Vướng mắc khi xác định xóa án tích trong trường hợp đương nhiên

Án tích là một trong những hậu quả pháp lý (tiêu cực) của việc bị kết án, là hậu quả pháp lý sau cùng của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trường hợp đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay còn có những quan điểm khác nhau.

1. Quy đinh về đương nhiên xóa án tích theo Bộ luât Hình sự năm 2015

Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về đương nhiên xóa án tích như sau:

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về trường hợp xóa án tích đương nhiên. Ngày 03/4/2019, tại Công văn 64/TANDTC-PC Tòa án nhân dân tối cao giải đáp về nội dung này như sau: Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.

Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Giải đáp nêu trên phần nào đã tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện xác định các trường hợp đương nhiên xóa án tích. Tuy nhiên, do chưa xem xét đầy đủ các quy định về đương nhiên xóa án tích trước khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực; về thi hành phần dân sự của bản án hình sự tại các thời điểm cụ thể theo pháp luật thi hành án dân sự, dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn, cần được nghiên cứu, giải quyết.

2. Quy định về đương nhiên xóa án tích trước thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật

- Điều 53 Bộ luật Hình sự 1985 quy định: Những người sau đây đương nhiên được xoá án:

1- Người được miễn hình phạt;

2- Người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách.

3- Người bị kết án không phải về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc về tội phạm quy định ở Chương XII Phần các tội phạm Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu, người ấy không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Ba năm trong trường hợp hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

b) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù đến năm năm.

Điều 64 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:

1. Người được miễn hình phạt.

2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;

c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;

d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.

- Hướng dẫn điều luật này, điểm d mục 11 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hiệu lực thi hành từ 01/9/2000 quy định:

d- Khi xem xét thời hiệu thi hành bản án đã hết hay chưa để xem xét việc xoá án tích, thì cần phải căn cứ vào Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đặc biệt cần chú ý là thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với trường hợp xử phạt tiền trước đây chưa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985, cho nên được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự, nay đã được quy định bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999, mà theo quy định này thì thời hiệu thi hành án đối với hình phạt tiền là 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Đối với các quyết định khác về tài sản trong bản án hình sự (như: tiền bồi thường thiệt hại; trả lại tài sản; tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến thiệt hại; tịch thu tài sản, án phí...) thì vẫn thi hành theo các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự (Điều 1)Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; do đó, để xem xét thời hiệu thi hành án đối với các quyết định về tài sản trong bản án hình sự đã hết hay chưa thì cần phân biệt như sau:

d.1- Đã hết thời hiệu thi hành án đối với các quyết định về tài sản trong bản án hình sự, nếu hết thời hạn quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự mà không có trở ngại khách quan, nhưng người được thi hành án không có đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án hoặc trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án, nhưng đã không ra quyết định thi hành án.

Ví dụ: - Hết thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, cá nhân được Toà án quyết định trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại mặc dù không có trở ngại khách quan, nhưng không có đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án, thì quyết định về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại này của Toà án hết hiệu lực thi hành.

- Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức được thi hành án không có đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án đối với quyết định về trả tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa và Thủ trưởng cơ quan thi hành án cũng không chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, thì quyết định của Toà án hết hiệu lực thi hành.

d.2- Nếu trong thời hạn quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự mà cá nhân được thi hành án, cơ quan, tổ chức được thi hành án đã có đơn gửi cơ quan thi hành án yêu cầu thi hành án hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án, thì chỉ khi nào người bị kết án thi hành xong các quyết định về tài sản hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án thì mới được coi là đã chấp hành xong các quyết định của Toà án về tài sản trong bản án hình sự.

- Nghị quyết 01/2007NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của HĐTP TANDTC hướng dẫn tại mục 1 về Điều 55 của BLHS 1999: Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3.Quy định về thi hành phần dân sự (tài sản) trong bản án hình sự

- Về Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, cụ thể như sau:

1- Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.

Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án được trả lại cho người có đơn yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án không có tài sản để thi hành theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày người phải thi hành án có điều kiện thi hành.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày việc thi hành bị ngừng.

2- Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan, tổ chức được thi hành án có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu cơ quan, tổ chức được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.

3- Trong trường hợp người được thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn, thì thời hạn thi hành án được tính từ khi trở ngại đó không còn.

Việc khôi phục thời hiệu thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án xét và quyết định.

- Pháp lệnh thi hành dân sự 2004 (có hiệu lực từ 01/7/2004) và Luật thi hành án dân sự 2008 đã bỏ quy định về thời hiệu thi hành án, nhưng vẫn giữ nguyên thời hiệu yêu cầu thi hành án như Pháp lệnh thi hành án dân sư 1993.

4. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật:

- Điều 75 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 (có hiệu lực từ 01/01/1997) quy định: Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

1- Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác.

2- Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước có hiệu lực kể từ ngày đăng Công báo, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác.

3- Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày ký văn bản hoặc có hiệu lực muộn hơn nếu được quy định tại văn bản đó. Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, thì văn bản có thể quy định ngày có hiệu lực sớm hơn.

Điều 76. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

1- Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước.

2- Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

- Điều 79 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (có hiệu lực từ 01/01/2009), kế thừa, giữ nguyên quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật như Điều 76 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996.

- Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi, bổ sung 2020: Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.

2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

Như vậy, quy định của các Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi; không được quy định hiệu lực trở về trước đối với quy định trách nhiệm pháp lý mới hoặc trách nhiệm pháp lý nặng hơn.  

5. Vướng mắc trên thực tiễn về xác định xóa án tích:

Vụ Bùi Quý H, sinh năm 1969, phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 26/9/2019 của TAND TP A. Tại bản án xác định H có nhân thân (02 bản án):

- Bản án số 02/1998/HSST ngày 13/01/1998, TAND TP A xử phạt A 36 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (trị giá tài sản 2.300.000đ). Ngày 30/11/2000, H chấp hành xong hình phạt tù, chưa thi hành bồi thường dân sự 2.300.000đ. Các bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án.

- Bản án số 15/2012/HSST ngày 16/02/2012, TAND thành phố A xử phạt 09 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (trị giá tài sản 4.290.000đồng), bồi thường trách nhiệm dân sự số tiền 2.580.000đ (Hành vi phạm tội ngày 19/11/2011). Chấp hành xong hình phạt tù ngày 08/8/2012, nộp án phí ngày 20/5/2013. Các bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án.

Tiền án: Bản án số 140/2016/HSST ngày 27/9/2016, TAND thành phố A xử phạt H 27 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy (hành vi phạm tội ngày 08/6/2016, thuộc trường hợp tái phạm), chấp hành xong hình phạt tù ngày 08/7/2018, chưa thi hành án phí.

Nội dung vụ án: Khoảng 10h15' ngày 05/6/2019, tại trước cổng Công ty TNHH một thành viên C ở số 100 Đại lộ Hồ Chí Minh, phường N, thành phố A, Bùi Quý H đang cất giấu trái phép 0,311g Heroin để sử dụng thì bị bắt quả tang.

Tại bản án hình sự số 150 ngày 26/9/2019, Tòa án nhân dân thành phố A căn cứ điểm c khoản 1 Điều 249; điểm h khoản 1 Điều 52 (tái phạm) ... của BLHS, xử phạt H 18 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hiện có 03 quan điểm về việc xác định tiền án đối với H:

Quan điểm 1: Trùng quan điểm với HĐXX vụ án, H đã được xóa án tích đối với Bản án 02/1998/HSST vì H đã chấp hành xong hình phạt tù từ 1999, đến nay chưa thi hành án về bồi thường dân sự nhưng đã hết thời hiệu thi hành án theo Điều 21 Pháp lệnh thi hành án dân sự 1996. Đồng thời, H đã được xóa án tích của Bản án số 15/2012/HSST vì H đã chấp hành xong hình phạt tù ngày 08/8/2012, nộp án phí ngày 20/5/2013. Các bị hại không có đơn yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự và đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự 2008.

Quan điểm 2: H đều chưa được xóa án tích đối với cả 02 bản án trên với lý do theo hướng dẫn tại Công văn 64/2019 của TANDTC thì H chưa chấp hành xong các quyết định tại các bản án trên.

Quan điểm 3: H đã được xóa án tích đối với bản án 02/1998/HSST với lập luận như quan điểm 1 và H chưa được xóa án tích đối với Bản án số 15/2012/HSST vì H chưa thi hành trách nhiệm bồi thường dân sự. Các tác giả đồng tình với quan điểm thứ 3, bởi lẽ:

Một là: Hành vi phạm tội của bị cáo thực hiện và Bản án 02/1998/HSST tuyên nghĩa vụ đối với bị cáo H khi Pháp lệnh thi hành án dân sự số 13-L/CTN ngày 17/04/1993 của UBTVQH có hiệu lực thi hành. Tại khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh trên quy định: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành. Như vậy, sau 03 năm kể từ ngày Bản án số 02/1998/HSST có hiệu lực pháp luật mà người bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thì phần trách nhiệm dân sự của Bản án hình sự 02/1998 hết hiệu lực thi hành. Người bị kết án sẽ không phải thi hành nghĩa vụ bồi thường. H chấp hành xong hình phạt tù của bản án ngày 30/11/2000. Thời hiệu thi hành trách nhiệm dân sự là 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nên đến 13/02/2001 là hết thời hiệu thi hành án. Do vậy, tính đến ngày 01/12/2002 (sau 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính – áp dụng quy định về thời hạn xóa án tích của BLHS 2015 có lợi cho H), H được xóa án tích đối với bản án trên vì không phạm tội mới cho đến năm 2012.

Hai là: Bản án hình sự số 15/2012/HSST được thi hành theo BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 về hình phạt chính, điều kiện xóa án tích; thi hành án nghĩa vụ dân sự theo Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008 (có hiệu lực ngày 01/7/2009) mà luật này đã bỏ quy định về thời hiệu thi hành bản án, chỉ còn quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Hết thời hiệu yêu cầu thi hành bản án thì người bị hại không được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành nghĩa vụ bồi thường theo bản án nhưng người bị kết án vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Nếu người bị kết án không tự nguyện thi hành thì người bị hại được quyền khởi kiện H bằng vụ án dân sự “kiện đòi tài sản” đối với số tiền 2.580.000đ. Do H chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự tại bản án trên nên H chưa được xóa án tích đối với bản án này.

Ba là: Không thể áp dụng quy định tại Luật thi hành án dân sự 2008, quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn đối với H (tức là không áp dụng thời hiệu thi hành án dân sự) để xác định việc chấp hành nghĩa vụ dân sự của bản án đã có hiệu lực trước thời điểm luật trên có hiệu lực thi hành.

Như vậy, ngày 05/6/2019, H thực hiện hành vi tàng trữ trái phép 0,311g Heroin thì hành vi phạm tội của H phải xác định là phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” theo điểm o khoản 2 Điều 249 BLHS 2015. Tòa án nhân dân thành phố A xét xử bị cáo H theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS là không đúng.

6. Đề xuất

Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam; nguyên tắc áp dụng pháp luật như viện dẫn nêu trên, chúng tôi đề xuất như sau:

6.1. Đối với người bị kết án từ trước 01/7/2004 mà bản án hình sự có quyết định về hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản, án phí và các quyết định khác phải thi hành án dân sự thì áp dụng hướng dẫn tại điểm d mục 11 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xác định thời hiệu thi hành án dân sự làm căn cứ xác định người bị kết án đã được xóa án tích hay chưa.

6.22. Đối với người bị kết án từ 01/7/2004 trở đi mà bản án hình sự có quyết định về hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các quyết định khác phải thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự thì mặc dù người bị kết án đã hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính mà không phạm tội mới nhưng chưa chấp hành xong bồi thường dân sự hoặc các quyết định khác phải thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự thì người bị kết án đều chưa được đương nhiên xóa án tích.

 

*Phó Chánh án TAND tỉnh Hải Dương, – **Trưởng phòng KTNV&THA

NGUYỄN HẢI BẰNG*– ĐÀO THỊ ĐÀO**