Đình chỉ giải quyết vụ án hay đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự?

Hiện nay, việc áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 41 và khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản năm 2014 đang còn bất cập, gây khó khăn cho các Thẩm phán, không đảm bảo quyền lợi cho đương sự.

Quy định của luật

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 hiện đang dùng hai thuật ngữ khác nhau liên quan đến việc đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự, đó là “đình chỉ giải quyết vụ án” và “đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự”. Xét về mặt ngôn từ và quy định tại Điều 217 BLTTDS, khi gặp các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 217 thì Tòa án phải ra quyết định “đình chỉ giải quyết vụ án”. Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn không có đơn phản tố hoặc có nhưng đã rút toàn bộ yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hoặc có nhưng đã rút toàn bộ yêu cầu độc lập, thì theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 217 BLTTDS, Tòa án cũng ra “quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 217, khi vụ án bị đình chỉ thì Tòa án tiến hành xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu.

Theo quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 217 BLTTDS, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra “quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”. Trường hợp nguyên đơn khởi kiện, nhưng rút yêu cầu khởi kiện; bị đơn có yêu cầu phản tố nhưng sau đó rút toàn bộ yêu cầu phản tố; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra “quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn”. Trong trường hợp này, vụ án không bị đình chỉ mà vẫn tiếp tục được giải quyết, nhưng địa vị tố tụng của các đương sự có thay đổi tùy từng trường hợp. Tên vụ án, nguyên đơn, bị đơn trong sổ thụ lý không bị xóa, không bị thay đổi. Như vậy, trong trường hợp này, quyết định mà Tòa án phải ban hành là “quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự”, chứ không phải là “quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 217 BLTTDS; khoản 2 Điều 41 và khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản năm 2014 đang còn bất cập, gây khó khăn cho các Thẩm phán, không đảm bảo quyền lợi cho đương sự.

Tình huống pháp lý

Công ty A ký hợp đồng bán cho Công ty B 1.000 tấn Ure. Hợp đồng mua bán đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công ty C là người bảo lãnh thanh toán cho hợp đồng giữa Công ty A và Công ty B. Đến hạn thanh toán, Công ty B không thanh toán số tiền còn lại là 3 tỷ đồng cho Công ty A và Công ty C cũng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán, mặc dù hồ sơ do Công ty A xuất trình đầy đủ, đúng quy định. Công ty C lại có một khoản nợ 300 triệu đồng với Công ty D và đã đến hạn thanh toán.

Công ty A khởi kiện Công ty B trước TAND Tp H, yêu cầu Công ty B và Công ty C phải liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty A.

Sau khi TAND Tp H thụ lý đơn khởi kiện của Công ty A và đang trong quá trình giải quyết tranh chấp thì Công ty D yêu cầu TAND quận Q, Tp H mở thủ tục phá sản đối với Công ty C. TAND quận Q thụ lý đơn yêu cầu của Công ty D.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Phá sản, “Tòa án nhân dân, Trọng tài phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự. Thủ tục tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại.” Do vậy, TAND quận Q đã thông báo cho TAND Tp H về việc thụ lý vụ việc phá sản. Căn cứ vào quy định này, TAND Tp H ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B (vì Công ty C là một bên đương sự trong vụ án tranh chấp).

Sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty D đối với Công ty C, TAND quận Q ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty C. Quyết định này được chuyển cho TAND Tp H.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản, “Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân, Trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết.” Do đó, căn cứ vào quyết định mở thủ tục phá sản, quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản và điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS, TAND Tp H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng giữa Công ty A và Công ty B; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND quận Q để giải quyết.

Như vậy, với việc TAND Tp H đình chỉ giải quyết tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B, thì toàn bộ hồ sơ vụ việc được chuyển sang cho TAND quận Q giải quyết. Tuy nhiên, TAND quận Q chỉ giải quyết về quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Công ty C (doanh nghiệp bị đề nghị tuyên bố phá sản); không giải quyết tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B. Giả sử, tài sản của Công ty C chỉ đủ để thanh toán các khoản nợ có bảo đảm và các khoản phải trả theo thứ tự ưu tiên quy định  tại a, b, c khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản; không có tài sản để chi trả cho khoản bảo lãnh thanh toán của Công ty C đối với Công ty A. Khi thi hành quyết định của TAND quận Q, Tp H tuyên bố phá sản đối với Công ty C thì quyền lợi của Công ty A không được bảo đảm.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS thì “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, thì sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND Tp H, Công ty A không có quyền khởi kiện lại vì không thuộc trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 3 Điều 192[1] và điểm c khoản 1 Điều 217[2] BLTTDS. Bản chất yêu cầu khởi kiện lại là đòi Công ty B phải thanh toán số tiền còn nợ, mà nguyên đơn, bị đơn và quan hệ tranh chấp không khác so với yêu cầu khởi kiện trước đó đã bị đình chỉ. Do vậy, việc đình chỉ vụ án trong tình huống nêu trên không đảm bảo quyền lợi cho Công ty A.

Bất cập cần được tháo gỡ

Chúng tôi cho rằng, việc BLTTDS và Luật Phá sản quy định phải “đình chỉ giải quyết vụ án” trong trường hợp vụ án đó có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản là một bên đương sự không phải hoàn toàn đúng và phù hợp trong mọi trường hợp. Tình huống nêu trên là một ví dụ điển hình của sự bất cập trong các quy định này và cần sớm được tháo gỡ.

Bản chất của việc pháp luật ưu tiên giải quyết yêu cầu phá sản so với yêu cầu giải quyết tranh chấp khác liên quan đến doanh nghiệp nhằm giải quyết dứt điểm quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đó với các chủ nợ, con nợ khác. Trong khi đó, vụ án dân sự có tranh chấp giữa nhiều bên với nhau, với nhiều mối quan hệ khác nhau về nghĩa vụ tài sản, nhưng không phải mối quan hệ nào được giải quyết trong vụ án dân sự đó cũng liên quan đến nghĩa vụ tài sản cần phải được giải quyết trong vụ việc phá sản mà một đương sự trong vụ án dân sự đó bị tuyên bố phá sản. Chúng ta hoàn toàn có thể tách mối quan hệ tranh chấp trong vụ án dân sự có liên quan đến doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đó ra để giải quyết trong vụ việc phá sản bằng việc đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự (trong vụ án nêu trên là yêu cầu của Công ty A đối với Công ty C) và chuyển cho Tòa án nhân dân quận Q, thành phố H giải quyết trong thủ tục phá sản. Nếu Công ty A có yêu cầu, thì được tham gia thủ tục phá sản đối với Công ty C và khi đó Công ty A sẽ là chủ nợ không có bảo đảm.

Trong tình huống trên, nếu TAND Tp H ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty A đối với Công ty C thì sẽ phù hợp và đảm bảo quyền lợi chính đáng của Công ty A, nhưng lại không có căn cứ vì điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS bắt buộc Tòa án phải ra “quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”, chứ không phải “quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự”. Chúng tôi mong rằng vướng mắc trên sớm được tháo gỡ để pháp luật tố tụng bảo vệ được công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Tâm Trang

 

[1] Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

[2] Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

ThS TRẦN NGỌC THÀNH (Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp TANDTC)