Xét xử vụ Mobifone – AVG: Phân biệt tiền nhận hối lộ và tiền khắc phục hậu quả
Ngày 21/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án sai phạm trong quá trình thực hiện dự án cho Tổng Cty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Cty nghe nhìn toàn cầu AVG gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng. Các bị cáo và luật sư bào chữa nhìn chung chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC bình luận về việc xin nộp tiền của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Gia đình ông Son sẽ nộp tiền trước 26/12
Ông Son từng khai đưa số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ cho con gái nhưng ra tòa đã thay đổi và nói đã chi tiêu cá nhân hết. Ngày 19/12, phiên tòa đã tạm nghỉ để ông Son gặp gia đình, vận động nộp lại số tiền này. Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát viên cho rằng bị cáo và gia đình chưa nộp tiền bất chính nên chưa thể xem xét giảm nhẹ, đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Bắc Son án tử hình cho các tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Tại tòa, luật sư bảo vệ bị cáo Son cho biết: “Thực hiện ý nguyện của bị cáo Nguyễn Bắc Son về việc khắc phục hậu quả, gia đình và bạn bè của ông đã huy động được số tiền tính tới thời điểm này là 12,5 tỷ đồng”. Sáng 21/12, ông Son đã viết thư viết với nội dung sáng cùng ngày, gia đình đã khắc phục được 12 tỷ đồng trong số 3 triệu USD nhận hối lộ, còn thiếu khoảng 55 tỷ đồng, ông Son động viên gia đình khắc phục trước ngày 26/12. Ông Trần Quang Hưng – con rể bị cáo Son có mặt tại toà cho biết, gia đình sẽ cố gắng nộp tiền trong thời gian nhanh nhất và ngay trong sáng 21/12 đã đi nộp 12,5 tỷ đồng theo nguyện vọng của ông Son.
Ông Tuấn nói “Đây là nỗi nhục của chúng tôi”
Bị cáo Trương Minh Tuấn nhất trí với nội dung cáo trạng và kết luận của đại diện VKSND khi quy kết bản thân mình phạm các tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” và nhận thấy kết luận của kiểm sát viên đã phân hóa, làm rõ trách nhiệm của từng người.
Khẳng định sai phạm là ngoài mong muốn, nhất là việc ký Quyết định 236, bị cáo Tuấn mong HĐXX xem xét việc khi đương chức đã yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin vụ việc cho cơ quan điều tra. “Tôi chính là người đề xuất giao cho Phạm Đình Trọng động viên Phạm Nhật Vũ để hủy hợp đồng và thu hồi tiền về cho nhà nước, khắc phục hậu quả tối đa” – ông Tuấn khai và cho rằng đây là vụ án kinh tế hy hữu khi đã thu hồi được toàn bộ tài sản cho nhà nước.
Ông Tuấn nói: “Chúng tôi thấy góc khuất của vụ án. Khi tôi làm Bộ trưởng đã yêu cầu cung cấp hồ sơ nhưng cũng không thể thấy được, sai ở tất cả các khâu, sai từ trên xuống… Phiên tòa này sẽ kết thúc nhưng tòa án lương tâm còn mãi mãi, không bao giờ chấm dứt. Đây là điều đau khổ với cá nhân tôi”.
Về hành vi nhận hối lộ, ông Trương Minh Tuấn còn nói: “Tôi rất xấu hổ khi đứng đây cùng 3 bị cáo nhận hối lộ khác, đây là nỗi nhục của chúng tôi. Tôi nhận hình thức nào, là quà biếu hay cảm ơn, nhận mức độ nào cũng là phạm tội. Tôi biết, đề nghị viện kiểm sát ở mức thấp nhưng mong HĐXX tiếp tục xem xét giảm thêm nhất là cho những bị cáo đã khắc phục hậu quả… Tội danh này ít người khai ra, nên động viên người khác khai ra trong các vụ án khác”.
Xin giảm nhẹ hình phạt
Bị cáo Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone, cho rằng hình phạt mà đại diện VKSND đề nghị là quá nghiêm khắc đối với các bị cáo tại MobiFone và xin giảm nhẹ hình phạt cho họ cũng như bản thân.
Ông Trà nói: “Bản thân bị cáo với cương vị là chủ tịch HĐTV đã không đủ khả năng dẫn dắt các bị cáo vượt qua sức ép, quyết định của dự án để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước tòa” . Bị cáo Trà còn cho rằng bản thân không tham vọng, không đòi hỏi gì với bị cáo Phạm Nhật Vũ và không tạo sức ép với cấp dưới, ban tổng giám đốc.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà cho rằng việc bị cáo tự thú về việc nhận hối lộ đã mở ra giai đoạn đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi đưa – nhận hối lộ. Các luật sư bào chữa cũng “rất đau xót về mức độ nghiêm trọng của vụ án, những ảnh hưởng, hệ lụy do hành vi của các bị cáo, trong đó có Lê Nam Trà, gây ra”, nhưng vẫn mong Hội đồng xét xử khoan hồng đối với người tự thú, nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt”.
Phân biệt bồi thường và nộp lại tiền nhận hối lộ
Khi bào chữa cho ông Trương Minh Tuấn, luật sư cho rằng dù thân chủ của ông và các bị cáo khác có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng, thì cũng không bằng sự chủ động khắc phục của bị cáo Phạm Nhật Vũ và gia đình. “Cá nhân tôi cảm ơn ông Vũ vì nếu ông Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng trả lại tiền, thì ngồi ở đây không phải chỉ có từng này người, và mức án cũng không thể như Viện kiểm sát đề xuất, và Viện kiểm sát cũng ghi nhận hết rồi, và tôi nghĩ rằng những người ở đây cũng phải ghi nhận việc này”, luật sư nói.
Theo dõi diễn biến phiên tòa, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC cho rằng nếu ông Son nộp 12,5 tỷ tương đương 540.000 USD là nộp lại tiền nhận hối lộ, không phải là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS, vì đây không phải là tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả. Ông Son chỉ được một tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 51 BLHS.
Lý giải thêm, ông Đinh Văn Quế nói: Của hối lộ là vật chứng vụ án nên toà sẽ phải buộc ông Son nộp để tịch thu sung quỹ Nhà nước. Nếu ông Son muốn bồi thường thì xem hành vi phạm tội gây ra thiệt hại bao nhiêu để có số tiền bồi thường tương ứng. Nếu ông Son bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường một phần của thiệt hại hơn 8 ngàn tỷ, mới là tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 51 BLHS. Còn 3 triệu USD là vật chứng nếu CQĐT không thu được thì Toà buộc ông Son nộp để tịch thu.
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t)Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x)Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận