Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ khi người chấp hành án đang bị truy nã
Bị cáo C bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tòa án đã ban hành Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng sau đó bị cáo đi khỏi nơi cư trú. Công an địa phương ra quyết định truy nã với bị cáo C. Tòa án xử vắng mặt bị cáo và tuyên hình phạt 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ. Hình phạt này khiến có những quan điểm bình luận khác nhau.
Tình huống thực tiễn
Ngày 16/11/2021, TAND huyện C, thụ lý vụ án số 144/2021/TLST-HS đối với bị cáo Đào Duy C, sinh năm 1986, nơi cư trú: thôn T, xã D, huyện N, thành phố H, bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 1 Điều 201 BLHS. Tòa án đã ban hành Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú số 268/2021/HSST-CĐKNCT ngày 01/12/2021 (bị cáo C có viết Giấy cam đoan ngày 01/12/2021).
Tại Biên bản xác minh ngày 29/6/2022 của Công an xã D, huyện N, thành phố H xác định: Đào Duy C hiện không có mặt tại địa phương, vắng mặt từ thời điểm nào, đi đâu làm gì địa phương không nắm rõ.
Ngày 19/7/2022, TAND huyện C có văn bản số 161/CV-TA gửi Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện C ra quyết định truy nã với bị cáo và tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngày 28/7/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện C có Quyết định truy nã số 134/QĐTN-ĐCSHS đối với Đào Văn C.
Ngày 05/9/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện C có văn bản số 1974/ĐCSHS xác định: Chưa bắt được Đào Duy C.
Ngày 21/9/2022, TAND huyện C xét xử và tuyên án đối với bị cáo Đào Văn C. Tại phiên tòa, bị cáo C vắng mặt và vẫn đang bị truy nã.
Bản án hình sự sơ thẩm số 85/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 của TAND huyện C xét xử bị cáo Đào Duy C về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 1 Điều 201 BLHS với hình phạt 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung số tiền 50.000.000đ.
TAND huyện C đã ra quyết định ủy thác thi hành án cho TAND huyện N, thành phố H nhưng không được chấp nhận bởi hiện Đào Duy C không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ.
Ngày 07/12/2022, TAND huyện C ra Quyết định thi hành án số 195/2022/QĐ-CA đối với người chấp hành án Đào Duy C và giao hồ sơ thi hành án hình sự cho Cơ quan thi hành án hình sự - Công an huyện N, thành phố H.
Đến nay, việc truy nã Đào Duy C vẫn chưa có kết quả và việc thi hành án hình phạt cải tạo không giam giữ đối với Đào Duy C chưa thể thi hành.
Các quan điểm khác nhau
Hiện có quan điểm trái chiều về việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với Đào Duy C trong vụ án này.
Quan điểm thứ nhất: Tòa án huyện C xét xử, xử phạt Đào Duy C 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ là có căn cứ, đúng pháp luật. Hiện nay, người bị kết án Đào Duy C đã bỏ trốn khỏi địa phương và đang bị truy nã theo Quyết định truy nã số 134/QĐTN-ĐCSHS ngày 28/7/2022. Do đó, thời hiệu thi hành án đối với Đào Duy C thực hiện theo khoản 2, khoản 5 Điều 60 của BLHS. Việc thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án bỏ trốn hay thay đổi nơi cư trú được thực hiện theo Luật Thi hành án hình sự và văn bản hướng dẫn.
Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả: Việc Tòa án huyện C xét xử Đào Duy C hình phạt cải tạo không giam giữ là không có căn cứ và làm cho Bản án không thể thi hành được. Bởi các lý do:
Thứ nhất: Tại khoản 1 Điều 36 BLHS xác định: “Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”. Trong trường hợp này, bị cáo Đào Duy Cường đang bỏ trốn, bị truy nã nên không thỏa mãn điều kiện về nơi làm việc ổn định hoặc nơi cư trú rõ ràng để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Thứ hai: Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền ban hành quyết định thi hành án hình sự. Khi hình phạt áp dụng với bị cáo là cải tạo không giam giữ thì căn cứ khoản 1 Điều 364 BLTTHS, mục 2 Công văn 156/TANDTC-PC ngày 13/9/2021 của TANDTC, do Đào Duy C có nơi cư trú tại thôn T, xã D, huyện N, thành phố H nên TAND huyện C phải ủy thác thi hành án hình sự cho TAND huyện N, thành phố H để ra quyết định thi hành án. Trong khi đó, theo tinh thần điểm b tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Tòa án” của BLTTHS thì trong trường hợp Đào Duy C đã có quyết định truy nã thì TAND huyện C ra quyết định thi hành án hình sự và gửi hồ sơ thi hành án hình sự cho Cơ quan thi hành án hình sự - Công an huyện C để thi hành. Nếu Tòa án huyện C ra quyết định thi hành án thì sẽ trái với phần tuyên xử đối với bị cáo tại Bản án “giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã D, huyện N, thành phố Hải Phòng”.
Thứ ba: Hiện nay, Đào Duy C đang bị truy nã. Trong trường hợp C đầu thú hoặc bị bắt truy nã, theo quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự về truy nã thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. Vấn đề đặt ra, trong trường hợp này, thời gian tạm giữ, tạm giam Đào Duy C có được trừ vào thời gian thi hành án hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 1[1] Điều 36 BLHS không? Bởi Điều luật quy định đối với “người đã bị tạm giữ, tạm giam”, tức là người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay bao gồm cả trường hợp bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình chấp hành án. Theo tác giả thì cần hiểu việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam này chỉ áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và được trừ trong phần quyết định của Bản án. Bởi nếu được trừ trong quá trình chấp hành án thì thẩm quyền trừ sẽ thuộc về Hội đồng xét xử hay Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hay Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Điều này chưa được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Thứ tư: Việc tuyên phạt bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ còn làm cho khó khăn cho việc tính thời điểm bắt đầu thời hạn cải tạo không giam giữ. Bản án đã tuyên: “Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày bắt được bị cáo để thi hành án” là không đúng với quy định pháp luật.
Bởi lẽ, khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì “Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án.” Tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2023/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 quy định “Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận được quyết định thi hành án”.
Theo quy định pháp luật nêu trên, ngày 07/12/2022, TAND huyện C đã ra Quyết định thi hành án số 195/2022/QĐ-CA đối với người chấp hành án Đào Duy C và giao hồ sơ thi hành án hình sự cho Cơ quan thi hành án hình sự - Công an huyện N, thành phố H thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn cải tạo không giam giữ đối với C đã bắt đầu. Từ đó sẽ đặt ra vấn đề về hậu quả pháp lý của việc truy nã của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện C và việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt của Cơ quan thi hành án hình sự - Công an huyện N, thành phố H theo quy định tại mục 3 Chương V Luật Thi hành án hình sự.
Từ các phân tích trên, tác giả cho rằng, trong vụ án này cần áp dụng hình phạt phạt tiền là hình phạt chính đối với Đào Duy C.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ các bạn đọc.
Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” - Ảnh: TATK
[1] Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ”
Bài liên quan
-
Thời hạn đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới
-
Thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính đến thời điểm Tòa án xét xử về tội phạm mới
-
Xác định thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ khi phạm tội mới và tổng hợp hình phạt
-
Thời điểm chấm dứt chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ khi người chấp hành án phạm tội mới
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận