Tòa án nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm 2022

Bài viết tập trung đánh giá những kết quả nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và định hướng những nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác.

Dẫn nhập

Năm 2022 là năm thứ hai hệ thống Tòa án triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết khác của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi, cũng phát sinh nhiều khó khăn mới; đại dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát và thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nên số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp. Bên cạnh việc phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu theo nghị quyết của Quốc hội, hệ thống Tòa án còn phải tiếp tục triển khai các đạo luật mới về tư pháp, các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Ngay từ đầu năm công tác 2022, Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC)đã kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống Tòa án nhân dân thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm; các Tòa án cũng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, hệ thống Tòa án đã đạt được những thành quả cơ bản đáng khích lệ.

I. Khái quát những kết quả nổi bật

1. Kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc đạt và vượt chỉ tiêu

Các Tòa án đã giải quyết được 504.681/567.521 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 88,9%; số giải quyết tăng 68.021 vụ việc so với năm 2021. Đặc biệt, đã xét xử 2.626 vụ với 5.586 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên thu hồi tiền, tài sản trong 840 vụ đối với 1.995 bị cáo với số tiền trên 4.027 tỷ và các tài sản khác. Các Tòa án đã tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ án hình sự; xét xử phúc thẩm 13 vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, dư luận xã hội rất quan tâm.

Các vụ án về ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em… được các Tòa án thụ lý và xét xử kịp thời với số lượng vụ án và bị cáo đều tăng so với năm 2021. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; các trường hợp áp dụng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng, được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 386.944 vụ việc dân sự trong tổng số 444.402 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 87,07%, vượt 9,07% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Mặc dù các tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế tài sản, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng... với các tình tiết phức tạp, nhiều mối quan hệ pháp lý đan xen, nhưng các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp pháp luật quy định; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm các vụ việc. Đồng thời, các Tòa án đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, đã hòa giải thành 182.496 vụ việc, đạt 49,23%, góp phần giải quyết nhanh các tranh chấp, củng cố đoàn kết trong Nhân dân.

Việc xét xử các vụ án hành chính được các Tòa án quan tâm đẩy mạnh, đã giải quyết được 8.524vụ, đạt tỷ lệ 72,6%, vượt 12,6% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tăng 2.831 vụ so với năm 2021. Trong quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện;đã đối thoại thành 429 vụ án, trên tổng số 6.049 vụ đã giải quyết, đạt 7,09%.

Việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện nghiêm túc. Các Tòa án đã tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho Nhân dân. Trong năm qua, đã xử lý và chuyển cho Hòa giải viên giải quyết 127.046 đơn (trong tổng số 371.165 đơn đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại); đã giải quyết 117.443 vụ việc, trong đó hòa giải, đối thoại thành 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%, trong đó tỷ lệ vụ việc dân sự hòa giải thành đạt 63% và đối thoại hành chính thành là 22%.

Việc xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân được cácTòa án giải quyết khẩn trương, kịp thời, đúng pháp luật; đã giải quyết 17.416 hồ sơ trong tổng số 17.432 hồ sơ thụ lý, đạt tỷ lệ 99,9%. Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được các Tòa án thực hiện nghiêm túc; đã giải quyết 93/93 hồ sơ đề nghị.

Công tác thi hành án hình sự đã được các Tòa án thực hiện kịp thời; đã ra quyết định thi hành án đối với 97.899 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 98,9%; quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với 84.429 phạm nhân do cải tạo tốt; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù đối với 3.068phạm nhân bảo đảm có căn cứ. Việc miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước đối với 6.350vụ việc việc được thực hiện đúng quy định của pháp luật với tổng số tiền được miễn, giảm trên 60 tỷ đồng.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được TANDTC và các Tòa án nhân dân cấp cao quan tâm giải quyết với chất lượng cao, theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật tố tụng; đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ trong tổng số 13.463 đơn/vụ thụ lý; đạt tỷ lệ 62,4%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, đúng pháp luật.

2. Hoạt động xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật có nhiều đổi mới tạo thành điểm nhấn

Trong năm qua, TANDTC nghiên cứu, hoàn thành xây dựng dự thảo và trình Quốc hội thông qua 01 nghị quyết và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 03 pháp lệnh, gồm: Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng chủ động ban hành các nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, như: các Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; các tội phạm về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; án treo; về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. TANDTC đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 thông tư liên tịch. Đặc biệt, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01/TT-CA quy định việc phân công Thẩm phán xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, hầu hết các vụ án, vụ việc sẽ được phân công ngẫu nhiên theo trình tự, phương pháp xác định trước để bảo đảm tính khách quan, vô tư trong việc phân công án.

TANDTC cũng chủ động trong việc thực hiện sáng kiến lập pháp, đã đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội dự án “Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Việc xây dựng luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là phù hợp với xu thế quốc tế và các cam kết của Việt Nam, cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên hiện hành. Đây cũng là một tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp; góp phầnnâng cao hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên; bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên tham gia tố tụng; thúc đẩy việc tái hòa nhập của người chưa thành niên.

Công tác tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ được tiến hành thường xuyên, kịp thời. TANDTC đã tổng hợp, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình; việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, các quy định của pháp luật về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng...; tiếp nhận, phân loại và nghiên cứu đối với hơn 900 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua 13 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 56 án lệ.

3. Tích cực nghiên cứu, xây dựng các Đề án về cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền

Thực hiện nhiệm vụ được giao, TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chuyên đề đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế chung của thế giới, làm căn cứ đề xuất các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Cùng với đó, TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án liên quan phục vụ cải cách tư pháp, như: Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm việc Nhân dân tham gia giám sát và thực hiện quyền làm chủ của mình; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nhằm tăng cường chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xét xử và tăng cường sự tiếp cận công lý của người dân; Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên” nhằm hướng tới xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, bảo đảm tính pháp quyền, đồng bộ, thống nhất, tiến bộ, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án trở thành điểm sáng trong bức tranh chuyển đổi số

Hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng cho hoạt động của Tòa án không ngừng được cải tiến; nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến được đưa vào sử dụng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án.

Các Tòa án tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến phục vụ cho hơn 1.200 cuộc họp, trao đổi, phiên tòa; các phần mềm nội bộ dùng chung được triển khai áp dụng tại các Tòa án cho phép thực hiện quản lý hoạt động tố tụng và hành chính nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn; nhiều dịch vụ tư pháp công đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) kết nối đến gần 800 mạng nội (LAN) tạiTòa án nhân dân các cấp được đưa vào sử dụng góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của toàn hệ thống.

Trung tâm giám sát, điều hành hoạt động của Tòa án được đưa vào hoạt động từ đầu năm đóng vai trò như một “bộ não số” giúp tổng hợp, phân tích các hệ cơ sở dữ liệu điện tử hiện có của Tòa án để đưa ra các báo cáo phân tích chuyên sâu và trình diễn dưới dạng biểu đồ động đa chiều giúp lãnh đạo TANDTC dễ dàng theo dõi, giám sát được tình hình giải quyết công việc của từng đơn vị, công chức Tòa án; việc công bố bản án, quyết định của từng Thẩm phán; dự báo biến động biên chế, tài sản trong toàn hệ thống Tòa án để kịp thời ban hành các quyết sách chỉ đạo phù hợp. Ngoài ra, hệ thống này giúp theo dõi, giám sát được tình hình hoạt động và an toàn thông tin của các hệ thống công nghệ thông tin trong Tòa án, các thông tin nói về Tòa án trên không gian mạng và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến của Tòa án các cấp.

Phần mềm trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh Thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ nói hoặc chữ viết thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân nên nhanh chóng, tiện ích. Trợ lý ảo căn cứ vào hành vi, tình huống pháp lý phải giải quyết có thể hỗ trợ Thẩm phán: (1) tra cứu pháp luật có liên quan để giải quyết vụ án chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy phù hợp với thời gian xảy ra vụ án và các án lệ liên quan; (2) giới thiệu các tình huống pháp lý tương tự đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC tổng kết thực tiễn xét xử và đưa ra câu trả lời; (3) giới thiệu các bản án tương tự đã có hiệu lực pháp luật; (4) hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết vụ việc, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, số hóa và sắp xếp hồ sơ theo từng loại tài liệu của vụ án để thuận tiện nghiên cứu; hỗ trợ quản lý công việc, đưa ra các cảnh báo, thông báo, nhắc việc; (5) hỗ trợ dự thảo các văn bản tố tụng. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 lượt truy cập và hỏi đáp của người dùng trên hệ thống trợ lý ảo này.

Gần đây, TANDTC và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý án tổng hợp đối với nhiều loại án và thủ tục tố tụng khác nhau. Phần mềm này được kỳ vọng sẽ cho phép Tòa án quản lý thông tin, dữ liệu về các vụ việc do Tòa án giải quyết từ khi bắt đầu thụ lý đến khi thi hành án theo thời gian thực. Các dữ liệu của hệ thống này kết hợp với các tiện ích của trợ lý ảo sẽ giúp Thẩm phán thực hiện nhiều tác nghiệp trong tố tụng và giải quyết vụ việc được nhanh chóng, chính xác, đúng quy định. Ví dụ, với việc tích hợp cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, hơn 1.300 câu hỏi và trả lời về các tình huống pháp lý, 56 án lệ, 1.180 quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, hơn 1.000.000 bản án, quyết định của Tòa án các cấp trong cơ sở dữ liệu, phần mềm Trợ lý ảo cho phép Thẩm phán có thể tra cứu các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự phục vụ cho công tác chuyên môn. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phần mềm này cũng giúp cho các Thẩm phán thực hiện tác nghiệp hoạt động tố tụng được nhanh chóng, giảm bớt áp lực trong việc tạo lập và ban hành các văn bản tố tụng, dành thời gian tập trung vào việc nghiên cứu hồ sơ, áp dụng pháp luật. Việc triển khai phần mềm “Trợ lý ảo” thời gian qua đã nhận được phản hồi, đánh giá tích cực từ các Tòa án.

5. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về phiên tòa trực tuyến, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch, đồng thời chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến, tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Nghị quyết với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân các cấp. Tính đến nay, có tổng cộng 622 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến; giải quyết 3.614 vụ án, trong đó hình sự 2.988 vụ, dân sự 234 vụ, hành chính 245 vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án 147 vụ. Đây được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như các chi phí xã hội khác của người dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2023.

Việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt đối với các vụ án về tội xâm hại tình dục, kinh tế, tham nhũng, chức vụ; các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… vì phương thức tiến hành tố tụng này cho phép người bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.

6. Tổ chức nghiên cứu, biên soạn thành công cuốn Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam

Quá trình 77 năm xây dựng và phát triển của Tòa án luôn gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng và sự nghiệp của Đảng. Lịch sử của Tòa án là một phần của lịch sử Đảng, lịch sử đất nước. Do đó, việc nghiên cứu, ghi lại lịch sử của Tòa án có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nền tư pháp mà còn góp phần hoàn thiện các công trình lịch sử Đảng đã và đang được nghiên cứu. Với ý nghĩa đó, Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cuốn “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”. Cuốn sách gồm 08 chương, được biên soạn công phu, đồ sộ, số lượng lên đến hàng nghìn trang sách với nhiều hình ảnh, tư liệu quý, nhiều thông tin hữu ích. Đây là công trình khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của nền tư pháp nước nhà; khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng; đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của hệ thống Tòa án; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng rất vinh quang.

7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đóng góp tích cực vào thành công của các hội nghị tư pháp khu vực và tăng cường vị thế của Tòa án Việt Nam

Cùng với việc Việt Nam và các nước thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19, các hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ hơn và theo cả phương thức trực tiếp và trực tuyến. Các hoạt động trao đổi đoàn song phương, tham dự hội nghị quốc tế, tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật tiếp tục được triển khai kịp thời. Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Tòa án, tham khảo được nhiều kinh nghiệm quốc tế, thu hút nguồn lực để phục vụ cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân. Đặc biệt, Chánh án TANDTC đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Việt Nam tham dự Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Trong Hội nghị này, Tòa án Việt Nam đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Tòa án Lào về kinh phí, kỹ thuật và trang bị, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức; đồng thời tham dự Hội nghị với tinh thần, trách nhiệm cao, vì mục tiêu tăng cường hợp tác trong công tác Tòa án, nâng cao tinh thần đoàn kết hữu nghị, thắt chặt quan hệ láng giềng tốt đẹp, thúc đẩy phát triển thịnh vượng, ổn định, an toàncủa khu vực Đông Dương và người dân có được hạnh phúc, công lý. Bên cạnh đó, tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Malaysia, đoàn đại biểu của Tòa án Việt Nam cũng đã tham gia chủ động, tích cực và có nhiều sáng kiến đối với Hội nghị; đã cùng với Chánh án các nước thông qua tuyên bố chung và cùng tham gia Hội nghị CACJ+ với Chánh án các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo dấu mốc quan trọng trong hợp tác về tư pháp giữa các nước ASEAN với các nước khác trong khu vực.

8. Các mặt công tác khác đạt được những kết quả quan trọng

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong Tòa án nhân dân năm 2022 được tổ chức tốt; các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, công chức và Hội thẩm nhân dân được triển khai đúng kế hoạch. Hình thức bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến và thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm được tăng cường nhằm mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả công tác. Việc thi tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán được tiến hành công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh cao; đã trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm 1.286 Thẩm phán (bổ nhiệm mới 682 Thẩm phán, bổ nhiệm lại 604 Thẩm phán) và miễn nhiệm đối với 10 Thẩm phán. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý và việc luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý được các Tòa án quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng quy định. Kỷ cương, kỷ luật công vụ được bảo đảm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tiến hành nghiêm túc. Các Tòa án đã bước đầu thí điểm thành công Quy chế tạm thời đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động tại 16 Tòa án, đơn vị trong hệ thống Tòa án, bảo đảm nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, minh bạch; kết quả xếp loại chất lượng là cơ sở xác định đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, tạo động lực phấn đấu cho toàn thể cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác; là cơ sở để thực hiện việc đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ quản lý, chức danh tư pháp, luân chuyển cán bộ… Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của các Tòa án có nhiều cải thiện; việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án nhân dân.

Những kết quả nổi bật nêu trên một lần nữa được khẳng định qua đánh giá, bình chọn của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân về 10 sự kiện tiêu biểu của Tòa án nhân dân năm 2022, gồm:

(1) Hệ thống Tòa án nhân dân giải quyết, xét xử các loại vụ việc đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội đề ra; đưa ra xét xử kịp thời các vụ án kinh tế, tham nhũng góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình ủng hộ.

(2) TANDTC tham gia tích cực, có trách nhiệm vào xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và các đề án chuyên sâu về cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trong Tòa án nhân dân.

(3) Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 03 Pháp lệnh quan trọng do TANDTC chủ trì xây dựng.

(4) Tòa án nhân dân các cấp tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp.

(5) Lần đầu tiên TANDTC ban hành Thông tư quy định việc phân công Thẩm phán xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo phương thức ngẫu nhiên để bảo đảm tính độc lập, công bằng, vô tư của Thẩm phán.

(6) Hoạt động chuyển đổi số trong Tòa án, triển khai ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” và đưa vào sử dụng hệ thống quản lý án tổng hợp, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử tạo thành điểm sáng.

(7) Lần đầu tiên cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam” được tổ chức biên soạn thành công và tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia về lịch sử Tòa án nhân dân.

(8) Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị tư pháp khu vực và tăng cường vị thế của Tòa án Việt Nam.

(9) TANDTC hoàn thành việc trang bị phương tiện ô tô cho toàn bộ Tòa án nhân dân các cấp.

(10) Tổ chức thành công Hội thao Tòa án nhân dân lần thứ IV-2022.

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác, trong thời gian tới các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án được xác định là:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu do Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; chú trọng tập trung làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Khắc phục triệt để việc các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.

Thứ hai, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối.Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có số lượng công việc nhiều, đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp. Rà soát lại biên chế và khối lượng công việc của các Tòa án từ đó phân bổ, cơ cấu lại theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu tiên, khuyến khích cán bộ, công chức đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý. Đa dạng hóa các hình thức tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức xã hội, tăng cường hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ tư, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.

Thứ năm, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu công tác kê khai tài sản trong Tòa án nhân dân. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các Tòa án. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ sáu, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng và bảo đảm kinh phí cho việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình trọng điểm của Tòa án nhân dân.

Thứ bảy, hợp tác chặt chẽ với Tòa án các nước, các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người chấp hành hình phạt tù. Tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ về công tác ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự cho Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Cung cấp thông tin bằng phiên bản tiếng Anh trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, Trang thông tin điện tử về Tương trợ tư pháp, thông tin về Tòa án các nước ASEAN.

Thứ tám, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa.

Thứ chín, đẩy mạnh việc ứng dụng có hiệu quả việc triển khai ứng dụng các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống Tòa án nhân dân và đưa vào sử dụng các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành của Tòa án. Xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử, phần mềm Trợ lý ảo; vận hành hiệu quả hệ thống giám sát điều hành hệ thống Tòa án nhân dân. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và các hoạt động của Tòa án nhân dân.

Thứ mười, tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì Công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo; tăng cường phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, đợt thi đua ngắn hạn với chủ đề, nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và khen thưởng kịp thời các tập thể, công chức, viên chức và người lao động đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để biểu dương, nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị./.

PGS.TS. NGUYỄN HOÀ BÌNH (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)