Ủy quyền khiếu nại trong vụ án hôn nhân gia đình

Sau khi đọc bài “Ủy quyền trong vụ án ly hôn, được hay không?” của tác giả Ngọc Oanh, đăng ngày 24/10/2021 và bài “Bàn về ủy quyền khởi kiện trong tố tụng dân sự” của tác giả Nguyễn Văn Tiến, đăng ngày 08/02/2023, tôi xin trao đổi thêm vấn đề ủy quyền khiếu nại trong vụ án ly hôn.

 

1. Quy định của pháp luật về ủy quyền khiếu nại và ủy quyền tham gia tố tụng

1.1. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011[1] như sau: “1. Người khiếu nại có các quyền sau đây: a) Tự mình khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; …

b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình…”.

1.2. Đại diện thực hiện việc khiếu nại được quy định tại Điều 5 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020[2] như sau: “1. Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại…”.

1.3. Điều kiện thụ lý khiếu nại được quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020[3] như sau: “…Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại;

1.4. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự được quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS năm 2015[4] như sau:“Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.

Quy định pháp luật nêu trên qua thực tiễn giải quyết về vấn đề ủy quyền khiếu nại trong vụ án Hôn nhân gia đình có những quan điểm khác nhau, thông qua ví dụ như sau:

2. Thực tiễn áp dụng pháp luật

2.1. Ngày 13/8/2022, Toà án thành phố NT thụ lý vụ án ly hôn giữa nguyên đơn ông Dương Văn T và bị đơn bà Võ Thị D. Nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với bị đơn và con chung, không yêu cầu giải quyết tài sản chung.

Ngày 23/8/2022, Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, các bên đã thống nhất các vấn đề về: Ly hôn, con chung, tài sản chung không yêu cầu Tòa án giải quyết. Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, cụ thể: Nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; con chung: Giao một con chung cho nguyên đơn trực tiếp nuôi dưỡng, nguyên đơn không yêu cầu bị đơn cấp dưỡng nuôi con chung; tài sản chung: Nguyên đơn, bị đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết[5].

Ngày 26/8/2022, bị đơn bà D thay đổi ý kiến biên bản hòa giải thành kèm theo nộp đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung.

Ngày 26/8/2022, Tòa án tiến hành thụ lý bổ sung đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn vào vụ án trên.

Ngày 27/8/2022, nguyên đơn ông T vì bận công tác xa nên đã ủy quyền cho ông M khiếu nại Thông báo thụ lý bổ sung yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn (có giấy ủy quyền bản chính đã được công chứng, chứng thực).[6]

2.2. Như vậy, việc nguyên đơn ông T ủy quyền cho ông M khiếu nại trong trường hợp này có được hay không? Hiện pháp luật chưa có quy định đối với trường hợp này dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm 1: Căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS năm 2015, đối với ví dụ nêu trên thì ông T không thể ủy quyền cho ông M thay ông T đến Tòa án để giải quyết việc chia tài sản chung trong vụ án ly hôn. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 39 về quyền nhân thân tại BLDS hiện hành thì:1.Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác … 2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật Hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan”.

Ly hôn là quyền nhân thân nên không thể ủy quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình[7]. Nhưng đối với yêu cầu chia tài sản chung và nợ chung, đương sự muốn ủy quyền cho luật sư hay cho người đại diện thì có được hay không vẫn còn là vấn đề đang được tranh luận?

Quan điểm này cho rằng, trong một vụ ly hôn, cho dù chỉ là quan hệ tranh chấp về phần tài sản chung, nợ chung thì đương sự cũng không được ủy quyền cho người khác vì đây là một trong ba yêu cầu của một vụ ly hôn mà tòa đang giải quyết. Xét về đặc thù của vụ án hôn nhân gia đình có mối quan hệ chặt chẽ giữa ly hôn, con chung và tài sản chung. Như vậy việc ủy quyền tham gia giải quyết vụ án ly hôn có những điểm khác biệt so với những vụ án dân sự thông thường khác về mức độ liên kết, chặt chẽ giữa quan hệ hôn nhân đối với con chung và vai trò chi phối, phụ thuộc giữa quan hệ hôn nhân đối với tài sản chung[8]. Như vậy, ông T không được ủy quyền cho người khác để đến Tòa giải quyết cho ly hôn, yêu cầu được nuôi con chung, yêu cầu cấp dưỡng và yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung dẫn đến áp dụng tương tự ông T cũng không được ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại thay mình tham gia tố tụng tại Tòa án về vấn đề chia tài sản chung trong vụ án ly hôn này.

Thẩm phán quyết định: Không chấp nhận việc nguyên đơn ông T ủy quyền cho ông M khiếu nại Thông báo thụ lý bổ sung yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn mà Tòa án đã ban hành.

Quan điểm 2: Theo Điều 186 BLTTDS năm 2015 quy định về Quyền khởi kiện vụ án: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình."

Theo đó, khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, pháp nhân hoặc thông qua người đại diện để thực hiện quyền khởi kiện của mình.  Như vậy, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị các chủ thể khác xâm phạm hoặc có thể ủy quyền cho người đại diện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Xét về mặt bản chất pháp lý đối với quyền được ủy quyền của đương sự: Trường hợp đương sự không tự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Người đại diện theo ủy quyền được hiểu là người thay mặt đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự. Trong thực tiễn, rất nhiều trường hợp đương sự thường không có kinh nghiệm tham gia tố tụng và thiếu sự hiểu biết pháp luật đầy đủ. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho đương sự, BLTTDS quy định đương sự có thể ủy quyền cho luật sư hoặc người khác đại diện tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong mọi việc, ngoại trừ đối với việc ly hôn vì liên quan đến quan hệ tình cảm và nhân thân giữa các đương sự.

Thông qua quyền khởi kiện và quyền được ủy quyền tham gia tố tụng của đương sự được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự nêu trên, đối với trường hợp khởi kiện xin ly hôn, quyền được nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng là quyền nhân thân nên không thể ủy quyền, còn đối với việc ủy quyền yêu cầu chia tài sản chung thì vẫn có thể thực hiện được. Vì yêu cầu chia tài sản chung trong một vụ án ly hôn không liên quan gì đến quyền nhân thân, nên việc ủy quyền sẽ không làm ảnh hưởng đến việc xét xử. Bởi, khi nói đến tài sản, theo Điều 105 BLDS năm 2015[9]: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Vậy khi ly hôn, vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung chính là chia vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tại Điều 115 BLDS năm 2015[10] quy định quyền tài sản là: “Quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 39 BLDS năm 2015[11] đã quy định quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình thì chỉ không cho phép ủy quyền trong việc ly hôn, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình chứ không cấm ủy quyền trong các vấn đề khác. Thực tế, có rất nhiều trường hợp đương sự không đề cập đến việc chia tài sản chung trong vụ án ly hôn, sau đó mới khởi kiện bằng một vụ án khác để nhờ Tòa án giải quyết thì một trong các bên vẫn có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện. Việc giải quyết vụ án chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn được giải quyết theo thủ tục các vụ án dân sự thông thường khác, do đó các bên đương sự hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện.

Pháp luật chỉ đưa ra những quy định về quyền ủy quyền khiếu nại chung, tuy nhiên đối với đặc thù của vụ án ly hôn thì vấn đề ủy quyền khiếu nại trong pháp luật tố tụng lại không quy định. Tòa án áp dụng tương tự đối với trường hợp ủy quyền chung và quyết định nguyên đơn ông T được quyền ủy quyền cho ông M khiếu nại Thông báo thụ lý bổ sung yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn mà Tòa án đã ban hành và Tòa án tiến hành thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật. Quan điểm này phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về người đại diện và đúng với tinh thần Hiến pháp năm 2013. Đây cũng chính là quan điểm của tác giả. Quan điểm 1 đã hạn chế quyền tự do định đoạt của đương sự vì họ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện thì cũng có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phù hợp với quy định tại các điều 186, 189 của BLTTDS năm 2015.

2.3. Từ những phân tích trên có thể thấy, việc thực hiện quyền khiếu nại và ủy quyền khiếu nại của đương sự có tác động to lớn tới quá trình giải quyết vụ án nhằm giúp vụ án được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Để tránh cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc vận dụng và áp dụng pháp luật để giải quyết khác nhau của các Tòa án, tác giả kiến nghị TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể, tạo mọi điều kiện để đương sự thực hiện quyền khiếu nại và quy định thêm quyền được ủy quyền khiếu nại trong vụ án hôn nhân gia đình có yêu cầu giải quyết về tài sản chung và nợ chung.

Khiếu nại là một quyền đặc trưng của đương sự trong vụ án dân sự. Việc ủy quyền khiếu nại của đương sự và giải quyết khiếu nại đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán trong vụ án dân sự nói chung và vụ án ly hôn nói riêng không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chính người khiếu nại mà còn đảm bảo quyền lợi cho các đương sự khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi cá nhân về vấn đề Ủy quyền khiếu nại trong vụ án Hôn nhân gia đình” mà thực tế hiện nay còn có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau, hiện Hội đồng Thẩm phán TANDTC đang có dự thảo về Luật Hôn nhân gia đình, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp để góp phần hoàn thiện dự thảo và việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

 

TAND huyện Chư Sê, Gia Lai xét xử vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyễn Ngân

 

[1]Khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại năm 2011;

[2] Điều 5 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020;

[3] Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 ;

[5] Công văn số 55/TANDTC ngày 20/3/2018 v/v tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

[6] Ví dụ tại Bài viết: “Quyền phản tố của bị đơn và giải quyết khiếu nại đối với yêu cầu phản tố trong vụ án hôn nhân gia đình” của tác giả, đăng ngày 14/11/2022 trên Tạp chí TAND điện tử;

[7] Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình;

[8] Mục 7 phần III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về “Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử”

[9] Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015;

[10] Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015;

[11] Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015

NGUYỄN THỊ HỒNG NGỌC (TAND Tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)