Vướng mắc trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân và đề xuất, kiến nghị
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích, đánh giá một số khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại TAND, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết đối với loại tranh chấp này.
1. Đặt vấn đề
Tranh chấp về xử lý nợ xấu là một trong những tranh chấp về kinh doanh - thương mại phổ biến nhất trong giai đoạn hiện nay và có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Chính vì vậy để bảo đảm xử lý hiệu quả các tranh chấp này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14), tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại TAND. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu tại TAND đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, về áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết
Cho đến nay chưa có kết quả tổng kết chính thức số lượng các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm được giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP; tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi biết rằng việc giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là rất hạn chế. Hầu hết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thường rất phức tạp nên không được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà được thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.
Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định:
“1. Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm;
b) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
Điều 3 của Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định:
1. Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và hướng dẫn của Nghị quyết này.
2. Trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nếu có đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 mà tài sản bảo đảm đó là tài sản của vợ chồng thì Tòa án có thể tách yêu cầu của đương sự đó để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục rút gọn.
3. Tòa án áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự có liên quan và hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết các tranh chấp hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.
Theo các quy định trên thì phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn là đối với “tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…”
Trước khi tổ chức tín dụng khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp thì các bên đã tiến hành các biện pháp thương lượng để thu hồi nợ nhưng không đạt được kết quả nên tổ chức tín dụng mới khởi kiện đến Tòa án. Do vậy, khi giải quyết những tranh chấp này, các đương sự thường không hợp tác, thậm chí cố tình chống đối, không thống nhất giá tài sản, không đồng ý bàn giao tài sản bảo đảm vì cho rằng họ tự giao dịch sẽ được giá trị cao hơn thông qua bán đấu giá tài sản do tổ chức tín dụng thực hiện; các tranh chấp này thường có số lượng lớn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hiện trạng tài sản có sự khác biệt và phức tạp hơn so với tài sản được đăng ký bảo đảm (như đăng ký bảo đảm quyền sử dụng đất nhưng hiện trạng thì có nhà trên đất và nhiều người liên quan sinh sống trên đất; đất không rõ ranh giới, đang có tranh chấp, tài sản chung vợ chồng, tài sản của hộ gia đình… Vì vậy, Tòa án thường mất nhiều thời gian để xác minh, xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm; đánh giá tính hợp pháp của hợp đồng bảo đảm; tiến hành định giá tài sản với những trường hợp cần thiết...
Ngoài ra, nhiều trường hợp, các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không khởi kiện về 2 loại tranh chấp quy định tại Điều 8 của Nghị quyết 42 mà khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tranh chấp hợp đồng tín dụng là tranh chấp có tính chất phức tạp về đối tượng tranh chấp và các bên tham gia tố tụng. Trường hợp này phải áp dụng điều kiện thủ tục rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015, cụ thể: “Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ””.
Đối với trường hợp này, bên cạnh việc xác minh về tài sản bảo đảm, Tòa án còn phải thu thập chứng cứ, xác minh và đánh giá tính hợp pháp của hợp đồng tín dụng. Do đó, các tranh chấp về hợp đồng tín dụng nói chung thường không đáp ứng được các điều kiện về áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTDS.
Thứ hai, về xem xét thẩm định tại chỗ
Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thường là bất động sản, là nhà, đất, chung cư… và đang có người trực tiếp quản lý, sử dụng. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hầu hết đều phải tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm đó. Tuy nhiên, việc xem xét thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn do đương sự không hợp tác, chống đối, gây rối hoặc đóng cửa, bỏ đi. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp Tòa án không thể tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm là nhà, đất làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.
Thứ ba, về trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản trên đất mà quyền sử dụng đất thực tế lớn hơn diện tích đất được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Nếu phần vật, kiến trúc xây dựng trên phần diện tích vượt quá đã được xây dựng thành một khối kiên cố với vật, kiến trúc xây dựng trên phần diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc phát mại được giải quyết như thế nào hoặc nếu phần diện tích vượt quá nằm trong diện tích đất của người khác hoặc đất công thì việc giải quyết tài sản thế chấp như thế nào chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Thứ tư, về tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự
Điều 14 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng...”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42/2017/QH14. Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hay không, hoàn trả vào thời gian nào vẫn còn nhiều cách giải quyết khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, hiện hành việc xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự vẫn còn nhiều cách hiểu và cách giải quyết khác nhau giữa các Tòa án. Có Tòa án cho rằng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 của BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS thì vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội phải bị tịch thu, nộp Ngân sách nhà nước. Như vậy, đối với trường hợp vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội đã được thế chấp tại Ngân hàng (tài sản bảo đảm) trước khi phạm tội cũng bị tịch thu, nộp Ngân sách nhà nước. Có Tòa án lại cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Ngân hàng cần xử lý theo hướng như sau: Trường hợp vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội đã được thế chấp hợp pháp tại Ngân hàng trước khi phạm tội thì khi giải quyết vụ án, Tòa án xem xét, quyết định việc ưu tiên xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng theo quy định của pháp luật; giá trị còn lại của tài sản đó phải bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
Thứ năm, về cung cấp tài liệu, chứng cứ
Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng nói chung và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nói riêng liên quan đến nhiều cơ quan, như cơ quan quản lý đất đai, cơ quan công an... Trong quá trình giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tín dụng, một số cơ quan hữu quan chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Tòa án trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ làm cho việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.
3. Kiến nghị, đề xuất
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, chúng tôi đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm như sau:
Thứ nhất, đối với quy định về áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Đề nghị đánh giá kỹ về tính khả thi của quy định này, học tập kinh nghiệm của các nước trong việc tạo cơ chế xử lý nợ xấu tại Tòa án; đặc biệt là đồng bộ các cơ chế quy định về quản lý, đăng ký tài sản.
Thứ hai, về cơ chế bảo đảm thực hiện các quy định về xử lý nợ xấu: Cần phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất, quyền sử dụng đất. Theo đó, công khai các thông tin về tình trạng đất, quyền sử dụng đất. Hệ thống này cần được liên thông toàn quốc, khi có biến động liên quan, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin để cơ quan được giao chủ trì quản lý cập nhật vào hệ thống này, đáp ứng yêu cầu công khai, tra cứu thông tin, phòng tránh rủi ro, tranh chấp và bảo đảm ổn định quan hệ sử dụng đất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, về xem xét thẩm định tại chỗ: Đây là hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án. Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/8/2022, theo đó hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 40 triệu đồng, đồng thời người có hành vi vi phạm có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính[1]. Như vậy, đến nay đã có cơ chế xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền nói chung và xử lý hành vi cản trở việc xem xét thẩm định tại chỗ nói riêng. Để khắc phục những vướng mắc trong việc xem xét thẩm định tại chỗ trong xét xử của Tòa án, cần có các cơ chế bảo đảm thi hành và đưa Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống.
Thứ tư, đề nghị sớm có hướng dẫn về việc xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.
Thứ năm, nâng cao năng lực của Thẩm phán và cán bộ Tòa án, thường xuyên, định kỳ tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn xét xử các tranh chấp về hợp đồng tín dụng để trao đổi, rút kinh nghiệm cho Tòa án các cấp trong việc giải quyết loại vụ án này.
Thứ sáu, Tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin đối với các vụ việc mà Tòa án giải quyết.
Thứ bảy, để nâng cao hiệu quả giải quyết của Tòa án, công tác xác minh, thẩm định của tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm cần được thực hiện chất lượng, hiệu quả hơn.
[1] Điều 18 của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Bài liên quan
-
Tòa án thành phố H có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Công ty A và ông B
-
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về TAND huyện H
Yêu cầu của anh A không cần thông qua thủ tục hoà giải -
Bàn về mức phạt cọc theo dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc
-
Một số bất cập, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng đặt cọc, tranh chấp di sản thừa kế
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận