Xác định thiệt hại như thế nào cho đúng?

Định tội danh đối với A không phụ thuộc vào giá trị tài sản vì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức. Tuy nhiên, qua quá trình giải quyết vụ án còn có hai quan điểm khác nhau về việc xác định thiệt hại của bị hại trong vụ án.  

Sáng ngày 14/5/2023 Nguyễn Văn A bắt xe khách từ Khánh Hòa đến Bến xe miền Đông, tiền xe hết 450.000 đồng. A chỉ có 200.000 đồng để trả tiền xe, thấy vậy nhà xe vẫn cho A đi và yêu cầu khi đến Bến xe miền Đông A phải làm sao để trả đủ cho nhà xe là được. Đến 17 giờ cùng ngày, khi đến Bến xe miền Đông thì Nguyễn Văn A bắt xe ôm của anh Lê Văn K và thỏa thuận giá là 300.000 đồng, K sẽ chở A về đến nhà tại Bình Dương. Nhưng do còn nợ tiền xe khách nên A đã mượn anh K là 250.000 đồng để trả cho nhà xe. A hứa với anh K là về đến nhà A sẽ lấy tiền và trả đủ anh là 550.000 đồng (tiền mượn và tiền xe ôm).

Trong quá trình K chở A thì A có mượn điện thoại của K (nhãn hiệu SamSung, trị giá 850.000 đồng) để gọi điện nhưng chưa đưa lại cho anh K. Khi đến đoạn đường về gần nhà, A không chỉ đúng đường cho K mà cố tình hướng dẫn cho anh K đi vào khu đất trống có nhà kho bỏ hoang. Khi thấy điều kiện thuận lợi A đã bảo anh K cho dừng xe để A đi vệ sinh, vừa xuống xe thì A đã cầm chiếc điện thoại và chạy trốn. Thấy vậy anh K đã chạy với và túm lấy A, giằng co lấy chiếc điện thoại, nhưng không được. A nhanh chân chạy thoát, còn anh K lại chạy về phía đường sáng để hô hoán “Cướp, cướp, mọi người ơi tôi bị cướp!”.

Chạy trốn được khoảng 10 phút thì A quay lại để tìm một chiếc dép bị mất. Đến nơi, trong lúc tìm dép thì A lại thấy một chiếc điện thoại Nokia (trị giá 300.000 đồng) của K đánh rơi ở dưới đường, A nhặt và bỏ túi. Lúc này anh K cũng quay lại hiện trường, bắt gặp A đang nhặt chiếc điện thoại của mình, K chạy tới giằng co với A để lấy chiếc điện thoại nhưng do A khỏe hơn đã vùng tháo chạy được. K liên tục hô hoán “Cướp, cướp…”. Lúc này có một số người đã nghe thấy và cùng với K bắt giữ A đưa về trụ sở Công an gần đó để giải quyết.

Trong trường hợp này A đã phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS. Mặc dù, định tội danh đối với A trong trường hợp này không phụ thuộc vào giá trị tài sản vì Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức. Tuy nhiên, qua quá trình giải quyết vụ án còn có hai quan điểm khác nhau về việc xác định thiệt hại của bị hại Lê Văn K trong vụ án.  

Quan điểm 1: Thiệt hại của Lê Văn K trong vụ án này là 1.400.000 đồng bao gồm 550.000 đồng (tiền xe ôm, tiền A mượn K) và 850.000 đồng giá trị chiếc điện thoại Samsung. Vì hành vi phạm tội cướp tài sản của A đã hoàn thành khi A lấy lý do đi vệ sinh và cầm điện thoại Samsung chạy trốn, thoát khỏi K. Việc A quay lại để tìm một chiếc dép bị mất và vô tình nhặt được chiếc điện thoại Nokia là hành vi không liên quan đến hành vi cướp tài sản trước đó của A. Do đó, không xác định giá trị chiếc điện thoại Nokia này là thiệt hại trong vụ án này.

Quan điểm 2: Thiệt hại của Lê Văn K trong vụ án này là 1.700.000 đồng bao gồm 550.000 đồng (tiền xe ôm, tiền A mượn K), 850.000 đồng giá trị chiếc điện thoại Samsung, 300.000 đồng giá trị chiếc điện thoại Nokia. Vì sau khi chạy trốn được khoảng 10 phút thì A quay lại để tìm chiếc dép bị mất. Lúc này, A thấy chiếc điện thoại Nokia và có ý định tiếp tục chiếm đoạt chiếc điện thoại này (A nhặt chiếc điện thoại này bỏ túi). Cùng lúc A đang nhặt điện thoại thì K nhìn thấy và chạy tới giằng co với A để lấy chiếc điện thoại nhưng do A khỏe hơn đã vùng tháo chạy được. Do vậy, thiệt hại của vụ án này được xác định là toàn bộ giá trị tài sản tiền xe ôm, tiền A mượn K, giá trị điện thoại Samsung, Nokia.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

 

Thực nghiệm điều tra một vụ cướp giật tài sản - Ảnh: CA

 

 

THANH THỦY (Tòa án quân sự Khu vực Quân chủng Hải quân)