Tòa án có quyền xem xét tính hợp pháp của các văn bản hành chính không bị kiện
Bài viết “Xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trong vụ án hành chính” của tác giả Trương Minh Tấn (TAND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đặt ra vấn đề rất thiết thực, chúng tôi xin được bàn thêm về nội dung này.
Đầu tiên, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả Trương Minh Tấn. Là người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến Luật tố tụng hành chính (TTHC), tôi mạnh dạn trao đổi bổ sung và mở rộng vấn đề nghiệp vụ “Xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính” như sau:
Trong vụ án hành chính, ngoài các Quyết định hành chính (QĐHC), Hành vi hành chính (HVHC) bị khởi kiện còn có các QĐHC, HVHC không bị khởi kiện và các QĐHC, HVHC mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 30 Luật TTTHC thì các QĐHC, HVHC này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Các QĐHC, HVHC trên được quy định cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Luật TTHC: “Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.”
Trường hợp các QĐHC, HVHC không phải là đối tượng khởi kiện theo Luật TTHC mà có sai sót thì giải quyết như thế nào?
Luật TTHC giao quyền cho Tòa án xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trong vụ án hành chính theo khoản 3 Điều 191 Luật TTHC, bên cạnh đó còn giao cho Tòa án quyền được xem xét tính hợp pháp của vản bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật TTHC.
Vậy văn bản hành chính là gì? Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ quy định: “Văn bản hành chính là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức”. Nghị định cũng quy định các loại văn bản hành chính, trong đó bao gồm các QĐHC, HVHC mang tính chất chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của các cơ quan tổ chức. Như vậy, mặc dù những văn bản hành chính này liên quan trực tiếp tới quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện nhưng chúng lại không phải là QĐHC, HVHC bị kiện và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Ví dụ: Trong vụ án khiếu kiện Thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan Thuế có Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai do Văn phòng đăng ký đất đai do cơ quan nhà nước lập có tính chất cá biệt, được áp dụng một lần đối với đối tượng cụ thể. Tuy nhiên quyết định hành chính này không làm phát sinh hay chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc cơ quan Thuế xác định nghĩa vụ thuế bởi căn cứ khoản 4 Điều 10 và khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016 đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan Thuế. [1]
Tương tự như trên, trong vụ án khiếu kiện Thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan Thuế có văn bản chỉ đạo nội bộ của Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc yêu cầu cơ quan Thuế và Văn phòng đăng ký đất đai xác định nghĩa vụ thuế cho người có nghĩa vụ thì phải xác định đây là văn bản hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan, nhằm chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ… Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật TTHC, Tòa án không xác định văn bản này là QĐHC bị khởi kiện, không xem xét hủy quyết định mà có thể vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật TTHC để xem xét tính hợp pháp của văn bản hành chính, HVHC có liên quan đến QĐHC và HVHC bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án. [2]
Như vậy, có thể thấy không phải tất cả các QĐHC và HVHC là đối tượng khởi kiện theo Luật TTHC. Việc xác định đối tượng khởi kiện đúng là vô cùng quan trọng trong việc áp dụng pháp luật chính xác và đưa ra phán quyết đúng đắn. Đối với những QĐHC, HVHC không phải là đối tượng khởi kiện mà có sai sót thì Tòa án vẫn có quyền xem xét tính hợp pháp của các văn bản hành chính đó và kiến nghị cơ quan ban hành văn bản hành chính xem xét lại văn bản đó nhằm hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức được đúng đắn và tốt hơn, hướng tới sự hoàn thiện pháp luật trong hoạt động bảo vệ pháp luật.
[1]. Mục 2 Giải đáp 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.
[2]. Mục 8 phần III Giải đáp 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao
TAND quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội xét xử vụ án hành chính - Ảnh: Thái Sơn
Bài liên quan
-
Bàn về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm
-
Đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính
-
Xem xét đối tượng khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết tố cáo
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận