Vướng mắc về thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều 34 của BLTTDS quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức người có thẩm quyền, trong đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tuy nhiên, trong thực tiễn còn có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu hủy GCNQSDĐ.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Yêu cầu hủy GCNQSDĐ cũng là một yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự.
Thẩm quyền cấp GCNQSDĐ thuộc về UBND cấp huyện (đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư…) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…)[1]. Do đó, khi đương sự khởi kiện vụ án dân sự đồng thời có yêu cầu hủy GCNQSDĐ đất thì thẩm quyền thụ lý, giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy đinh tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS và khoản 3, 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.
Mặt khác, tại mục 7 phần IV Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC, có nội dung như sau:
“… trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”.
Mặc dù, nội dung này chỉ giải đáp thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp về thừa kế có yêu cầu hủy GCNQSDĐ; tuy nhiên, xét về bản chất thì tranh chấp về thừa kế cũng như các tranh chấp dân sự khác như Tranh chấp quyền sử dụng đất bị lấn chiếm, Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ…đều là những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Tuy nhiên, do có phát sinh yêu cầu hủy GCNQSDĐ đất nên mới thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.
Do đó, có thể xác định trong mọi trường hợp tranh chấp về dân sự đồng thời có yêu cầu hủy GCNQSDĐ đất đều thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án cấp tỉnh.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Yêu cầu hủy GCNQSDĐ đất không phải là một yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự; đó chỉ là hệ quả phát sinh khi giải quyết tranh chấp dân sự, quá trình giải quyết, xét xử Tòa án buộc phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của Giấy chứng nhận để hủy hay không hủy mới đảm bảo giải quyết triệt để vụ án.
Tại khoản 1 Điều 34 BLTTDS quy định: “ Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”.
Như vậy, Tòa án xem xét, đánh giá tính hợp pháp đối với quyết định cá biệt (gồm GCNQSDĐ) trong vụ án dân sự không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.
Mặt khác, tại thời điểm thụ lý vụ án Tòa án chưa thể biết GCNQSDĐ đó có trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hay không nên Tòa án cấp huyện vẫn phải thụ lý vụ án theo thẩm quyền quy định tại Điều 26, Điều 35 BLTTDS.
Sau khi TAND huyện thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, xác định có căn cứ rõ ràng phải hủy quyết định cá biệt trái pháp luật là GCNQSDĐ thì mới chuyển hồ sơ vụ án lên TAND cấp tỉnh để xem xét hủy theo thẩm quyền tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS và hướng dẫn tại phần II Giải đáp số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC.
Do yêu cầu hủy GCNQSDĐ trong vụ án dân sự không phải là một yêu cầu khởi kiện nên người khởi kiện không phải đóng tạm ứng án phí và chịu án phí đối với yêu cầu này. Thông báo thụ lý vụ án cũng không phải xác định đây là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà chỉ cần ghi nội dung “Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ xem xét, đánh giá tính hợp pháp của Giấy chứng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự”.
Trên đây là vướng mắc về thẩm quyền khi thụ lý, giải quyết vụ án dân sự, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc và đồng nghiệp; đồng thời kính đề nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Tòa án nhân dân huyện Phù Ninh, Phú Thọ xét xử vụ án Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất - Ảnh: Trịnh Duy Phương
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận