Xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án nhân dân cấp huyện
Đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu và xây dựng Tòa án điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành là những vấn đề thời sự hiện nay. Các tác giả đã chủ động nghiên cứu tìm ra giải pháp để xây dựng một chương trình tin học hỗ trợ cho công tác tại TAND cấp huyện và chia sẻ cùng bạn đọc của Tạp chí.
1. Đặt vấn đề
Nghị quyết trung ương 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban chấp hành Trung ương về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là Nghị quyết 39) với mục tiêu: “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.”
Để thực hiện tốt mục tiêu đó, đòi hỏi hệ thống TAND phải đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu và xây dựng Tòa án điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành nhằm hiện đại hóa trong công tác quản lý và nâng cao hiệu quả các mặt công tác, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Xuất phát từ thực tiễn công tác tại đơn vị, không có cán bộ chuyên trách phụ trách công nghệ thông tin, các Thư ký phải làm cho nhiều Thẩm phán, kiêm nhiệm nhiều công việc; làm cho công tác của các Thư ký trở nên quá tải, cũng như công tác báo cáo thống kê còn làm theo phương thức thủ công, gây lãng phí thời gian. Nhằm khắc phục thực trạng này, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu tìm ra giải pháp để xây dựng một chương trình tin học hỗ trợ cho công tác tại TAND cấp huyện (gọi tắt là ứng dụng).
2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án nhân dân cấp huyện
Năm 2011, Chánh án TANDTC đã có Quyết định số 67/QĐ-TA ngày 26/9/2011 về việc áp dụng phần mềm thống kê các loại án của ngành Tòa án. Hệ thống TAND có các phần mềm như sau:
Phần mềm tkv1.toaan.gov.vn (Hệ thống phần mềm báo cáo thống kê các loại án của Tòa án nhân dân); nay phần mềm này được nâng cấp thành tk.toaan.gov.vn với 50 mẫu báo cáo thống kê các loại.
Phần mềm qla.toaan.gov.vn là phần mềm Hệ thống phần mềm quản lý và thống kê các loại vụ án.
Phần mềm này dùng để quản lý và báo cáo thống kê, chúng ta có thể dùng báo cáo thống kê trích xuất từ phần mềm này để nhập vào phần mềm tk.toaan.gov.vn. Đến năm 2021, phần mềm này đã được nâng cấp lên thành phần mềm qlta.toaan.gov.vn.
Phần mềm này được xây dựng trên cơ sở phân cấp từng khâu, từng giai đoạn tố tụng và có tích hợp việc tự động hóa in một số văn bản tố tụng.
Phần hoso.toaan.gov.vn là phần mềm nội bộ số hóa một số tài liệu trong hồ sơ án hiện đang lưu trữ tại kho lưu trữ của các Tòa án.
Nhìn chung các phần mềm nêu trên đã góp phần tích cực và hiệu quả trong hoạt động của Hệ thống Tòa án nhưng các phần mềm này còn một số hạn chế nhất định:
- Tốc độ xử lý thông tin của các phần mềm còn chậm;
- Thực tế là phần mềm qlta.toaan.gov.vn mới được triển khai thực hiện đầu năm 2022, phần mềm này đã phân cấp theo chức danh tư pháp và chức danh lãnh đạo nên để nhập liệu cần phải qua nhiều giai đoạn, đăng nhập nhiều tài khoản khác nhau. Việc nhập liệu dữ liệu thông qua nhiều trường dữ liệu nhỏ lẻ của phần mềm làm cho việc nhập dữ liệu còn chậm;
- Hiện nay, cấp huyện không thể trích xuất thành báo cáo thống kê theo 50 mẫu của TANDTC quy định như phần mềm cũ (đăng nhập vào ngày 01.3.2023).
Thực tiễn là từ khi sử dụng phần mềm qla.toaan.gov.vn cho đến phần mềm qlta.toaan.gov.vn các đơn vị Tòa án cấp huyện đều không trích xuất phần báo cáo thống kê để có báo cáo nhập vào phần mềm tk.toaan.gov.vn vì cán bộ công chức Tòa án chưa thực hiện việc nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác (đối với phần mềm qla.toaan.gov.vn) cũng như phần mềm này chưa tự động hóa trích xuất dữ liệu thành các mẫu báo cáo thống kê ngay cả khi nhập đầy đủ và chính xác (đối với phần mềm qlta.toaan.gov.vn). Nên các báo cáo thống kê phải được làm riêng theo phương thức thủ công và nhập dữ liệu theo quy định;
- Các mẫu tố tụng trong phần mềm qlta.toaan.gov.vn còn một số lỗi như tên địa danh của Tòa án cấp huyện nhưng ghi là tỉnh, một số văn bản không có năm sinh của đương sự, tính thẩm mỹ không cao, điển hình là tên cơ quan ban hành văn bản.
- Phần mềm chưa có phần thủ tục nhận đơn và xử lý đơn theo thủ tục hòa giải hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chưa có tiện ích để in các văn bản liên quan đến thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thực trạng hiện nay là hầu như tất cả, cán bộ, công chức đang công tác tại TAND cấp huyện đều sử dụng thành thạo tin học văn phòng, một số trường hợp có trình độ trung học chuyên nghiệp hoặc trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc ứng dụng tin học công nghệ thông tin vào lĩnh vực công tác văn phòng của các đơn vị còn hạn chế.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do nếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin thì cán bộ đó chưa hiểu rõ được quy định tố tụng, chưa hiểu một cách đầy đủ các mặt công việc của hành chính tư pháp. Hoặc do cán bộ có trình độ chuyên môn về tố tụng, quy trình tố tụng… thì thường được phát triển để trở thành Thẩm phán nên họ chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực hành chính tư pháp. Một bộ phận cán bộ có tư tưởng lười nghiên cứu ứng dụng, chỉ tập trung vào công tác chuyên môn nghiệp vụ và sử dụng nền tảng của các ứng dụng có sẳn;
3. Xây dựng ứng dụng
Phương pháp xây dựng ứng dụng là sử dụng các chức năng của Word và Excel trong bộ Microsoft Office, các công thức excel, các quy chuẩn về số hóa các tiêu chí, các thuật toán lập trình để thiết kế các file, các sheet để xây dựng ứng dụng. Sử dụng các liên kết, tư duy logic để mô tả quy trình tố tụng và tin học quá các quy trình này.
Ứng dụng gồm một thư mục chính là QLTOAAN NĂM được lưu vào ổ đĩa ổ D. Ví dụ ứng dụng dùng để quản lý năm 2023 sẽ có tên thư mục là QLTOAAN 2023 gồm các thư mục và các file như sau:
3.1. File DS phân công án theo Thông tư 01 là ứng dụng tự động phân công án ngẫu nhiên và chỉ định theo các điều kiện của Thông tư 01. Hướng dẫn và dùng để phân công án cho từng Thẩm phán tại đơn vị.
3.2. File Tinhtamunganphi là ứng dụng tự động tính tạm ứng án phí đã được thiết kế sẳn. Khi cần tính án phí hoặc tạm ứng án phí chỉ cần nhập vào ô giá trị tài sản tranh chấp ứng dụng sẽ tự động tính án phí, tạm ứng án phí.
3.3. File Tonghopbaocao dùng để tổng hợp báo cáo việc thụ lý giải quyết các loại đơn, các loại vụ việc, các hồ sơ theo thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với từng Thẩm phán và toàn đơn vị.
3.4. File TonghopanCLvaPT dùng để tổng hợp các vụ việc còn lại của từng Thẩm phán và phân tích một số tiêu chí như: số lượng án phức tạp, án đơn giản của từng Thẩm phán để tham mưu cho Chánh án phân công án.
3.5. Thư mục APDUNGBIENPHAPKHANCAPTAMTHOI: Dùng để quản lý, theo dõi việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và tự động thực hiện báo cáo thống kê mẫu 9F khi chúng ta nhập thời gian cần báo cáo vào trên cơ sở dữ liệu đã được tạo lập trong sổ quản lý, theo dõi.
3.6. Thư mục BIENPHAPHANHCHINH: Dùng để lập sổ theo dõi, quản lý việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; việc lập sổ được tin học hóa, tự động thực hiện báo cáo thống kê mẫu 7A, 7B khi chúng ta nhập thời gian cần báo cáo vào trên cơ sở dữ liệu đã được tạo lập trong sổ quản lý, theo dõi.
3.7. Thư mục CHATLUONGXETXU: Dùng để lập sổ theo dõi, quản lý các bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị và kết quả xét xử của Tòa án cấp trên; tự động báo cáo số lượng án bị hủy sửa của từng Thẩm phán, theo từng loại vụ việc; hỗ trợ tích cực cho công tác báo cáo chất lượng xét xử hàng quí, hàng năm của từng Thẩm phán, của đơn vị.
3.8. Thư mục GIAMDINH-KHAC: Dùng để lập các sổ theo dõi, quản lý về giám định, về bồi thường nhà nước….Do các báo cáo này thường rất ít phát sinh nên các báo cáo thống kê khác không được tự động hóa trừ báo cáo về giám định theo mẫu 9E.
3.9. Thư mục HINHSU: Dùng để lập sổ theo dõi kết quả thụ lý giải quyết các vụ án hình sự và tự động hóa báo cáo thống kê theo mẫu 1A (hình sự sơ thẩm cá nhân) khi chúng ta nhập thời gian cần báo cáo vào trên cơ sở dữ liệu đã được tạo lập trong sổ quản lý, theo dõi. Hỗ trợ rất tích cực cho báo cáo thống kê ở các mẫu 1F1 và 1F2.
3.10. Thư mục DANSU-HANHCHINH-KINH TE-LAODONG và thư mục HONHANGIADINH: Dùng để tạo sổ nhận đơn khởi kiện, sổ thụ lý các loại vụ việc, sổ theo dõi bản án, quyết định (sổ kết quả), Sổ thụ lý giải quyết các loại vụ việc theo thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án một cách tự động hoặc bán tự đồng; dùng để báo cáo kết quả thụ lý, giải quyết đơn; thụ lý, giải quyết các loại vụ việc; thụ lý giải quyết các hồ sơ theo thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án của từng Thẩm phán, của cả đơn vị; tự động báo cáo thống kê các loại vụ việc đối với từng loại án cụ thể (2A, 3A, 4A, 5A, 6A); tự đồng báo cáo thống kê công tác thụ lý hòa giải, đối thoại tại Tòa án,…
Tự động ban hành in ấn các văn bản tố tụng như:
[1] Bìa hồ sơ các loại vụ việc;
[2] Biên bản giao nhận tài liệu chứng cứ;
[3] Giấy xác nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;
[4] Báo cáo đề xuất phân loại, xử lý đơn.
[5] Thông báo về quyền lựa chọn hòa giải và lựa chọn hòa giải viên lần 1, lần 2
[6] Biên bản ghi nhận ý kiến người khởi kiện/người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn hòa giải viên;
[7] Quyết định chỉ định Hòa giải viên;
[8] Thông báo trả lại đơn khởi kiện;
[9] Quyết định phân công thẩm phán, thư ký giải quyết vụ việc;
[10] Thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý việc dân sự;
[11] Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải;
[12] Ban hành giấy triệu tập cho các đương sự;
[13] Một số loại văn bản khác hỗ trợ cho Hòa giải viên như: Giấy mời, Biên bản hòa giải, giấy xác nhận làm việc….
3.11. Thư mục HUONGDANSUDUNG: Dùng để mô tả chi tiết cách thức xây dựng ứng ựng và hướng dẫn sử dụng ứng dụng.
3.12. Thư mục KHIEUNAITOCAO
Dùng để lập sổ theo dõi kết quả thụ lý giải quyết đơn khiếu nại tố cáo và tự động hóa ban hành, in ấn một số văn bản:
+ Đề xuất xử lý đơn khiếu nại, tố cáo;
+ Viết bìa hồ sơ khiếu nại, tố cáo;
+ Ban hành thông báo thụ lý đơn khiếu nại;
+ Ban hành quyết định thụ lý đơn tố cáo;
+ Ban hành thông báo yêu cầu thẩm phán giải trình;
+ Ban hành thông báo không thụ lý khiếu nại;
+ Quyết định giải quyết khiếu nại;
+ Thông báo không thụ lý tố cáo;
Tự động thực hiện báo cáo thống kê đơn khiếu nại, đơn tố cáo 8B01, 8B02;
3.13. Thư mục MIENGIAMTHIHANHAN: Dùng để lập sổ theo dõi kết quả thụ lý giải quyết việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; Soạn thảo quyết định phân công thẩm phán giải quyết, thông báo mở phiên họp và thực hiện báo cáo thống kê. Tự động thực hiện báo cáo thống kê theo mẫu 9D.
3.14. Thư mục NHANUYTHAC: Dùng để lập sổ quản lý theo dõi kết quả nhận ủy thác tư pháp từ các Tòa án khác và tự động hóa việc in văn bản trả lời kết quả thực hiện ủy thác.
3.15. Thư mục THIHANHANHINHSU: Dùng để lập sổ để theo dõi kết quả thi hành án hình sự và thực hiện báo cáo thống kê;
Trong các thư mục đều có các file word hoặc excel, trong các file excel đều có nhiều sheet khác nhau đều được liên kết chặt chẽ trên cơ sở các công thức toán học để xử lý dữ liệu và tính toán để cho ứng dụng tự động hóa các mẫu báo cáo thống kê theo quy định và đảm bảo việc ban hành các văn bản tố tụng đúng theo mẫu quy định chỉ bằng một vài thao tác đơn giản.
4. Hiệu quả của việc ứng dụng
Qua quá trình xây dựng và áp dụng sáng kiến, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của đơn vị, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng đã đạt những hiệu quả rất to lớn.
4.1. Tiết kiệm về thời gian
Khi sử dụng ứng dụng, chúng ta đã giảm bớt thời gian trong việc nhập dữ liệu, chỉnh sửa các văn bản tố tụng vì chỉ cần nhập 12 trường dữ liệu ban đầu. Từ các trường dữ liệu ban đầu này, ứng dụng sẽ sử dụng mỗi trường dữ liệu khoảng trên dưới 30 lần, ứng dụng sẽ tự động phân tích các tiêu chí và báo cáo thống kê một cách tự động.
Thời gian ban hành các văn bản tố tụng được rút ngắn một cách đáng kể: Thay vì khi đương sự nộp đơn khởi kiện thì cán bộ hành chính văn phòng sẽ tham mưu lập biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ; soạn thảo giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện, viết bìa hồ sơ, vào sổ nhận đơn. Sau đó, nếu vụ việc được thụ lý thì phải giao cho bộ phận thụ lý vào sổ thụ lý vụ việc; soạn quyết định phân công Thẩm phán, Thư ký; Tiếp đó, Thư ký sẽ soạn Thông báo thụ lý vụ án; Thông báo về phiên họp việc tiếp nhận, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải; viết giấy triệu tập cho đương sự để làm việc. Nhưng khi ứng dụng, chỉ cần một công chức nhập dữ liệu ban đầu và sẽ phát hành tất cả các văn bản như đã nêu trên.
Khi chưa có ứng dụng thì các báo cáo thống kê đều phải làm thủ công giao cho nhiều Thư ký thực hiện nhưng khi có ứng dụng chỉ cần một Thư ký hoặc một người thực hiện công việc báo cáo và nhập dữ liệu báo cáo vào phần mềm thống kê trong vòng vài giờ đồng hồ.
Việc ứng dụng chương trình đã cho thấy kết quả hỗ trợ cho Thẩm phán, Thư ký là rất rõ rệt, tiết kiệm thời gian tương đương ít nhất khoảng 0,5 thời gian làm việc của 01 biên chế công chức văn phòng.
4.2. Báo cáo chính xác, khoa học và kịp thời
Qua quá trình thực hiện chương trình, do các báo cáo thông kê đều được tự động hóa nên việc nhập 50 mẫu báo cáo thống kê hàng tháng vào phần mềm tk.toaan.gov.vn luôn đảm bảo đúng thời hạn luật định và thường được thực hiện sớm hơn các huyện khác chưa có ứng dụng.
4.3. Trả lời kết quả cho đương sự, báo cáo cho lãnh đạo
Cung cấp thông tin thụ lý giải quyết vụ việc, thẩm phán giải quyết cho các đương sự khi cần liên hệ một cách nhanh chóng, khoa học.
Cung cấp thông tin, báo cáo cho lãnh đạo đơn vị về thông tin giải quyết các vụ việc cụ thể và số liệu chi tiết từng vụ việc, từng Thẩm phán, theo dõi việc giải quyết vụ việc quá hạn một cách kịp thời, khoa học, chính xác để giúp lãnh đạo đơn vị kiểm tra đôn đốc giải quyết các vụ việc đảm bảo đúng tiến độ.
4.4. Hiệu quả khác
Hiện đại hóa hoạt động quản lý từ khâu tiếp nhận, xử lý đơn cho đến giai đoạn thụ lý, giải quyết án, theo dõi kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và và công tác báo cáo thống kê đối với từng loại vụ việc.
Các sổ sách đều tự tin học hóa một cách khoa học. Công tác quản lý các sổ sách nghiệp vụ được thực hiện khoa học, chính xác; Bởi vì hiện nay theo quy định của TANDTC thì các sổ nghiệp vụ phải lập theo mẫu thống nhất theo quy định và để quản lý từng loại án thì cần có nhiều loại sổ nghiệp vụ khác nhau nhưng dữ liệu trong một số cột của các sổ này giống nhau nên nếu việc lập sổ nghiệp vụ bằng thủ công sẽ gây tốn thời gian, công sức của người lập các sổ nghiệp vụ. Do đó, ứng dụng này sẽ mã hóa các hồ sơ theo một mã số nhất định, từ đó tạo lập các liên kết từ các sổ nghiệp vụ khác nhau (liên kết bằng các công thức trong các file excel) để khi người sử dụng nhập mã số hồ sơ thì dữ liệu từ sổ này có thể chuyển sang dữ liệu của sổ khác một cách tự động, chính xác, khoa học.
Công tác ban hành văn bản tố tụng được thực hiện thuận tiện và nhanh chóng, đạt hiệu quả cao: Từ dữ liệu chính trong các sổ nghiệp vụ, người sử dụng sẽ thiết lập và ứng dụng phần trộn thư (Mail Merge) trong Word để lấy dữ liệu từ các sổ nghiệp vụ, điền vào các thông tin trong các văn bản tố tụng. Khi chúng ta muốn xuất dữ liệu nào thì chỉ cần nhập mã số hồ sơ thì văn bản tố tụng của từng hồ sơ sẽ tự động kết xuất và ban hành.
Tra cứu và cung cấp thông tin về thẩm phán thụ lý giải quyết đơn, thụ lý giải quyết các vụ việc; các thông tin khác có liên quan cho đương sự, cho cán bộ công chức tại đơn vị một cách nhanh chóng, chính xác, đạt hiệu quả cao;
Góp phần thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính tư pháp trong Hệ thống Tòa án nhân dân nói chung, góp phần xây dựng Tòa án điện tử nói riêng.
Hỗ trợ rất tốt cho Tòa án thực hiện tốt Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án vì Chương trình hỗ trợ cho cán bộ hành chính – tư pháp hỗ trợ thực hiện các thủ tục về hòa giải, đối thoại, hỗ trợ hòa giải viên trong việc lập các biên bản, giấy mời…
Cung cấp nền tảng về thuật toán lập trên để Tòa án nhân dân tối cao có thể sử dụng để nâng cấp, hoàn thiện phần mềm qlta.toaan.gov.vn;
- Hỗ trợ tốt cho công tác trích sao án văn các loại vụ việc tại Tòa án; hỗ trợ tốt cho việc lưu trữ hồ sơ tại Tòa án
5. Kết luận và khuyến nghị
5.1. Kết luận
Với mục tiêu hỗ trợ, giúp việc cho cán bộ, công chức tại TAND cấp huyện tiết kiệm thời gian, công sức khi thực hiện một số mặt công tác; giúp cho quá trình quản lý, điều hành của Chánh án đạt hiệu quả cao; góp phần tích cực vào việc thực thiện tốt Nghị quyết 39; góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính – tư pháp tại TAND cấp huyện, xây dựng Tòa án điện tử; Ứng dụng đã được xây dựng và sử dụng thử nghiệm tại đơn vị.
Với thực trạng là nhiều TAND cấp huyện bị quá tải do có rất ít cán bộ chuyên trách thực hiện về công tác hành chính, tư pháp, phần lớn các đơn vị đều cho các Thư ký kiêm nhiệm nhiều công tác; các báo cáo thống kê phải chia cho nhiều Thư ký thực hiện, một số mặt công tác chưa được thực hiện theo quy trình chuẩn. Do đó, việc xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tại TAND cấp huyện với phương thức quy trình chuẩn hóa để nâng cao hiệu quả công tác là rất cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính – tư pháp, cải cách tư pháp tại Tòa án.
Qua quá trình xây dựng và sử dụng thí điểm tại đơn vị, ứng dụng đã cho thấy được những hiệu quả tích cực trong bối cảnh đơn vị phải thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị quyết 39. Hiệu quả quan trọng và nổi bật nhất của ứng dụng là tiết kiệm được thời gian, công sức của cán bộ, công chức tại đơn vị; giúp cho quá trình quản lý điều hành của ban lãnh đạo, các mặt công tác được tổ chức một cách khoa học, đạt hiệu quả cao. Và việc xây dựng ứng dụng này trong công tác là khá đơn giản và mang tín khả thi cao.
5.2. Khuyến nghị
Với những hiệu quả đã đạt được trong quá trình thực hiện xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin tại TAND cấp huyện, chúng tôi nhận thấy, việc triển khai, thực hiện ứng dụng này trong phạm vi tại các Tòa án nhân dân cấp huyện là rất khả thi.
Đồng thời, ứng dụng này cũng là nền tảng về thuật toán lập trình có thể giúp cho TANDTC nghiên cứu, bổ sung vào phần mềm qlta.toaan.gov.vn để quá trình quản lý, điều hành của Hệ thống TAND đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi viết bản án và biên bản phiên tòa. Ảnh: TANA
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận