“Một khí thế mới trong sắc xuân của Tạp chí Tòa án nhân dân”
Những ngày này, làng báo rộn ràng lời chúc tụng, hoa trưng từ cả tuần trước. Tạp chí Tòa án nhân dân vốn là một cơ quan lặng lẽ cũng đã nhận được nhiều lẵng hoa chúc mừng… Nhìn những lẵng hoa đẹp, tôi bỗng nghĩ về các vị tiền bối, họ đã cần mẫn xây dựng nên lịch sử 70 năm của Tạp chí này, tác phẩm, tâm huyết của họ còn gần như nguyên vẹn trong tủ sách cơ quan…
1.
Rút một tập ngẫu nhiên, tôi được tập đóng gộp năm 1964, thật là tình cờ thú vị vì đây là năm Tập san Tư pháp, tiền thân của Tạp chí Tòa án nhân dân tròn 10 tuổi. Bài mở đầu số 1 năm 1964 có tựa đề “Tháng Giêng năm 1954- Tháng Giêng năm 1964 – Tập san Tư pháp đầy 10 tuổi với mở đầu: “Cách đây 10 năm, ngày 15 tháng Giêng năm 1954, giữa lúc cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam đang bước sang giai đoạn gay go và quyết liệt nhất, số đầu Tập san Tư pháp đã xuất bản ở chiến khu Việt Bắc, trong những điều kiện khó khăn, gian khổ”. Theo bài báo, năm 1954, Tập san ra hai số phản ánh về cuộc kháng chiến và cải cách ruộng đất.
Sau khi hòa bình lập lại Tập san tập trung phản ánh các hoạt động của Tòa án, hai tháng ra một kỳ. Tập san giải thích và hướng dẫn cho các Tòa án xét xử “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đúng chính sách”; đăng những văn bản có liên quan đến đường lối giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự…
Hiến pháp năm 1959 ra đời, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiếm sát nhân dân được công bố (1960), Tập san trở thành cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn nghiệp vụ cho các Tòa án nhân dân địa phương. Và đây là tôn chỉ, mục đích làm nên bản sắc của Tạp chí. Bên cạnh một số bài viết về những kinh nghiệm công tác hòa giải, xét xử, đào tạo, huấn luyện cán bộ, tuyên truyền pháp luật, Tập san Tư pháp thường xuyên nêu lên những bản án hình sự và dân sự điển hình để phê phán, tranh luận, trao đổi ý kiến về cách áp dụng pháp luật và các nguyên tắc pháp lý về nội dung và thủ tục tố tụng, hoặc về cách áp dụng đường lối chính sách trong trường hợp gặp những tội phạm mới mà pháp luật chưa quy định. Ban Biên tập theo dõi sát từng cuộc thảo luận và chuẩn bị sơ kết sau khi thấy cuộc thảo luận đã đạt yêu cầu.
Đơn cử một vụ án được Tập san bình luận: Ngày 26/8/1962, gia đình anh D (dân tộc Ao Tá – cách gọi khác của dân tộc Mường) ở Đà Bắc, gồm 5 người đi thuyền độc mộc vượt sông Đà sang bên kia để chặt nứa. Khi thuyền đi được chục thước thì có chị Th là hàng xóm lên tiếng gọi đi nhờ. D quay thuyền vào đón thêm chị Th.
Sông Đà nước cuồn cuộn, đi được 2/3 khúc sông thì em trai D nói, nếu lên bến trên một chút mới ghé vào thì dễ hơn, nhưng do nước chảy xiết, D không thể lái ngược lên được nữa. Thuyền vào gần đến bờ thì bất ngờ bị gặp nước xoáy, thuyền bị lật, chị Th mất tích, năm người còn lại may mắn sống sót…
D bị truy tố về tội “thiếu thận trọng gây ra tai nạn chết người”, do chở thêm chị Th là quá tải. Tại phiên tòa, Tòa án huyện kết luận D “Cố ý gây tai nạn làm chết người”, xử phạt 6 tháng tù án treo, thời hạn thử thách 1 năm. Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị.
Ngày nay đọc lại thì thấy Tòa án cho bị cáo hưởng án 6 tháng án treo là rất có lợi cho bị cáo, rất nhân văn nhưng Tập san có bài của tác giả Quách Thanh Quang phê rằng:
- D có cố ý gây tai nạn đắm thuyền không? Tác giả phân tích rồi kết luận là do không may gặp phải dòng nước xoáy, nên thuyền bị lật, không phải do D cố ý gây ra.
- Có phải vì chở quá tải không? Tác giả dẫn chứng, ngay hôm trước D cũng chở 6 người qua sông bình yên, nên không phải tai nạn do quá tải. Nhà nước cũng không có quy định về điều kiện chuyên chở cho loại thuyền này.
- D có thái độ khinh suất như Tòa án nhận định không? Tác giả cho rằng Tòa nhận xét D khinh suất do quá tự tin nhưng không có dẫn chứng cụ thể để làm cơ sở đánh giá.
Tác giả kết luận: "Tóm lại, viêc đắm thuyền xảy ra, theo ý của tôi, không phải vì D đã cố ý hoặc khinh suất gây ra, và cũng không phải vì D "chở quá trọng tải". Tai nạn đắm thuyền là do thiên nhiên gây ta, ngoài ý muốn của D."
Bài viết không kết luận là án xử oan sai nhưng phê bình khá sâu sắc, thẳng thắn, mang tính hướng dẫn nghiệp vụ xét xử cao, chắc chắn có tác dụng tích cực đối với các Tòa án khi gặp vụ án tương tự.
Ngoài những bài trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, bạn đọc viết, trả lời bạn đọc, Tập san còn có mục nhỏ “Mẩu chuyện tư pháp”. Số 11 năm 1964, có mẩu chuyện “Chủ thể đau bụng”: Trong bản án của một Tòa án xử bị can T về tội “không đi dân công và chửi chủ tịch xã”, phần nhận xét có đoạn phân tích về “chủ thể” như sau: “Còn về chủ thể, T tuy bị đi ngoài vừa khỏi bệnh, bệnh ấy không phải không nhận thức được hành vi phạm tội. Như thế y đủ điều kiện năng lực trách nhiệm về hậu quả gây ra”. Thật là: Sao tòa nhận xét miên man/ Chủ thể đau bụng thì can cớ gì?!.
Qua câu chuyện vui, phê phán nhẹ nhàng, độc giả ngày nay phần nào thấy được trình độ còn hạn chế của các Thẩm phán trưởng thành trong kháng chiến lúc bấy giờ.
2.
Rút ngẫu nhiên một tập mới, tôi gặp Tạp chí Tòa án nhân dân năm 1990, lại là một dấu mốc đặc biệt. Bìa 2 in hình Huân chương Lao động và dòng chữ “TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN” – Cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao. Năm thứ 37. Tổng biên tập Trịnh Hồng Dương. Trụ sở Ban biên tập 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Dây nói: 63314”.
Các số Tạp chí như cuốn phim lịch sử đất nước dưới góc nhìn tư pháp
Trang đầu của số 1/1990 có in thiếp chúc tết Xuân Canh Ngọ của Chánh án Phạm Hưng và có bài: Tạp chí Tòa án nhân dân xin gửi tới bạn đọc lời chúc mừng năm mới. Bài báo viết: “36 năm kể từ ngày thành lập đến nay Tập san Tòa án nhân dân đã cùng cả nước trải qua một chặng đường dài trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; sự nghiệp cải tạo, xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, những năm qua Tập san Tòa án nhân dân đã đem đến cho bạn đọc không chỉ những kiến thức pháp lý cơ bản, những tư tưởng chỉ đạo về nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao với công tác xét xử, mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm của các cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật, nhằm góp phần làm sáng tỏ các quy định của pháp luật, là nơi nhiều bạn đọc tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng để nâng cao nhận thức và bảo vệ lợi ích của mình. Với nội dung thiết thực đó Tập san Tòa án nhân dân đã được đông đảo độc giả yêu thích tìm đọc.
Hiện nay, do yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, nhất là việc nghiên cứu giải quyết những vấn đề phức tạp do thực tiễn xét xử đặt ra; do yêu cầu của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhân dân, bảo đảm cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, Tập san Tòa án nhân dân được Bộ Thông tin đồng ý cho đổi tên thành “Tạp chí Tòa án nhân dân”, bắt đầu từ số 1 /1990. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới, một khí thế mới trong sắc xuân của Tạp chí Tòa án nhân dân.
Tạp chí Tòa án nhân dân số ra đầu tiên có thể chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầucủa bạn đọc, song tin rằng cùng với sự tham gia nhiệt tình của các cộng tác viên trong cả nước và ý kiến đóng góp xây dựng chân tình của công chúng, bạn đọc, nhất định Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ cải tiến và thể hiện rõ bản sắc riêng của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới hiện nay”.
Quả thật, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TS Trịnh Hồng Dương, một chuyên gia sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn xét xử, Tạp chí Tòa án nhân dân đã bước sang một giai đoạn mới vượt bậc về nội dung, thật sự là cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao; quy tụ được rất nhiều cộng tác viên giỏi trong và ngoài ngành Tòa án; trở thành tài liệu quan trọng và thân thiết của các Thẩm phán, cán bộ Tòa án và các cơ quan tư pháp khác, cũng như giới nghiên cứu và sinh viên các trường đào tạo Luật học.
3.
Lật những trang Tạp chí nhuốm màu thời gian, như xem lại cuốn phim lịch sử đất nước dưới góc nhìn tư pháp; gặp lại rất nhiều tác giả là những chuyên gia pháp lý, có người đã đi xa, có người đã nghỉ hưu, có người còn tiếp tục cộng tác với Tạp chí… chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, những người đang công tác tại Tạp chí Tòa án nhân dân hiện nay được kế thừa một di sản sắp tròn 70 năm thật to lớn, chứa đựng biết bao tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ đi trước.
Ngày nay hệ thống pháp luật đầy đủ, phong phú hơn xưa, phương tiện và công nghệ cũng thay đổi vượt bậc, Tạp chí Tòa án nhân dân có thêm Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, thật sự thuận lợi hơn các thế hệ đi trước rất nhiều. Tuy nhiên, sự phát triển luôn kèm theo thách thức, thuận lợi, cơ hội càng lớn, thách thức càng cao.
Phát huy những giá trị của truyền thống 70 năm, phát huy bản sắc được xác định là “chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao” là một thách thức lớn, một mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực vượt trội bằng tất cả trách nhiệm và danh dự mới có thế chạm tới những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp và tạo dựng…
Phấn đấu để giữ được “khí thế mới trong sắc xuân của Tạp chí Tòa án nhân dân” là mục tiêu lớn đối với những người làm Tạp chí hôm nay và các thế hệ tiếp theo.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Trung Thành
13:26 22/12.2024Trả lời