Áp dụng áp lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự
Hiện nay việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự chưa có sự thống nhất, rất cần được hướng dẫn, chỉnh sửa các quy định của pháp luật dân sự hiện hành theo hướng nêu rõ án lệ sẽ được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự.
1.Việc viện dẫn, áp dụng án lệ
Ngày 11/7/2017, TANDTC đã ban hành Công văn số 146/TANDTC-PC về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử (Công văn 146). Nội dung công văn nêu rõ: "Việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng án lệ khi xét xử, giải quyết những vụ việc cụ thể phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Khi xét xử, giải quyết những vụ việc đã có án lệ thì Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu án lệ đó để quyết định việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng. Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần "Nhận định của Tòa án"; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự.
Ví dụ: Theo Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01-7-1991 được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23-9-2013 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án TANDTC thì: "Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận". Hội đồng xét xử xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định tại … (nêu rõ các điều luật có liên quan) và theo Án lệ số 07/2016/AL, có đủ cơ sở để công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông A và ông B".
Qua tìm hiểu các bản án được đăng trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC của các Tòa án thì thấy rằng số lượng bản án có viện dẫn, áp dụng án lệ là rất ít. Có phải vì các tranh chấp mà Tòa án giải quyết không có tính chất, tình tiết tương tự như các vấn đề pháp lý trong các án lệ đã được công bố. Quan điểm của tác giả cho rằng chưa hẳn là như vậy. Thực tế trong các vụ án mà các Tòa án đang giải quyết hoặc đã giải quyết có nhiều vụ án có tính chất, tình tiết tương tự như nội dung các án lệ. Tuy nhiên, các Tòa thường không phân tích, viện dẫn vấn đề pháp lý của án lệ trong phần "Nhận định của Tòa án" mà các Tòa thường chỉ vận dụng tinh thần nội dung của án lệ để giải quyết vụ án.
Đơn cử như việc xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm trong vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Đa số các bản án của Tòa án chỉ vận dụng tinh thần của án lệ số 08/2016/AL để giải quyết. Theo đó, các bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng thường tuyên như sau: "Kể từ ngày tiếp theo ngày …., ông, bà … phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay" nhưng lại không phân tích viện dẫn vấn đề pháp lý của án lệ số 08/2016/AL trong phần "Nhận định của Tòa án" như hướng dẫn của TANDTC.
Thiết nghĩ để án lệ đã được TANDTC công bố được áp dụng rộng rãi và thực chất trong thực tiễn xét xử tại Tòa án, các Thẩm phán cần mạnh dạn áp dụng án lệ nếu vụ án có tính chất, tình tiết tương tự như vấn đề pháp lý của án lệ. Nếu bản án có áp dụng án lệ thì việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong bản án cần thực hiện đúng như hướng dẫn tại Công văn số 146/TANDTC-PC.
2. Cách viện dẫn án lệ khác nhau
Một thực tế nữa là cũng có trường hợp Hội đồng xét xử sử dụng án lệ và có viện dẫn án lệ. Tuy nhiên, về cách thức viện dẫn án lệ của mỗi Tòa án cũng có sự khác biệt.
Một là, có trường hợp Hội đồng xét xử viện dẫn án lệ theo hướng chỉ viện dẫn số án lệ mà không viện dẫn nội dung án lệ. Ví dụ, trong một Bản án năm 2017, chúng ta thấy nêu "theo án lệ số 04/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016 và công bố theo quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì công nhận hợp đồng mua bán nhà, đất nói trên có hiệu lực pháp luật"[1]. Ở đây, án lệ đã được viện dẫn nhưng đương sự không biết nội dung án lệ đó như thế nào vì Tòa không cho biết nội dung án lệ được áp dụng.
Hai là, có trường hợp có Hội đồng xét xử viện dẫn án lệ đồng thời viện dẫn phần Khái quát án lệ. Chẳng hạn, trong một Bản án năm 2018, chúng ta thấy nêu "Theo Án lệ số 03/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Khái quát nội dung của án lệ: Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất"[2]. Ở đây, ngoài việc nêu thông tin của án lệ, Tòa án đã viện dẫn cả phần Khái quát án lệ khi áp dụng án lệ.
Ba là, có hội đồng xét xử viện dẫn án lệ và nội dung án lệ để giải quyết vụ tranh chấp. Chẳng hạn, trong một Phán quyết trọng tài được ban hành tại VIAC năm 2018 liên quan đến yêu cầu tiền lãi trên tiền bồi thường, chúng ta thấy nêu "theo Án lệ số 09/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao, "tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định". Do đó, Hội đồng trọng tài xét thấy yêu cầu nêu trên của Nguyên đơn là không có cơ sở để được chấp nhận". Ở đây, ngoài việc nêu thông tin của án lệ, Trọng tài đã viện dẫn cả phần Nội dung án lệ khi áp dụng án lệ.
Bốn là, công bố án lệ theo mẫu như hiện nay gồm có phần "Khái quát nội dung của án lệ" và phần "Nội dung án lệ" dẫn đến lúng túng trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ. Theo Điều 1 của Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP có quy định rõ: "Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử". Như vậy, yếu tố bắt buộc của án lệ nằm ở phần lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định tức là phần "Nội dung án lệ".
Tuy nhiên, theo Công văn số 146/TANDTC-PC của TANDTC ngày 11/7/2017 hướng dẫn xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở phần "Khái quát nội dung của án lệ": "Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần "Nhận định của Tòa án"; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự".
Thực tiễn áp dụng án lệ cho thấy, một số Tòa án còn trích toàn bộ nội dung của phần "Khái quát nội dung của án lệ" trong phần lập luận của mình. Chẳng hạn, Bản án số 61/2017/ KDTM-ST ngày 3/8/2017 của TAND quận Gò Vấp, TP HCM trích toàn bộ nội dung của phần "Khái quát nội dung của án lệ" của Án lệ số 08/2016/AL (hay những ví dụ đã được tác giả nêu ở phần trên).
Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS. TS. Đỗ Văn Đại thì xác định tình tiết tương tự của án lệ có giá trị bắt buộc tuân theo nằm ở phần "Nội dung của án lệ" bởi phần "Khái quát nội dung của án lệ" không là "lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án" mà chỉ là nội dung do bộ phận giúp việc của TANDTC xây dựng nên không thể là án lệ. Do đó, nội dung của phần "Khái quát nội dung của án lệ" chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị bắt buộc.
Cũng theo Công văn số 146/TANDTC-PC thì: "Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm thấy rằng án lệ và vụ việc mà Tòa án đang giải quyết không có tính chất tương tự hoặc do pháp luật đã thay đổi, do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng một trong các bên đương sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ ... đề nghị áp dụng án lệ thì việc không áp dụng án lệ cũng phải được nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án". Vấn đề đặt ra, các Thẩm phán, Hội thẩm giải thích lý do cho việc không áp dụng án lệ như thế nào? Và nếu lý do không sử dụng án lệ không được Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận hoặc lý do đó không thuyết phục thì hướng xử lý ra sao lại chưa được quy định rõ.
Các Thẩm phán chưa được trang bị kỹ càng kỹ năng xác định tình tiết cơ bản có tính chất tương tự trong hoạt động áp dụng án lệ. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một tình tiết nhưng các tòa án áp dụng án lệ có quan điểm khác nhau. Tòa án này cho rằng đó là tình tiết cơ bản nhưng Tòa án khác lại không cho là tình tiết cơ bản. Chẳng hạn, trong một vụ án "Tranh chấp đòi lại tài sản" do TAND Tp. Cần Thơ giải quyết.
Nội dung vụ việc này có tình tiết cơ bản tương tự với án lệ số 02/2016/AL là Người Việt kiều nhờ Người Việt Nam đứng tên mua tài sản. Tuy nhiên, tại Bản án số 20/2017/DS – PT ngày 24/02/2017, Tòa này đã không áp dụng án lệ số 02. Lý do không áp dụng án lệ cũng được thể hiện rõ trong phần lập luận của bản án này là có sự khác biệt về tình tiết, trong án lệ số 02 có tình tiết là Người Việt kiều "trực tiếp" giao dịch với người bán tài sản (đất) còn vụ việc Tòa này giải quyết có tình tiết Người Việt kiều "không trực tiếp" giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch. Ngược lại, trong Bản án số 208/2017/ DS - PT của TAND cấp cao tại TP. HCM ngày 29 / 8/ 2017, mặc dù cũng có tình tiết Người Việt kiều "không trực tiếp" giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch nhưng Tòa này vẫn áp dụng Án lệ số 02/2016/AL yêu cầu người đứng tên dùm phải trả nhà lại cho Người Việt kiều.
Từ thực tế đó, đòi hỏi cần phải đào tạo kỹ năng nhận diện các tình tiết cơ bản của vụ việc cho các Thẩm phán, Hội thẩm trực tiếp áp dụng án lệ. Bởi nội dung vụ việc được lựa chọn để công bố làm án lệ có nhiều tình tiết, nếu Tòa án không xác định được tình tiết cơ bản thì sẽ không thể áp dụng án lệ một cách có hiệu quả. Nếu Tòa án dựa vào tình tiết không cơ bản mà phân biệt thì án lệ không được áp dụng dẫn đến tình trạng bất công bởi vụ việc giống nhau nhưng giải quyết khác nhau. Ngược lại, nếu Tòa án bỏ sót tình tiết cơ bản có thể dẫn đến việc áp dụng án lệ cứng nhắc và bất hợp lý. Vì vậy việc xác định các vụ việc tương tự để áp dụng án lệ là rất quan trọng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì: "Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án". Như vậy, để áp dụng án lệ, thì có hai vấn đề phải xác định rõ là: (1) các tình tiết khách quan của vụ án tương tự nhau được hiểu như thế nào và (2) vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ án mà Tòa án đã thụ lý có giống với tình tiết khách quan và vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ hay không. Do đó, trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Một là, có sự tương đồng hoặc tương tự về các tình tiết khách quan cơ bản của vụ án đang giải quyết với các tình tiết khách quan cơ bản của vụ án trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ. Trên thực tế, không có vụ án nào mà các tình tiết khách quan của vụ án này lại giống hoàn toàn với vụ án khác. Do đó, sẽ là phi thực tế nếu cho rằng án lệ chỉ được áp dụng khi và chỉ khi các tình tiết khách quan của vụ án đang giải quyết phải giống hoàn toàn các tình tiết khách quan của vụ án trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ. Ở các nước mà Tòa án áp dụng án lệ để xét xử, án lệ chỉ được áp dụng khi "các tình tiết khách quan cơ bản" của vụ án đang được giải quyết được xác định là tương tự với "các tình tiết khách quan cơ bản" của vụ án trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ. Hay nói cách khác, giữa 02 vụ án này có sự tương đồng về tình tiết khách quan cơ bản. Các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc, vụ án là các tình tiết chính của vụ việc đó, phản ánh về nội dung mối quan hệ dân sự đang phát sinh tranh chấp hoặc có yêu cầu giải quyết. Nói cách khác đây là những tình tiết quan trọng làm cơ sở cho yêu cầu của đương sự.
Hai là, vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ án mà Tòa án đã thụ lý cũng tương đồng hoặc tương tự như vấn đề pháp lý đã được giải quyết bằng án lệ.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng án lệ ở Việt Nam
Để phát huy được đầy đủ ý nghĩa vốn có của án lệ, đồng xuất phát từ việc Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc hệ thống pháp luật thành văn, chúng tôi cho rằng cần phải chỉnh sửa các quy định của pháp luật dân sự hiện hành theo hướng nêu rõ án lệ sẽ được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự trong hai trường hợp:
Một là, án lệ sẽ được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng hiện trạng của quy định pháp luật đó lại không rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; Hoặc trong trường hợp vụ việc được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật nhưng giữa các quy phạm pháp luật đó lại có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Trong những trường hợp này, án lệ sẽ đống vai trò bổ trợ cho hệ thống pháp luật thành văn, khi đó án lệ sẽ trở thành một nguồn pháp luật bổ sung nhằm giúp cho việc áp dụng pháp luật của các tòa án được thống nhất. Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng cần phải sửa đổi các quy định pháp luật trong Hiến pháp và các luật có liên quan theo hướng ghi nhận quyền giải thích pháp luật của tòa án.
Hai là, án lệ sẽ được áp dụng trong quá trình xét xử của Tòa án đối với những vụ việc chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Khi đó, tòa án sẽ áp dụng tập quán pháp, áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng lẽ công bằng để giải quyết. Nếu đáp ứng các yêu cầu thì bản án, quyết định của Tòa án sẽ được chọn làm án lệ và sẽ được áp dụng cho những vụ việc có tình tiết tương tự xảy ra sau này. Trong trường hợp này án lệ trở thành một nguồn pháp luật chính thức và là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án. Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng cần phải sửa đổi Điều 6 BLDS năm 2015 theo hướng tòa án có thể xem xét áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự mà không cần phải tuân theo tuần tự như quy định tại Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 như hiện nay.
[1] Bản án số: 12/2017/DS-PT ngày 21-12-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
[2] Bản án số: 34/2018/HN&GĐ-ST ngày 07-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự - Ảnh: Thu Huyền
Bài liên quan
-
Tập đoàn Masan: Xây dựng nền tảng tiêu dùng – bán lẻ đặt người tiêu dùng làm trọng tâm
-
Hành trình hoàn thiện nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan trong năm 2024
-
Bình luận Án lệ số 71/2024/AL về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
-
Chánh án Lê Minh Trí dự Lễ Khai giảng và kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Học viện Tòa án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận