Ba đối tượng phạm một hay hai tội?

Ba đối tượng trộm cây hoa giấy lớn, nhưng không nhổ được gốc dẫn đến chỉ lấy được một đoạn thân cây. Hành vi của các đối tượng khiến cây hoa giấy chết. Tác giả đặt vấn đề các đối tượng phạm một hay hai tội.

Tr thấy trong sân nhà bà N có trồng một cây hoa Giấy tương đối lớn nên nảy sinh ý định trộm cắp.  Do cây to, lớn nên một mình Tr không thể lấy được, nên rủ  Đ tham gia.

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 10/7/2023, Đ và  H đi uống rượu.  Trong lúc uống rượu Đ nhận tin qua Messenger của Tr với nội dung “Tối đi lấy cây hoa giấy chứ”  thì Tr đồng ý. Đ nói với H “Thằng Tr kêu đi lấy trộm cây hoa giấy, mày có đi không?”. H đồng ý tham gia vụ trộm.

 Khoảng 23 giờ cùng ngày,  Tr, Đ, H  mang theo 1 cái cưa cầm tay và cùng đến sân nhà bà N để trộm cắp. Lúc này nhà bà N đã đóng cửa, tắt đèn đi ngủ.  Tr phân công Đ ở ngoài cảnh giới, còn Tr và H đi vào trong sân dùng hai tay để móc, xới đất xung quanh gốc cây hoa Giấy, sau đó Tr và H sử dụng cưa cầm tay để thay nhau cắt đứt 3 nhánh của cây (Vị trí mặt cắt cách mặt đất khoảng 1,7m). Sau khi cắt xong, Tr, H, Đ cùng dùng tay đẩy, bẻ, lung lay thân cây để nhổ gốc nhưng không nhổ được mà làm phần gốc cây bị gãy.

Các đối tượng lấy được một đoạn thân cây hoa giấy có chiều dài 1,74m, có phần rễ cây. Riêng các cành, nhánh, gốc của cây còn lại tại hiện trường. Cả ba đối tượng đưa thân cây lên xe mô tô của Đ và chở đi cất giấu tại lề đường trong xã. Sau đó phần gốc của cây hoa giấy bị chết, còn đoạn thân cây hoa Giấy có chiều dài 1,74m được Cơ quan điều tra thu hồi tạm giao cho bị hại N quản lý, chăm sóc nên đoạn thân cây trên đã sống, phát triển tốt.

Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã kết luận:

- Cây hoa Giấy, khoảng 14 năm tuổi, có hoa màu hồng, chiều cao của cây là 5,4m, đường kính tán cây là 6,3m, cây có đặc điểm một thân, đường kính cây to nhất là 0,34m, tại vị trí thân cách mặt đất 0,4m phân thành ba nhánh khác nhau, đường kính mỗi nhánh lần lượt là 0,14m, 0,11m và 0,075m, tình trạng cây phát triển bình thường, không bị sâu bệnh, có giá trị 48 triệu đồng.

- Đoạn thân cây hoa giấy có chiều dài 1,74m, đường kính thân to nhất là 34cm, một đầu thân có chùm rễ, đoạn rễ dài nhất là 0,07m, cách vị trí rễ 0,4m thân cây phân thành ba nhánh khác nhau, đầu các nhánh có mặt cắt gọn, đường kính mặt cắt lần lượt là 0,14m, 0,11m và 0,075m, tình trạng thân cây bình thường không bị sâu bệnh, có giá trị 17 triệu đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án này có hai quan điểm về tội danh đối với các đối tượng vi phạm.

Quan điểm thứ nhất:  Hành vi của Tr. Đ, H phạm hai tội. Hành vi chiếm đoạt 1 thân cây hoa giấy có chiều dài 1,74m, có giá trị 17 triệu đồng đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Hành vi đào đất, nhổ gốc cây hoa giấy và làm gãy và chết gốc cây của các đối tượng đã phạm tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 1 Điều 178 BLHS. Quan điểm này cho rằng các đối tượng Tr, Đ, H phạm tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS và tội Hủy hoại tài sản theo khoản 1 Điều 178 BLHS.

 Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Hành vi của các đối tượng Tr, Đ, H  chỉ phạm tội Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS.

Công văn trao đổi nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC, ngày 01/10/2019 của TANDTC nêu: “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm…”

Nếu vận dụng đúng tinh thần hướng dẫn tại văn bản nói trên có thể thấy rằng trong vụ án này Tr và đồng bọn chỉ thực hiện 01 hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc Tr và đồng bọn phải tiến hành dùng cưa tay để cắt tỉa cây cho gọn, nhẹ là do đặc điểm của tài sản to lớn, cồng kềnh, nếu không tiến hành các phần việc này trước thì không thể lấy được tài sản ra khỏi khu vực được trông coi, quản lý.  Do vậy, nếu đánh giá sơ bộ về hậu quả của tội phạm sẽ có hai phần thiệt hại.  Một phần tài sản các bị can đã chiếm đoạt được (Phần thân cây) và  một phần tài sản bị hủy hoại làm mất đi giá trị (Phần gốc cây). Cả hai phần thiệt hại này xảy ra trên một tài sản mà các đối tượng nhắm tới muốn chiếm đoạt và có chung mối quan hệ nhân quả đều do cách thức chiếm đoạt tài sản của các đối tượng gây ra, nên các đối tượng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại đối với tội danh đã thực hiện. Mặt khác, so sánh mức độ nặng, nhẹ của hai tội Trộm cắp tài sản và Hủy hoại tài sản thì tội Trộm cắp tài sản là tội nặng hơn. Vì vậy, việc xử lý các Tr và đồng bọn về tội Trộm cắp tài sản sẽ vừa đúng với tinh thần hướng dẫn của văn bản nói trên, vừa phản ánh đúng các dấu hiệu khách quan và ý chí chủ quan của Tr và đòng bọn khi thực hiện tội phạm.

Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ án này. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của đồng nghiệp.

NGUYỄN VĂN TOÀN (TAND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai)

Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh, Gia Lai xét xử vụ án Trộm cắp tài sản- Ảnh: Minh Châu