhất, TANDTC cần ban hành các quy định cụ thể, văn bản hướng dẫn riêng đối với “Giải quyết khiếu nại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” theo hướng: Chánh án Quyết định giải quyết khiếu nại đồng thời giao cho một Thẩm phán khác ra Quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thứ hai, để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án thì công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, kiến nghị cũng phải đạt hiệu quả cao, TANDTC thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân (Vì hiện nay công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều vướng mắc mà Luật chưa quy định hết).
Tòa án huyện Núi Thành, Quảng Nam xét xử vụ án Tranh chấp quyền sử dụng đất - Ảnh: Tư Thình
Bài liên quan
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Một số vấn đề về việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng của Viện kiểm sát
-
Không thể áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T
-
Phải áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận