Những nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy hòa giải thương mại tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions - ADR), đặc biệt là phương thức hoà giải thương mại ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, hòa giải thương mại đang dần khẳng định được vai trò và tiềm năng. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại đã tạo khung pháp lý ban đầu cho hoạt động của hòa giải thương mại tại Việt Nam. Việc nghiên cứu về hòa giải thương mại, khung pháp lý về hòa giải thương mại, tổng kết 5 năm áp dụng Nghị định 22/2017/NĐ-CP, từ đó rút ra những kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phù hợp là hết sức cần thiết.

1. Hội thảo về “Hòa giải thương mại tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng tương lai” mở ra nhiều cơ hội cho phát triển hòa giải tại Việt Nam

Nhận được sự quan tâm của đông đảo các giảng viên, nhà khoa học, hoà giải viên, chuyên gia pháp lý và người hành nghề thực tiễn, Hội thảo “Hoà giải thương mại tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng tương lai” và Lễ bế mạc Cuộc thi V-med 2022 đã được tổ chức thành công tốt đẹp vào ngày 29/08/2022 tại Hội trường D201 Trường Đại học Ngoại thương kết hợp hình thức livestream trực tuyến qua nền tảng Zoom. Tham dự Hội thảo và Lễ bế mạc Cuộc thi V-MED 2022, về phía khách mời, Hội thảo vinh dự có sự góp mặt của TS. Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp); ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ – Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp; LS. Nguyễn Kim Dung – Giám đốc pháp chế Đại học Anh quốc Việt Nam, Hoà giải viên Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC), đại diện của Việt Nam của trung tâm Hoà giải Australia; ThS. LS. Nguyễn Phó Dũng – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Opic, Giám đốc Trung tâm Hoà giải OPIC; Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Giám đốc Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Ngân hàng Thế giới; LS. Nhà báo Trần Văn Chương – Đại diện trung tâm hỗ trợ pháp luật, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; LS. Bùi Đình Ứng – Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng; Bà Nguyễn Thị Tuyết Trang – Giám đốc chi nhánh miền Bắc Công ty cổ phần tập đoàn KIDO.

Về phía VICMC, có sự góp mặt của LS. Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch VICMC đồng thời Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, Luật sư sáng lập và điều hành, NHQuang&Associates; LS. Vũ Thị Quế - Phó Chủ tịch VICMC, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers; ThS. LS. Lương Văn Lý – Ủy viên điều hành VICMC, Luật sư Thành viên, Công ty luật GV Lawyers; TS. LS. Nguyễn Bá Sơn – Phó Chủ tịch VICMC, nguyên Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL); LS. Nguyễn Tuấn Phát – Luật sư cao cấp Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers, Hòa giải viên VICMC; LS. Trần Thị Hương – Sáng lập và điều hành Tư vấn đầu tư Rachel và Đại diện SHTT, Hòa giải viên VICMC. Về phía Trường Đại học Ngoại Thương có sự hiện diện của PGS. TS. Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng; PGS. TS. Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự, Trưởng Bộ môn Pháp luật kinh doanh quốc tế, Tổng Thư ký VICMC; TS. Hà Công Anh Bảo – Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó Trưởng Khoa Luật.

Với 2 phiên toạ đàm bàn tròn cùng sự tham gia của 6 diễn giả với phiên 1 “Những vấn đề chung về phát triển hòa giải thương mại tại Việt Nam” và phiên 2 “Phát triển hòa giải thương mại trong một số lĩnh vực tranh chấp cụ thể”, Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi về thực trạng và giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về hoà giải thương mại tại Việt Nam hiện nay; thực trạng hoạt động hoà giải thương mại, hoạt động của các trung tâm hoà giải thương mại; thực trạng và xu hướng hoà giải thương mại trực tuyến; đội ngũ hoà giải viên hiện nay và giải pháp phát triển; nhu cầu, xu hướng, tiềm năng sử dụng dịch vụ hoà giải thương mại tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới nói chung và trong một/một số lĩnh vực cụ thể nói riêng; cơ hội, thách thức, đề xuất việc Việt Nam tham gia Công ước Singapore về hoà giải, v.v…

 

2. Cuộc thi Hòa giải Thương mại Việt Nam (V-Med) 2022 – Sân chơi sinh viên bổ ích ươm mầm những tài năng hòa giải viên tương lai

Cuộc thi Hoà giải thương mại Việt Nam (V-Med) 2022 đã thu hút 52 đội thi, 186 bạn sinh viên đến từ 17 trường Đại học tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam đăng ký tham gia. Trải qua các khoá huấn luyện và vòng thi lý thuyết, hai chặng thi của V-Med đã diễn ra vô cùng gay cấn và lựa chọn ra những đội thi xuất sắc nhất. Kéo dài trong hơn hai tháng, Cuộc thi đã trải qua nhiều hành trình đáng nhớ mà có thể tổng kết lại bằng ba từ: Nhiệt huyết, Đam mê và Hội tụ. Từ chặng 1 về thi lý thuyết về hoà giải đến chặng 2 về thực hành phiên hoà giải giả định, từ các khoá đào tạo lý thuyết đến các khoá tập huấn thực hành, các đội thi đã tinh thần nhiệt huyết sẵn sàng học hỏi, sự đam mê với một phương thức giải quyết tranh chấp rất mới mà các bạn được tiếp cận thông qua cuộc thi, và sự kết nối tuyệt vời giữa các đội thi với nhau.

Đặc biệt, Cuộc thi vinh dự có sự hiện diện của ông Nguyễn Biên Thuỳ- Thẩm phán của Hội đồng thẩm phán TANDTC tham dự BGK của cuộc thi. Sự hội tụ được thể hiện ở việc Cuộc thi đã thu hút được một số lượng sinh viên và đội thi rất lớn, vượt qua cả dự kiến của BTC. Đồng thời, Cuộc thi đã hội tụ được sự ủng hộ của các hoà giải viên của VICMC và hoà giải viên của các trung tâm hoà giải khác như Trung tâm hoà giải VMC, Trung tâm hoà giải OPIC. 

 

Hội thảo “Hoà giải thương mại tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng tương lai”Cuộc thi V-Med năm đầu tiên đã khép lại, nhưng sẽ mở ra một sự kết nối và lan toả thông qua việc thành lập một mạng lưới Hoà giải viên trẻ Việt Nam (với tên gọi là V-MED) nhằm tạo một tạo sân chơi giao lưu, học hỏi về hoà giải thương mại nói riêng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức lựa chọn (ADR) nói chung cho sinh viên đam mê về hoà giải, từ đó lan toả các kiến thức, ưu điểm về hoà giải đến cộng đồng.

Sự nhiệt huyết, đam mê dành cho hoà giải, nhiệt huyết dành cho thế hệ trẻ là điều BTC cũng như người tham dự cả hai sự kiện cảm nhận được từ các chuyên gia, các hoà giải viên, các luật sư, các thầy cô, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm hòa giải, văn phòng luật sư, nhà tài trợ… 5 năm triển khai áp dụng của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP mới chỉ là giai đoạn mở đầu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn, với nỗ lực của tất cả các bên liên quan, hòa giải thương mại tại Việt Nam sẽ có những bước phát triển tích cực trong tương lai để trở thành một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thân thuộc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

 

HÀ CHI