Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật: Những hệ lụy và bài học cảnh giác - Bài 3

Ngay sau khi nắm bắt được tình hình, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vừa tiến hành rà soát, lập danh sách số người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật cũng như phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép.

Bài 3 Nỗ lực phòng ngừa ngăn chặn

Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 654 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia trái phép để tìm kiếm việc làm.

Khởi tố nhiều vụ, nhiều đối tượng

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có công dân sang Campuchia lao động trái pháp luật với tổng số 381 trường hợp. Đặc biệt từ tháng 4/2022 đến nay tình trạng công dân trên địa bàn bị các đối tượng lôi kéo, môi giới đưa người sang Campuchia sau đó lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ diễn biến phức tạp. Tại đây, các đối tượng bị lừa bán trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, bị cưỡng đoạt tài sản, đồng thời bị ép buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm vào người Việt Nam.

Qua công tác nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã phối hợp đưa được 179 trường hợp lao động trái phép người Thanh Hóa tại Campuchia trở về nước (giải cứu 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, trung tâm game onlien; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về nước trong năm 2022). Hiện vẫn còn 202/381 trường hợp đang lao động trái phép tại Campuchia, trong đó bước đầu xác định có 86 trường hợp xuất cảnh trái phép, 21 trường hợp đang bị khống chế, cưỡng bức lao động trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online…

 

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa báo cáo tình hình tại một buổi làm việc.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do nhận thức và tinh thần thượng tôn pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, cùng với đó là tâm lý mong muốn có công việc nhẹ nhàng với thu nhập cao nên dễ bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo. Bên cạnh đó, giới chủ tại các trung tâm game online, các casino nhắm tới lao động người Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN nhằm gia tăng cơ hội lôi kéo thêm nhiều người sang Campuchia để đánh bạc, mang lại lợi nhuận cho các casino…

Để nâng cao nhận thức và cảnh báo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu và phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa người sang Campuchia lao động trái pháp luật; hậu quả của việc công dân sang Campuchia lao động trái pháp luật để Nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác.

Cùng với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động lực lượng, biện pháp nghiệp vụ tập trung đấu tranh, xử lý các đối tượng, đường dây hoạt động lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh đi lao động trái phép tại Campuchia và các nước. Chủ tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an trong tỉnh đã điều tra làm rõ 4 vụ, 8 đối tượng có hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Camphuchia; kết luận vụ án, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 2 vụ, 2 bị can phạm tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Điển hình, ngày 10/02/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1987) ở xã Anh Sơn, thị xã Nghi Sơn về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Đầu năm 2020, thông qua các mối quan hệ quen biết Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho 6 công dân đều ở thị xã Nghi Sơn vượt biên sang Campuchia lao động trái pháp luật.

Ngày 04/3/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối đối với bị can Lê Quang Màu (sinh năm 1989) ở xã Anh Sơn, thị xã Nghi Sơn về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Trước đó vào tháng 3/2021, Lê Quang Màu đã tổ chức cho 3 người khác là Đào Kim Tuấn, Đặng Đình Kiên, ở thị xã Nghi Sơn và Trần Văn Lắm, ở xã Tượng Văn, huyện Nông Cống vượt biên sang Campuchia lao động trái pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 16/6/2022, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Trần Ngọc Chung (sinh năm 2003) ở khu phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Đây là đối tượng đã từng sang Campuchia và làm việc tại casino. Trong thời gian ở đây, Chung đã sử dụng tài khoản facebook nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người quen để lôi kéo họ sang Campuchia. 

Mặc dù biết công việc nặng nhọc, vất vả nhưng Chung vẫn nói dối các nạn nhân là sang làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Sau khi tư vấn, thuyết phục được 4 nạn nhân ở thành phố Sầm Sơn đồng ý sang Campuchia, ngày 01/3/2022, Trần Ngọc Chung đã tổ chức cho những người này vượt sông qua biên giới tỉnh Long An sang Campuchia làm việc tại các song bài. 

 


Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để làm việc.

Trong quá trình làm việc tại đây, những người này đã bị quản lý ép buộc ký cam kết phải thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng trong vòng 1 năm và bị ngược đãi. Riêng Trần Ngọc Chung, sau khi đưa được 4 người trên sang Campuchia thì đã bán cho công ty với giá 650USD/1 người, sau đó trở về nước để mặc các nạn nhân. 

Từ bị hại trở thành đối tượng phạm tội

Qua các vụ án liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” mà lực lượng Công an đã điều tra, khởi tố cho thấy bên cạnh việc môi giới, dụ dỗ, lôi kéo và tổ chức đưa công dân sang Campuchia lao động trái pháp luật thì các đối tượng môi giới còn đề nghị bị hại giới thiệu, rủ rê thêm bạn bè, người thân đi cùng với lập luận “Để tiện chuyến xe công ty đưa đón và hạn chế việc phải chờ đợi đủ người sẽ mất thời gian”. Khi sang làm việc tại các casino, sòng bạc, các trung tâm điều hành đánh bạc trực tuyến, ngoài bị ép buộc, đối xử thậm tệ, giới chủ ở đây còn ép buộc nhân viên thông qua mạng xã hội để tuyển người (chủ yếu là người thân quen) sang làm việc cho chúng. Nếu người dân không tỉnh táo sẽ vô tình tiếp tay cho hành vi mua – bán người, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái pháp luật.

Thượng tá Đỗ Ngọc Dương, Trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đa số các đối tượng xuất cảnh trái pháp luật sang làm việc tại Campuchia, đặc biệt tại các sòng bạc, các casino, trung tâm điều hành trò chơi trực tuyến đều bị giới chủ ép buộc tuyển thêm người với những lời mời chào hấp dẫn. Việc làm này là vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Cụ thể: Đối với những người xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật", mức phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng; trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ Luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 03 năm tù giam; những người môi giới, rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người khác sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam.

 

Công an xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tổ chức cho công dân ký cam kết không vượt biên trái phép sang nước ngoài tìm kiếm việc làm.

Chính vì thế, nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không nghe, tin theo thủ đoạn môi giới đưa đi lao động tại Campuchia với mức lương cao, công việc nhẹ của các đối tượng; khi phát hiện các trường hợp bị lôi kéo, môi giới đi lao động trái phép tại nước ngoài nói chung, sang Campuchia nói riêng, hoặc các đối tượng, đường dây có hoạt động môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép thì cung cấp thông tin theo đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, đấu tranh, xử lý.

Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án, bị can đối với Trần Văn Chung phạm tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Mời độc giả đón đọc Bài 4: Hãy "Nghĩ trước bước sau”  

Theo bocongan.gov.vn

 


 

 

ĐÌNH HỢP - TẤT ĐẠT