Hà Nội, Bắc Giang, Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 22/9, tại 3 điểm cầu Hà Nội, Bắc Giang phối hợp đoàn luật sư TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến “Trao đổi giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2030, kết hợp luật sư với doanh nghiệp thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp”

Quang cảnh tại Hội nghị trực truyến điểm cầu Cần Thơ

Tham dự chủ trì Hội nghị trực tuyến gồm có: Đ/c Cao Văn Vinh - Phó vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ tư pháp), Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình HTPLLN cho doanh nghiệp; Luật sư Đào Ngọc Truyền - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm ĐLS Hà Nội; Luật sư Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp Việt nam; Luật sư Lê Đăng Tùng - Phó Chủ nhiệm ĐLS TP. Hà Nội; Luật sư Trần Văn An - Ủy viên Ban Thường vụ Liên ĐLS Việt Nam, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Bắc Giang;  Luật sư Trần Minh Trị - Ủy viên Ban Thường vụ Liên ĐLS Việt Nam, Chủ nhiệm ĐLS TP. Cần Thơ, cùng các văn phòng luật sư và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến điểm cầu Hà Nội, TS.Luật sư  Đào Ngọc Truyền - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết thông tin: “Với các dịch vụ pháp lý như: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác, luật sư luôn bên cạnh khi doanh nghiệp cần. Đồng thời, khi tư vấn pháp luật, luật sư đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn phân tích điểm mạnh, điểm yếu; Phân tích và áp dụng các quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp; Từ khi doanh nghiệp thành lập, xác lập các giao dịch với đối tác/ khách hàng; Quản trị và điều hành nội bộ, đến giải quyết những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.Việc tư vấn của luật sư không những ở chính công việc tư vấn mà còn có trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và dịch vụ pháp lý khác.

Ngoài ra, khi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp luật sư luôn phải đặt ra câu hỏi và trả lời được câu hỏi: việc đó do luật nào điều chỉnh, doanh nghiệp có được làm hay không, nếu được làm thì làm như thế nào, trình tự thủ tục để giải quyết các việc đó ra sao…, tất cả những việc này nằm trong một thể thống nhất các dữ liệu bảo đảm doanh nghiệp tham gia các quan hệ giao dịch an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quan hệ quản trị, điều hành, quản lý nội bộ doanh nghiệp cũng cần luật sư để các công việc thực hiện đúng quy định, không phát sinh tranh chấp nội bộ, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, không phát sinh các vi phạm về hình chính, thậm chí các vi phạm về hình sự…

Các luật sư tham luận ý kiến tại Hội nghị

Đại diện điểm cầu tỉnh Bắc Giang thông tin: “Trong những năm gần đây, Bắc Giang nổi lên là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và các công tác phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch bệnh... Một trong lĩnh vực phát triển nổi bật trên địa bàn là lĩnh vực bất động sản. Bắc Giang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn, các dự án được triển khai rộng khắp các đô thị, thị trường bất động sản tăng trưởng về mọi mặt, từ loại hình bất động sản, phân khúc giá trị bất động sản và hình thức đầu tư dự án bất động sản.

Trước sự phát triển mạnh mẽ, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản, chính sách pháp luật điều chỉnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh và quản lý nhà nước trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực phức tạp, hoạt động theo nhiều Luật, Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bắt động sản, nên vẫn còn nhiều điểm khó khăn cho Doanh nghiệp bất động sản chưa được giải quyết, tháo gỡ”.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cũng cho biết thêm: “Chính vì thế, Hiệp hội bất động sản tỉnh Bắc Giang được UBND tỉnh thành lập năm 2020 nhằm xây dựng tổ chức đại diện cho tập thể các Nhà đầu tư, Nhà môi giới, những người làm bất động sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, truyền tải các ý kiến, khó khăn vướng mắc tới UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành tháo gỡ. Trong 2 năm hoạt động, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng Hiệp hội bắt động sản đã triển khai nhiều hoạt động hết sức thiết thực cho các hội viên và khẳng định được vai trò quan trọng làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước”.

Tại điểm cầu TP.Cần Thơ, Luật sư Trần Minh Trị - Ủy viên Ban Thường vụ Liên ĐLS Việt Nam, Chủ nhiệm ĐLS TP.Cần Thơ phát biểu tham luận

Tại điểm cầu TP. Cần Thơ, Luật sư Trần Minh Trị - Ủy viên Ban Thường vụ Liên ĐLS Việt Nam, Chủ nhiệm ĐLS TP. Cần Thơ cho biết: “Các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm tỷ lệ 98,5% trên tổng số 12.000 doanh nghiệp), và một trong thông rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hoạt động gia nhập thị trường và tiến hành kinh doanh là các chi phí để tuân thủ các quy định của pháp luật. Ngoài các quy định pháp luật chung về doanh nghiệp, thương mại, thuế…, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực họ kinh doanh. Bên cạnh đó, trong hoạt động kinh doanh, đàm phán, kí kết và thực hiện hợp đồng với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp cũng rất cần nắm bắt các qui định của pháp luật, để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Từ những thực tế đó, có thể thấy rằng, nhu cầu được tư vấn hướng dẫn và các quy định pháp luật của doanh nghiệp là rất lớn. Bên cạnh việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của Nhà nước là một kênh quan trọng để thoả mãn nhu cầu về pháp lý của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)”.

Đồng thời, Hiện nay công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ đang có bước chuyển biến lớn, có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, tập trung vào các mặt như: Xây dựng, quản lý, duy trì, cặp nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vương mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thì hành pháp luật. Tuy đã đạt được một số thành tựu, song hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp ở địa bản vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, chủ yếu nằm ở cơ chế, chính sách trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Ông Trị cũng chia sẻ thêm tại hội nghị “Cần hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng chuyên môn hóa nhân lực, tăng đầu tư nguồn lực, huy động sự đóng góp của toàn xã hội vào công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, cần tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng của các hoạt động, đảm bảo được tính hữu ích cho doanh nghiệp, thu hút được các doanh nghiệp tham gia một cách tích cực, chủ động và tự nguyện”.

TRẦN TÚ

QC