Xử lý vật chứng “không có giá trị” trong vụ án hình sự - Vướng mắc và kiến nghị đề xuất
Hiện nay, việc xử lý vật chứng được quy định tại Điều 106 BLTTHS năm 2015, tuy nhiên thực tiễn quá trình xét xử, việc xử lý những vật chứng “không có giá trị” vẫn còn vướng mắc, bất cập, chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Vật chứng là một nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội và làm sáng tỏ thêm các tình tiết của vụ án. Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015, vật chứng bao gồm: “Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Trong các loại vật chứng được quy định trên, xét về góc độ giá trị (giá trị kinh tế và giá trị sử dụng) vật chứng có thể được phân làm hai loại: vật chứng có giá trị và vật chứng không có giá trị.
1.Một số vướng mắc, bất cập
Khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định chưa rõ ràng việc tịch thu, tiêu hủy những vật chứng không có giá trị. Cụ thể, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”; theo đó, có thể thấy rằng vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì có thể bị tịch thu, tiêu hủy (không đề cập đến giá trị của vật chứng). Tuy nhiên tại điểm c khoản 2 Điều này lại quy định: “Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”; vậy vật chứng không có giá trị ở đây là vật chứng nào, có bao gồm công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành quy định tại điểm a hay không? Việc quy định chưa rõ ràng này dẫn đến còn có cách hiểu và quan điểm áp dụng khác nhau.
Tác giả xin dẫn chứng một tình huống cụ thể như sau: Trong một vụ án giết người, vật chứng được xác định bao gồm: 01 con dao dài 40cm, 01 chiếc áo khoác, 01 miếng gạc dính chất màu nâu được thu giữ tại hiện trường. Việc xử lý vật chứng trong trường hợp trên còn có các quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Những vật chứng trên được xác định là không có giá trị sử dụng; vì vậy áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS, điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS tuyên tịch thu, tiêu hủy 01 con dao dài 40cm, 01 chiếc áo khoác, 01 miếng gạc dính chất màu nâu được thu giữ tại hiện trường.
Quan điểm thứ hai: Tương tự như quan điểm thứ nhất, tuy nhiên con dao được xác định là công cụ phạm tội, nên phải áp dụng thêm điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS tuyên tịch thu, tiêu hủy mới đầy đủ.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Đối với con dao là công cụ phạm tội và không có giá trị, nên áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS, điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS tuyên tịch thu, tiêu hủy. Riêng chiếc áo khoác và miếng gạc là vật chứng không có giá trị nhưng không phải là công cụ phạm tội, vì vậy chỉ cần áp dụng điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS tuyên tịch thu và tiêu hủy.
Qua tình huống trên, thấy rằng việc quy định chưa rõ ràng tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS không chỉ dẫn đến có quan điểm khác nhau trong việc nhận thức và áp dụng BLTTHS, mà còn dẫn đến việc có quan điểm không đồng nhất trong việc áp dụng Điều 47 BLHS. Bởi vì việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự cũng đồng thời là việc áp dụng biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm).
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ 3, bởi lẽ điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS quy định điều chỉnh đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội (con dao là công cụ) là đồng bộ với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS; riêng chiếc áo khoác và miếng gạc tuy là vật chứng nhưng không phải là công cụ, phương tiện phạm tội nên khi xử lý không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS mà phải áp dụng điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS là có cơ sở. Có nghĩa là vật chứng không có giá trị được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS không bao gồm vật chứng được quy định tại điểm a khoản 2 của Điều luật này.
2. Kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở vướng mắc đã nêu trên, tác giả đề xuất sửa đổi điểm a và điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với các vật chứng không có giá trị cần tịch thu, tiêu hủy như sau:
“Điều 106. Xử lý vật chứng…
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy nếu không có giá trị.
b) Giữ nguyên
c) Những vật chứng khác nếu không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy…”.
Quảng Ninh ytiêu hủy gần 20kg ma túy vật chứng trong vụ án hình sự - Ảnh: Thanh Hoa
Bài liên quan
-
Bảo quản, xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự
-
Vật chứng và việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự
-
Vướng mắc trong xử lý xử lý vật chứng, tài sản không phải là vật chứng trong vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện
-
Quy định của BLTTHS năm 2015 về xử lý vật chứng - Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận