Xác định nồng độ cồn đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đương bộ
Sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng qui định của pháp luật còn nhiều vướng mắc.
Khoảng 19 giờ 35 phút ngày 02/12/2021, Phạm Văn T điều khiển xe ô tô đầu kéo phía sau kéo theo sơ - mi rơ – mooc lưu thông trên đường thì chuyển hướng rẽ phải gây tai nạn giao thông với xe đạp điện do bà Nguyễn Thị Hồng T điều khiển đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả là bà T tử vong, xe đạp điện bị hư hỏng.
Quá trình điều tra xác định, Phạm Văn T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ, lỗi chính gây ra tai nạn giao thông. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Phạm Văn T là 9.312 mmol/1 (trị số bình thường là <10.9mmol/l). Các chất ma túy là âm tính.
Biên bản xác minh ngày 10/8/2022 tại Trung tâm y tế thành phố D có nội dung: Theo y học thì trong máu của mỗi người luôn có một hàm lượng cồn nhất định và hàm lượng này nhỏ hơn 10,9mmol/l. Như vậy, kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu của Phạm Văn T là 9,312 mmol/l thì theo y học thì đây là hàm lượng cồn trong máu của một người bình thường.
Phạm văn T khai không sử dụng rượu, bia. Chứng cứ tại hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện trước và trong khi gây ra tai nạn Phạm Văn T có sử dụng rượu, bia.
Đối với trường hợp này, hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2018, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Căn cứ khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: 8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Hai văn bản pháp luật này không cho phép người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, được hiểu là nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, theo quy định trên thì khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) : Điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Trường hợp này, bị cáo Phạm Văn T khai không sử dụng rượu, bia; Cơ quan tiến hành tố tụng không có chứng cứ nào chứng minh bị cáo T có sử dụng rượu, bia trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Phạm Văn T là 9.312 mmol/1 (trị số bình thường là <10.9mmol/l). Kết quả xác minh tại Trung tâm y tế D, thể hiện nội dung: Theo y học thì trong máu của mỗi người luôn có một hàm lượng cồn nhất định và hàm lượng này nhỏ hơn 10,9mmol/l. Như vậy, kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu của Phạm Văn T là 9,312 mmol/l thì theo y học đây là hàm lượng cồn trong máu của một người bình thường, không phải là nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia. Tức là, với nồng độ cồn này không có cơ sở để xác định bị cáo Phạm Văn T điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, không thoả mãn quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Do vậy, bị cáo Phạm Văn T chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Tác giả cho rằng nếu hiểu và vận dụng một cách máy móc như quan điểm thứ nhất thì sẽ dẫn tới xét xử sai do bị cáo không sử dụng rượu, bia mà phải chịu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt đối với trường hợp có sử dụng rượu, bia. Rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc và đồng nghiệp; đồng thời kính đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.
Sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm - Ảnh minh họa của Thái Vũ
Bài liên quan
-
Quốc hội cấm người có nồng độ cồn tham gia giao thông
Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu -
Xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn – thực trạng và kiến nghị
-
Đại biểu quan tâm đến quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông
-
Vì sao tai nạn giao thông tại tỉnh Thừa Thiên Huế tăng đột biến?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Hoang Minh Hien
04:08 11/01.2025Trả lời