Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng đồng phạm

Sáng 10/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

HĐXX trong vụ án này gồm 3 người, do Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm Chủ tọa phiên toà.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh trên, VKSNDTC còn truy tố các bị cáo: Hồ Lâm (nguyên Giám đốc Sở TN&MT); Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT); Ngô Hiếu Toàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính); Đặng Hoài Nhân (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận); Nguyễn Thị Thu Phong (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh). Riêng bị cáo Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Tại phiên tòa, hiện có hơn 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Đại diện của UBND tỉnh Bình Thuận có 2 người được ủy quyền có mặt tại phiên tòa. Đại diện của Công ty Tân Việt Phát có mặt tại phiên tòa.

Theo đại diện VKS, bị cáo Hai có nhiều luật sư bào chữa nên sự vắng mặt của 1 luật sư bào chữa cho bị cáo Hai không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo; từ đó, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử.

Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy bị cáo Hai có nhiều luật sư bào chữa, bản thân bị cáo cũng đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử nên HĐXX thấy rằng quyền lợi của bị cáo vẫn được đảm bảo, nên tòa tiếp tục xét xử theo đúng trình tự.

Trong phần thủ tục, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Hai cho biết các luật sư đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan liên quan, gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận… liên quan đến việc đánh giá thiệt hại cua vụ án. Luật sư đề nghị HĐXX bổ sung thêm một số cơ quan tổ chức tham dự phiên tòa, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Sở TN&MT Bình Thuận, Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Lâm cho biết ngày 28/4, luật sư có làm văn bản đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ TN-MT là những cơ quan liên quan đến các văn bản pháp quy.

 

Các bị cáo tại phiên tòa

Luật sư cũng thấy rằng trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX có triệu tập một số cơ quan khác nhưng tại phiên tòa hôm nay chưa thấy có mặt Hội đồng giám định. Từ đó, phía luật sư đề nghị xem xét triệu tập Hội đồng giám định; nếu chưa triệu tập được, luật sư đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Liên quan đến đề nghị trên của luật sư, VKS cho thấy đây là vụ án xét xử kéo dài nên nếu thấy cần thiết, HĐXX có thể tiếp tục triệu tập trong những ngày tiếp theo. HĐXX thấy rằng, song song với quá trình xét xử nếu thấy cần thiết phải triệu tập thêm, HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập.

Theo cáo trạng truy tố, cựu Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai biết rõ quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng vẫn ban hành chủ trương giao 3 lô đất 18, 19, 20 (thuộc quỹ đất 2 bên đường ĐT.706B phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho Công ty Tân Việt Phát vào năm 2017, nhưng áp dụng giá đất được phê duyệt năm 2013 trái quy định pháp luật.

Cùng thực hiện hành vi phạm tội với ông Nguyễn Ngọc Hai là các lãnh đạo, cán bộ UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc Sở TN&MT và Sở Tài chính, được giao nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến quản lý đất đai và tài chính về đất đai.

Các bị cáo đều biết quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 108 Luật Đất đai nhưng vẫn thống nhất đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát nhưng không xác định giá đất cụ thể tại thời điểm giao đất.

Cáo trạng cũng xác định, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 45 tỷ đồng; cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Hai là người chịu trách nhiệm với vai trò chính, ông Lương Văn Hải và các bị cáo khác có vai trò đồng phạm.

Trong vụ án này, VKSNDTC cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo khiến Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi số tiền chênh lệch hơn 45 tỷ đồng mà lẽ ra theo quy định pháp luật, Công ty Tân Việt Phát phải nộp cho Nhà nước để được giao đất, cho thuê 3 lô đất số 18, 19, 20.

Công ty Tân Việt Phát được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, làm cho Nhà nước bị thiệt hại hơn 45 tỷ đồng nên được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền được hưởng lợi bất hợp pháp nói trên. Do đó cần buộc Công ty Tân Việt Phát nộp hoàn trả số tiền hơn 45 tỷ đồng để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Tân Việt Phát, quá trình điều tra không đủ căn cứ để khẳng định có sự cấu kết, thông đồng với các đối tượng liên quan để được giao, cho thuê đối với 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát nên không có cơ sở để xử lý đối với ông Phương và các cá nhân khác tại Công ty Tân Việt Phát.

 

Bị cáo Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

 

 

.

HẢI NAM