Xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt và tư cách tố tụng của anh Nguyễn Hữu N?
Tô Vũ H có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cốp pha thép của Công ty Cổ phần ĐD để bán lại cho anh Nguyễn Hữu N. Giá trị tài sản chiếm đoạt được là 248.582.000 đồng, tuy nhiên H đã chuyển 200.000.000 đồng cho công ty ĐD. Vậy H đã chiếm đoạt tài sản trị giá bao nhiêu và tư cách tham gia tố tụng của Nguyễn Hữu N trong vụ án là gì?
Đầu tháng 5/2023, do cần tiền trả nợ, Tô Vũ H nảy sinh ý định chiếm đoạt cốp pha thép của Công ty cổ phần ĐD. Ngày 8/5/2023, H ký hợp đồng đối với Công ty ĐD để thuê 10.000m2 cốp pha thép dùng vào việc xây dựng công trình với giá 23.000 đồng/1m2/tháng với thời hạn 18 tháng. Tổng giá trị tạm tính của hợp đồng là 4.140.000.000đ và H phải đặt cọc 500.000.000đ trước khi nhận hàng. Thực tế tại thời điểm này, H không thi công hay ký kết thi công bất cứ công trình xây dựng nào.
Sau khi ký được hợp đồng, H đến gặp anh Nguyễn Hữu N và đề nghị bán cốp pha dưới hình thức thanh lý sắt vụn với giá 7.500đ/kg, anh N đồng ý mua và chuyển cho H 400.000.000đ. Sau đó, anh N thỏa thuận bán lại cho anh T với giá 7.700đ/kg. Với số tiền 400.000.000đ anh N đưa, H sử dụng 200.000.000đ để chuyển cho công ty ĐD nhận trước 01 xe cốp pha thép. Đến chiều 10/5/2023, công ty ĐD bàn giao cho H 01 chuyến xe ô tô cốp pha giáo thép bao gồm 2.302 tấm cốp pha thép các loại. Anh N và anh T cũng có mặt để nhận hàng.
Do nghi ngờ, công ty ĐD cử người theo dõi và phát hiện xe ô tô chở cốp pha không đi theo hướng vào công trình xây dựng như hợp đồng nên đã chặn xe ô tô lại và yêu cầu lái xe đưa toàn bộ số hàng về trụ sở Công an phường giao nộp, đồng thời làm đơn trình báo.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận số cốp pha mà H chiếm đoạt của công ty ĐD có tổng khối lượng 28.248kg, trị giá 248.582.400 đồng.
Hiện có 3 quan điểm về xác định giá trị tài sản bị cáo H chiếm đoạt và tư cách tham gia tố tụng của anh N như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bị cáo Tô Vũ H chiếm đoạt của công ty ĐD 28.248kg thép, trị giá 248.582.400đ nên phải bị truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tư cách tố tụng thì Công ty ĐD là bị hại, anh H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo Điều 65 BLTTHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Bị cáo Tô Vũ H phải truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS. Công ty ĐD và anh N đều là bị hại, bởi các lẽ sau: Sau khi ký hợp đồng với công ty ĐD, H đến gặp anh Nguyễn Hữu N đề nghị bán cốp pha dưới hình thức thanh lý sắt vụn và được anh N đồng ý mua. Trên thực tế, số cốp pha mà H bán cho anh N không phải là tài sản của H nên hành vi bán cốp pha của H đối với anh N cũng được xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền 200.000.000đ H dùng để chuyển cho công ty ĐD nhận trước 01 xe cốp pha thép là tài sản mà H đã chiếm đoạt được của anh N. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, số cốp pha mà H chiếm đoạt của công ty ĐD có tổng khối lượng 28.248kg, trị giá 248.582.400đ nhưng H đã dùng 200.000.000đ đã chiếm đoạt được của anh N để chuyển trước cho công ty ĐD nên tổng giá trị tài sản mà H đã chiếm đoạt là 248.582.400đ, bao gồm thép của công ty ĐD và tiền của anh N. Do đó, H bị xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS. Về tư cách tham gia tố tụng của anh N và Công ty ĐD đều là bị hại theo Điều 62 BLTTHS.
Quan điểm thứ ba, cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Bị cáo Tô Văn H chỉ chiếm đoạt tài sản trị giá 48.582.400đ của công ty ĐD. Đây chính là trị giá số thép trừ đi tiền cọc 200 triệu đồng. Do vậy bị cáo Tô Vũ H chỉ bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 174 BLHS. Công ty ĐD là bị hại còn anh N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bởi các lý do sau:
Mặc dù kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã kết luận số cốp pha mà H chiếm đoạt của công ty ĐD có tổng khối lượng 28.248kg, trị giá 248.582.400đ nhưng theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa Tô Vũ H và công ty ĐD, H phải đặt cọc cho công ty ĐD trước khi nhận hàng và trên thực tế, H cũng đã chuyển 200.000.000đ cho công ty ĐD để nhận 01 xe cốp pha thép trị giá 248.582.400đ. Như vậy, giá trị tài sản thực tế mà H đã chiếm đoạt của công ty ĐD chỉ là 48.582.400đ nên Tô Vũ H chỉ bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 174 BLHS.
Còn về tư cách tham gia tố tụng của anh N trong vụ án, do tại thời điểm công ty ĐD giao hàng cho H, anh N cũng có mặt để nhận hàng nên không đủ cơ sở để kết luận H có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh N. Do đó, anh N chỉ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo Điều 65 BLTTHS.
Xin được trao đổi với các đồng nghiệp và bạn đọc. Mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Văn Lai
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận