Hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Vấn đề hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hiện còn có những bất cập trong quy định của pháp luật. Do đó tác giả có kiến nghị hoàn thiện quy định này.

1.Quy định của pháp luật và bất cập trong thực tiễn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015, đối với người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Đây là quy định có lợi đối với người bị kết án, xuất phát từ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta, nhằm đảm bảo triệt để quyền lợi của phụ nữ, quyền lợi của trẻ em.

Thực tiễn công tác xét xử ở các Tòa án trong những năm qua, thấy rằng ngoài những đối tượng bị kết án phạt tù là nam giới chiếm đa số, thì số lượng người bị kết án phạt tù là nữ giới về các tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ và một số tội phạm khác ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo đó, người bị kết án là phụ nữ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sơ giam giữ cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị Tòa án kết án phạt tù, bản thân người bị kết án đều tự nguyện đi chấp hành hình phạt nghiêm túc, mà không ít trường hợp cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình trước pháp luật với nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau; có người thì có hành vi bỏ trốn, có người thì lợi dụng pháp luật quy định chưa rõ ràng để gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành quyết định của bản án, giảm tính hiệu quả thi hành pháp luật, ảnh hưởng rất lớn đến tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm chung.

So với quy định của BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam đối với người bị kết án phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên và được các cơ quan có thẩm quyền thi hành pháp luật phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm túc; đáp ứng kịp thời nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người bị kết án; bảo vệ triệt để quyền được mang thai, được sinh con của phụ nữ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ của trẻ em. Tuy nhiên, với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 như hiện nay: “Đối với người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”, thì việc tổ chức thực hiện ở các địa phương trong những năm gần đây đang bộc lộ những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý người bị kết án tại nơi cư trú đối với chính quyền địa phương, cơ quan Thi hành án và Tòa án có thẩm quyền. Cụ thể:

Thứ nhất, với quy định trên thì đối với trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu có đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù và đáp ứng đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật thì Tòa án cho phép được hoãn chấp hành án đến khi con họ đủ 36 tháng tuổi. Vấn đề ở đây mà tác giả muốn đặt ra là: Khi hết thời hạn hoãn chấp hành án lần thứ nhất, người bị kết án lại tiếp tục có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi lần hai, lần ba thì hiện nay các Tòa án đang có những quan điểm áp dụng khác nhau trên thực tế.

Có Tòa án vẫn tiếp tục cho người bị kết án hoãn chấp hành án đến khi đứa con thứ hai hoặc thứ ba của họ đủ 36 tháng tuổi, mà không phân biệt người bị kết án có cố tình có thai, sinh con để trốn tránh, chây ỳ vệc chấp hành án hay không, mà cho rằng pháp luật hình sự không cấm, cho phép được hoãn chấp hành án đối với người bị kết án thì áp dụng để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, quyền lợi của trẻ em.

Ngược lại, có Tòa án lại không cho người bị kết án được hoãn chấp hành án, vì cho rằng khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 quy định: “Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:…”, vậy “có thể” ở đây được hiểu là Tòa án có thể cho phép người bị kết án được hoãn chấp hành án và cũng có thể không cho phép hoãn chấp hành án phạt tù, hay nói cách khác pháp luật hình sự không quy định bắt buộc cứ người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có đơn xin hoãn chấp hành án là Tòa án phải ra quyết định hoãn chấp hành án. Vì vậy để tránh tình trạng người bị kết án hoãn đi hoãn lại nhiều lần, thời gian hoãn kéo dài trong nhiều năm và đảm bảo tính công bằng giữa những người phạm tội, nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe người phạm tội, Tòa án không chấp nhận cho người bị kết án hoãn chấp hành án nhiều lần.

Thứ hai, thực tế qua theo dõi kết quả công tác thi hành án hình sự những năm qua cho thấy, không phải trường hợp nào bị Tòa án kết án phạt tù cũng nghiêm túc chấp hành quyết định của bản án và cũng không phải trường hợp nào được hoãn chấp hành hình phạt tù, sau khi hết thời hạn hoãn, người bị kết án cũng đều tự nguyện chấp hành hình phạt tù nghiêm túc, mà nhiều trường hợp cố tình lợi dụng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong pháp luật hình sự (được hoãn khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) để kéo dài thời gian thi hành bản án; lợi dụng pháp luật cho phép phụ nữ được mang thai hộ, thừa nhận con nuôi để trốn tránh nghĩa vụ chấp hành bản án.

Nói như vậy, để thấy rằng việc pháp luật quy định chưa rõ ràng, cụ thể như trên đã dẫn đến thực trạng phụ nữ lợi dụng mang thai, nhận con nuôi hoặc sinh con liên tục để được hoãn đi hoãn lại nhiều lần trong nhiều năm, gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự, chính quyền địa phương trong quá trình theo dõi, quản lý đối tượng được hoãn chấp hành án. Không những thế, việc hoãn đi hoãn lại nhiều lần còn dẫn đến tình trạng Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự bỏ quên việc buộc người bị kết án thi hành án theo bản án đã tuyên.

Thứ ba, nếu xem điều kiện phụ nữ cứ mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù thì vô hình trung pháp luật lại tạo nên đối tượng trẻ em như “tấm bình phong”, “lá chắn” để phụ nữ lợi dụng trốn tránh, chây ỳ, kéo dài thời gian buộc phải thực hiện nghĩa vụ chấp hành án. Bởi trốn tránh, chây ỳ ở đây là người bị kết án không chỉ chây ỳ về thực hiện trách nhiệm hình sự của mình trước pháp luật, mà còn chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, bởi khi cơ quan Thi hành án dân sự, bị hại, thân nhân bị hại có yêu cầu thi hành khoản tiền bồi thường, cấp dưỡng và một số khoản tiền khác, người bị kết án thường lấy lý do đang nuôi các con nhỏ, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, gia đình kinh tế khó khăn, để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bản án đã tuyên, gây mất thời gian, công sức của Cơ quan Thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, Nhà nước và đặc biệt là gây tâm lý bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp nặng nề đến quyền lợi chính đáng, đời sống kinh tế của bị hại và thân nhân bị hại.

Thứ tư, đồng tình với nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 là nhằm mục đích bảo vệ triệt để quyền của phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên nếu để người bị kết án lợi dụng việc sinh con để được hoãn chấp hành hình phạt tù nhiều lần thì vô tình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu lực của bản án, tính hiệu quả của pháp luật, tính dân chủ công bằng giữa những người phạm tội và đặc biệt tạo gánh nặng thêm cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển đầy đủ, toàn diện của trẻ em, thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

2.Kiến nghị hoàn thiện

Thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật cần có sửa đổi, hướng dẫn nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 theo hướng:

“Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi. Nhưng trong quá trình được áp dụng chế định hoãn, người bị kết án được hoãn không quá 02 lần, tức 02 lần được hoãn tương ứng với 02 lần mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi”.

Quy định như vậy, mới đảm bảo sự dân chủ, công bằng giữa những người phạm tội; quyết định của bản án được thi hành nghiêm minh, kịp thời; phát huy tốt nhất tính ưu việt của pháp luật hình sự; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm; khắc phục được những khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền thi hành pháp luật trong công tác quản lý người bị kết án.

 

Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng, Thái Bình xét xử một bị cái nữ phạm tội mua bán trái phép chất ma túy - Ảnh: Tiến Quang

TRẦN THỊ THU THỦY  (Tòa án quân sự Quân khu 5)