Thiệt hại được bồi thường khi tài sản không còn

Trong bài này, tác giả phân tích những quy định của pháp luật về trường hợp thiệt hại được bồi thường khi tài sản không còn trong hoạt động thi hành án dân sự theo pháp luật Việt Nam, theo đó tác giả tập trung vào hai trường hợp phổ biến là xác định giá trị tài sản được bồi thường và thời điểm xác định giá trị tài sản được bồi thường.

Vấn đề xác định thiệt hại được bồi thường khi tài sản không còn theo Điều 598 BLDS năm 2015, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 đã được quy định khá chi tiết và đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay thực tiễn xét xử đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị tài sản được bồi thường và thời điểm xác định giá trị tài sản được bồi thường.

1. Xác định giá trị tài sản được bồi thường

1.1. Quy định pháp luật có liên quan

Trong phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thiệt hại tồn tại khi tài sản bị mất (khoản 1 Điều 589 BLDS năm 2015), đối với Luật TNBTCNN năm 2017, tài sản bị mất không sử dụng được cũng được coi là thiệt hại được bồi thường (khoản 1 Điều 23). Bên cạnh đó Luật TNBTCNN năm 2017 còn coi tài sản bị phát mãi, bị mất là thiệt hại vì người có tài sản không thể nhận lại tài sản bị phát mại nên cũng coi họ có tài sản bị mất (khoản 1 Điều 23 Luật TNBTCNN năm 2017). Trước đây Luật TNBTCNN năm 2009 cũng quy định tài sản bị phát mãi là thiệt hại được bồi thường (khoản 1 Điều 45).

Về trường hợp xác định thiệt hại: “Giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 43 của Luật này hoặc tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 và Điều 55 của Luật này. Trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này thì giá trị thiệt hại vẫn được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường trước đó” (khoản 2 Điều 23 của Luật TNBTCNN năm 2017).

Để xác định mức bồi thường chúng ta phải xác định được tình trạng tài sản bị phát mại, bị mất khi không sử dụng được.

Ở đây, Luật TNBTCNN năm 2017, yêu cầu xem xét “mức độ hao mòn của tài sản” và Nghị định 68/2018 theo hướng “mức độ hao mòn của tài sản quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật TNBTCNN năm 2017 được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định”. Thực ra, khi xác định giá trị tài sản chúng ta phải lưu ý tới việc tài sản này mới hay đã sử dụng, và khi đã sử dụng rồi thì chỉ tính giá trị của tài sản sau khi sử dụng. Khi xem xét thực trạng tài sản bị mất, phát mãi, hư hỏng, khi không sử dụng được chúng ta cũng cần quan tâm tới thời điểm xác định. Ở đây, khoản 1 Điều 23 Luật TNBTCNN năm 2017 theo hướng hướng “…là thời điểm thiệt hại xảy ra”. Tuy nhiên, “thời điểm thiệt hại xảy ra” là khái niệm chưa rõ và Nghị định 68/2018 xác định đó là “ngày phát sinh thiệt hại thực tế” (khoản 7 Điều 3) .

Trước đây, tại khoản 1 Điều 45 Luật TNBTCNN năm 2009 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, theo đó: “1. Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đã bị phát mại, bị mất trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường”. Hiện nay, khoản 1 Điều 23 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này”. Liên quan đến thị trường, khoản 1 Điều 3 Nghị định 68/2018 hướng dẫn “Giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng trên thị trường quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường của 03 tài sản đó do 03 cơ sở kinh doanh khác nhau trên thị trường cung cấp”, ở đây theo hướng “là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường cung cấp”, đi xa hơn vấn đề Nghị định 68/2018 cũng đã xác định “Thị trường quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật là thị trường trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là thị trường cấp huyện) nơi phát sinh thiệt hại thực tế”.

1.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật

Cả Luật TNBTCNN năm 2017 và Nghị định 68/2018 đều không quy định rõ cách thức cũng như chi tiết việc xác định giá trị tài sản được bồi thường, so sánh với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong dân sự cũng không quy định rõ. Hiện nay, trong thực tiễn xét xử đặt ra vấn đề là xác định tình trạng tài sản để xác định giá trị tài sản yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra, qua nghiên cứu một số bản án tác giả nhận thấy, trong thực tiễn xét xử tại Toà án vẫn còn một số tồn tại sau:

Thứ nhất, Giá được xác định dựa vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.Vấn đề đặt ra là xác định vào giá thị trường như thế nào? Tòa án có thể dựa vào căn cứ là hóa đơn, chứng từ thực tế? Căn cứ vào chứng thư định giá của tổ chức thẩm định giá? Hay áp dụng khung giá của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành lập hội đồng định giá trong tố tụng dân sự. Trong một số trường hợp, Toà án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải bồi thường căn cứ vào kết quả thẩm định giá tài sản - giá của cơ quan định giá.

Thứ hai, trường hợp các bên đương sự đạt được thỏa thuận thì chúng ta có nên theo giá trị mà các bên đã được thỏa thuận hay không?

Ngoài ra, hiện nay một số Tòa án xác định mức bồi thường thiệt hại theo hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, đây là xác định tài sản ở trạng thái tài sản mới, trong khi đó tài sản khi bị gây thiệt hại đã được sử dụng nên không còn trạng thái mới nữa, giá trị không còn như ban đầu. Trong trường hợp này, cần xác định giá trị của tài sản bị thiệt hại ở trạng thái đang có ở thời điểm không sử dụng tài sản (nên thấp hơn giá trị ở tình trạng mới).

Theo quan điểm của tác giả, nếu căn cứ vào kết quả thẩm định giá tài sản tại thời điểm tranh chấp để xác định giá trị bồi thường thì chỉ mang tính chất tương đối cũng chưa thật sự thuyệt phục, vì tổ chức thẩm định giá theo yêu cầu của đương sự sẽ không thật sự vô tư khách quan khi đưa ra mức giá vì chính đương sự là người phải bỏ tiền ra thuê và hiện nay vấn đề thuê tổ chức thẩm định giá tư nhân cũng xuất hiện bất cập. Để thật sự khách quan nên thành lập Hội đồng định giá của cơ quan chuyên môn trong tố tụng dân sự xác định giá trị thiệt hại sẽ chính xác hơn. Chúng ta chỉ sử dụng chứng thư thẩm định giá khi các đương sự thống nhất với chứng thư và không yêu cầu định giá lại. Nếu trong trường hợp bị đơn bất hợp tác trong quá trình định giá và xác định thiệt hại hoặc không thể xác định được giá trị thiệt hại thì coi như từ bỏ quyền lợi của mình được pháp luật bảo vệ và trong trường hợp này Tòa án đã căn cứ vào chứng cứ khác để buộc chấp nhận bồi thường là thuyết phục.

1.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Tác giả kiến nghị Bộ Tư pháp nên ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định 68/2018 về việc xác định giá trị thiệt hại là tài sản theo hướng như sau:

Thứ nhất, Trong trường hợp để xác định giá trị tài sản thiệt hại cần thành lập Hội đồng định giá của cơ quan chuyên môn theo quy định của BLTTDS để xác định giá trị thiệt hại. Chúng ta chỉ sử dụng chứng thư thẩm định giá khi các đương sự thống nhất với chứng thư và không yêu cầu định giá lại. Không sử dụng hóa đơn chứng từ để xác định giá trị thiệt hại tài sản vì đây là xác định tài sản ở trạng thái tài sản mới, trong khi đó tài sản lúc bị gây thiệt hại đã được sử dụng nên không còn trạng thái mới nữa, giá trị không còn như ban đầu.

Thứ hai, Để xác định chính xác mức bồi thường, Toà án phải yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định xác định rõ giá trị tài sản bị mất, phát mãi, không sử dụng được. Nếu như đương sự không hợp tác thì Tòa án không thể tiến hành trưng cầu cơ quan chuyên môn thực hiện được và trong trường hợp này Tòa án có thể xác minh thu thập chứng cứ khác để giải quyết vụ án.

Thứ ba, Nếu như các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận thì chúng ta có nên theo giá trị mà các bên đã được thỏa thuận.

1.2. Thời điểm xác định giá trị tài sản được bồi thường

2.1. Quy định pháp luật

Về thời điểm xác định giá trị tài sản, được quy định tại khoản 2 Điều 22 và Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.

Những nội dung đã được sửa đổi trong Luật TNBTCNN năm 2017 là cụ thể, rõ ràng hơn nhưng có điểm chưa thuyết phục. Bởi lẽ, từ thời điểm thụ lý đến thời điểm người bị thiệt hại nhận được tiền bồi thường thì khoảng thời gian này thường rất dài và giá cả thường có biến động do tiền mất giá, có lẽ sẽ là thuyết phục khi chúng ta tính thêm tiền lãi chậm thanh toán đối với giai đoạn từ thời điểm thụ lý đến thời điểm nhận tiền bồi thường .

2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật

Hiện nay vấn đề xác định giá trị tài sản được bồi thường vẫn còn có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau, mỗi nơi, mỗi Tòa án áp dụng khác nhau dẫn đến không thống nhất trong thực tiễn xét xử. Có nơi, Tòa án xác định: thời điểm xác định giá trị tài sản được bồi thường tại “thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường” có nơi Tòa án lại xác định vào “thời điểm tranh chấp”, rõ ràng hai khoảng thời gian này là hoàn toàn khác nhau. Tác giả cho rằng căn cứ vào kết quả thẩm định giá tài sản tại “thời điểm tranh chấp” để xác định giá trị bồi thường là chưa phù hợp, không đúng với tinh thần của văn bản hướng dẫn xác định “Giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường”. Tác giả cho rằng, “thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường” và “thời điểm tranh chấp” là hai khoảng thời gian là hoàn toàn khác nhau về xác định thời điểm tính giá trị thiệt hại được bồi thường. Như vậy, việc bồi thường thiệt hại được xác định căn cứ vào thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và quan điểm này cũng cần được ghi nhận chấp nhận trong thực tiễn xét xử.

Về vần đề này có quan điểm của các chuyên gia cũng có ý kiến : Giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường là không hợp lý vì từ thời điểm thụ lý đến thời điểm người bị thiệt hại nhận được tiền bồi thường thì khoảng thời gian này thường rất dài và giá cả thường có biến động do tiền mất giá, và có nhiều quan điểm cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu tính thêm tiền lãi chậm thanh toán.

Tác giả cho rằng quan điểm này là hợp lý vì thời gian yêu cầu giải quyết bồi thường và thời điểm xét xử vụ án cũng như đến khi người yêu cầu nhận được khoảng tiền bồi thường sẽ rất lâu, sẽ có nhiều biến động. Tuy nhiên, khi Tòa án ra bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không trả số tiền nêu trên thì còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi theo mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 tương ứng với thời gian chậm thi hành án. Do đó, việc tính thêm tiền lãi chậm trả là đương nhiên và hợp lý. Theo tác giả, trong trường hợp giá cả có sự biến động mạnh thì có thể cho phép người yêu cầu bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu tính giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm xét xử trước khi Tòa án ra bản án. Thiết nghĩ, trong thời gian tới rất cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Theo tác giả, nên có hướng dẫn cụ thể về cách xác định thiệt hại trong trường hợp xem xét các khoản lãi phát sinh, đồng thời hướng dẫn áp dụng dẫn chiếu cách tính lãi xuất tương tự các quy định trong tố tụng dân sự.

2.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Tác giả kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định 68/2018 về việc xác định thời điểm xác định giá trị tài sản được bồi thường theo hướng:

Giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và tính thêm tiền lãi chậm trả từ khi thụ lý hồ sơ cho đến khi thi hành án.

Do quy định hiện nay là không hợp lý vì từ thời điểm thụ lý đến thời điểm người bị thiệt hại nhận được tiền bồi thường thì khoảng thời gian này thường rất dài và giá cả thường có biến động do tiền mất giá. Tác giả cho rằng thời gian yêu cầu giải quyết bồi thường và thời điểm xét xử vụ án cũng như đến khi người yêu cầu nhận được khoảng tiền bồi thường sẽ rất lâu, sẽ có nhiều biến động về giá cả và thiệt hại cho người người được bồi thường. Theo tác giả, trong trường hợp giá cả có sự biến động mạnh thì có thể cho phép người yêu cầu bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu tính giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm xét xử trước khi Tòa án ra bản án. Việc yêu cầu này là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự. Thiết nghĩ, trong thời gian tới rất cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

 

TAND Tp HCM xét xử vụ hành khách khởi kiện công ty xe khách yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe - Ảnh: Thanh Nghị

QUẢNG THỊ KIỀU DIỄM (TAND huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)