Cần Thơ: Cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động theo quy định

Ngoài việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp (Chấm dứt hoạt động), Luật Phá sản còn quy định về phục hồi hoạt động (tái cơ cấu) doanh nghiệp, một phần thủ tục quan trọng mà ít được các bên quan tâm.

Hình ảnh cổng chào Khu dân cư Đô thị mới Thiên Lộc

Luật Phá sản đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do doanh nghiệp bị phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội. 
Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh được quy định tại Chương VII Luật phá sản số 51/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 19/6/2014. Sau khi được Hội nghị chủ nợ thông qua, Nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động. Trong đó, phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động, các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ. Việc phục hồi hoạt động được giám sát bởi Toà án, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chủ nợ. Sáu tháng một lần, doanh nghiệp phải lập báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động.

Gần đây, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến nhanh, đặc biệt sau khi lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, huy động vốn, đầu tư và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó tình hình kinh doanh bất động sản hạ nhiệt nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn. Qua đây, chúng ta cùng nhìn lại một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản lâu năm tại thành phố Cần Thơ đã bị mở thủ tục phá sản và đang thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động theo quy định pháp luật phá sản, điển hình cụ thể: “công ty TNHH Thiên Lộc - Dự án Khu dân cư Đô thị mới Thiên Lộc (Dự án 13A), phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ”.

Trên cơ sở phương án phục hồi hoạt động công ty TNHH Thiên Lộc, Nghị quyết Hội nghị chủ nợ và Quyết định số 01/2020/QĐ-TA về việc công nhận Nghị quyết Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động, đến nay công ty TNHH Thiên Lộc đã triển khai thực hiện phương án phục hồi hoạt động năm thứ hai, sắp chuyển sang năm thứ ba. Qua khảo sát thực tế tại Dự án, nhiều hạng mục đường xá, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh mới hoàn thiện, nhiều lô, nền đã được phân chia rõ ràng, người dân phấn khởi chạy bộ, tập thể dục trên những tuyến đường mới khang trang…

Chia sẻ với chúng tôi, bà Võ Thị Hồng Giang (đại diện công ty TNHH Thiên Lộc) cho biết, hiện nay công ty đã có những chuyển biến tích cực, thời gian qua công ty đã cố gắng thực hiện bám sát phương án, đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước, địa phương, khách hàng, hộ dân và chủ nợ. Dựa trên phương án, công ty đã xúc tiến giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đảm bảo nghĩa vụ bàn giao nền cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng góp vốn trước đó, bàn giao nền cho các hộ dân tái định cư, hình thức khác phù hợp... công ty đã hoàn thành vai trò của chủ đầu tư, một số khách hàng, hộ dân đang thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền, rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm hỗ trợ các hộ dân, khách hàng (thủ tục còn lại). Bên cạnh đó, mặc dù trong tình trạng khó khăn tài chính, công ty đã cân đối để có thể thanh toán phần nợ cho các chủ nợ, đặc biệt các nghĩa vụ nợ đối với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, cơ quan thi hành án dân sự và trường hợp khác phù hợp.

Sau những tín hiệu tích cực nêu trên, đại diện công ty TNHH Thiên Lộc cũng chia sẻ thêm “Những khó khăn hiện nay của công ty. cơ quan địa phương có thẩm quyền chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản (mất khả năng thanh toán), sau đó thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động, thời gian thực hiện phương án phục hồi hoạt động có hạn nhưng các thủ tục hành chính kéo dài, nhiều vấn đề đặc thù liên quan dự án bất động sản chưa được xem xét tháo gỡ kịp thời như giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, cấp giấy, sang tên quyền sử dụng đất, thủ tục thuế, thủ tục hành chính khác... công ty khẳng định mục đích phục hồi hoạt động thời gian này là hoàn thành nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ với Nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng, hộ dân, tránh tranh chấp, khiếu kiện đông người, ảnh hưởng trật tự xã hội địa phương. Nhiều khách hàng, hộ dân chưa chủ động phối hợp, chưa hiểu rõ quyền, nghĩa vụ phải thực hiện, mặc dù công ty đã cố gắng hỗ trợ để hoàn thành nghĩa vụ, dẫn đến thời gian kéo dài mà quyền lợi khách hàng, hộ dân chưa được hưởng đầy đủ. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính là một trong vấn đề hàng đầu đối với doanh nghiệp được phục hồi hoạt động theo quy định pháp luật phá sản nên được các chủ nợ, các đối tác và cơ quan ban ngành thấu hiểu, hỗ trợ sẽ ủng hộ doanh nghiệp rất lớn”.

Hình ảnh cơ sở hạ tầng hoàn thiện mới tại KDC Đô thị mới Thiên Lộc

Với tư cách là thành viên Ban đại diện chủ nợ công ty TNHH Thiên Lộc, Bà Trần Thị Mỹ Dung có chia sẻ: “Về việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động của công ty Thiên Lộc, qua đây tôi rất mong các cơ quan ban ngành của địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ các thủ tục, chính sách và cơ chế phù hợp tình hình của công ty, đặc biệt bước vào giai đoạn năm thứ ba phương án và trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.

Doanh nghiệp Quản lý Thanh lý Tài sản Lê Hoàng là đơn vị phụ trách giám sát quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động của công ty TNHH Thiên Lộc theo chỉ định của Toà án. Quản tài viên Lê Hoàng Nhí - Giám đốc Doanh nghiệp Quản lý Thanh lý Tài sản Lê Hoàng cho biết: “công ty TNHH Thiên Lộc được xem là doanh nghiệp đầu tiên tại thành phố Cần Thơ được Hội nghị chủ nợ, Toà án cho phục hồi hoạt động theo quy định pháp luật phá sản. Đây là nội dung rất hay của Luật phá sản năm 2014, dựa trên thoả thuận, biểu quyết và thống nhất của các chủ nợ không bảo đảm. Một trong những trường hợp đầu tiên của cả nước. Với vai trò Quản tài viên phụ trách, đánh giá thời gian qua công ty TNHH Thiên Lộc đã rất nỗ lực trong quá trình triển khai phương án phục hồi hoạt động, đạt được nhiều điểm tích cực trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng Dự án, thực hiện nghĩa vụ giao nền, nghĩa vụ tài chính, đặc biệt nghĩa vụ đối với địa phương. Rất mong thời gian tới, công ty TNHH Thiên Lộc sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của địa phương để hoàn thành tốt phương án phục hồi hoạt động và trở thành doanh nghiệp điển hình phục hồi hoạt động theo quy định pháp luật phá sản tại địa phương”.

Quản tài viên Lê Hoàng Nhí chia sẻ thêm: “Với tình hình kinh tế chuyển biến nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, dựa trên kinh nghiệm tham gia rất nhiều vụ việc phá sản với vai trò Quản tài viên phụ trách, tôi tin rằng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật phá sản sẽ mở ra cánh cửa mới đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bị mở thủ tục phá sản trong thời gian tới”.

Hình ảnh thực tế tại KDC Đô thị mới Thiên Lộc

Tổng quan có thể thấy rằng, Luật phá sản có quy định trường hợp cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được phục hồi hoạt động và thực tế đã có doanh nghiệp được thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp bước vào triển khai thực hiện phương án phục hồi hoạt động thì vẫn còn gặp nhiều phát sinh vướng mắc, khó khăn, điển hình như đề cập nêu trên.

Theo Luật phá sản hiện hành được ban hành ngày 19/6/2014 và đang được đánh giá lại, tiếp thu ý kiến để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp xu thế quốc tế và tình hình thực tế. Có lẽ, trước khi có những sửa đổi về quy định pháp luật, có những văn bản hướng dẫn chi tiết của cơ quan có thẩm quyền thì ngay chính địa phương có doanh nghiệp đang phục hồi hoạt động theo quy định pháp luật phá sản trên địa bàn cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vựt dậy, vừa đảm bảo an sinh đời sống cho người dân, cũng như hoàn thành vai trò quản lý chung./.

Trần Tú