Phạm vi áp dụng của Công ước CISG cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa thế giới đang điều chỉnh các giao dịch chiếm khoảng 80% thương mại hàng hóa thế giới. Công ước này đã có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm 2017. Bài viết giới thiệu ngắn gọn về Công ước, phân tích tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của Công ước và phạm vi áp dụng của Công ước. Sau đó, bài viết so sánh việc áp dụng Công ước trong tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài và bình luận những trường hợp Công ước không áp dụng.
Bài viết còn bình luận cách thức các bên thực hiện để loại trừ áp dụng Công ước. Cuối cùng, bài viết phân tích mối quan hệ của công ước với luật quốc gia cũng như khả năng kết hợp áp dụng của công ước với Điều kiện thương mại quốc tế Incoterms và Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế. Những công cụ trên dù khác nhau ở mức độ khái quát và tính cụ thể nhưng có thể sử dụng bổ sung cho nhau điều chỉnh một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
I.Giới thiệu về Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)
CISG có lẽ là nỗ lực hài hòa pháp luật trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thành công nhất trong trong lịch sử. Theo một thống kê, có ít nhất 3000 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó tòa án và trọng tài áp dụng CISG để giải quyết.[1]
Hầu hết những người trong nghề luật có lẽ đều nghe đến hoặc biết về CISG. Là một công ước do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo và thông qua tại Viên năm 1980, CISG là công ước thành công nhất trong lĩnh vực này, chấm dứt vai trò (không hiệu quả) của hai công ước LaHay năm 1964 về mua bán quốc tế động sản hữu hình.
Sự thành công của CISG thể hiện rõ nhất ở số thành viên 88 hiện tại của nó, bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Pháp. Việt Nam đã là thành viên của công ước này và công ước đã có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 01.01.2017. Từ thời điểm này hầu hết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giao kết giữa thương nhân Việt Nam và các nước thành viên công ước sẽ được điều chỉnh bởi công ước.
Mục tiêu của CISG được nêu trong lời nói đầu của công ước, rằng: “thống nhất luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Giảm xung đột pháp luật, hạn chế tranh chấp phát sinh; Tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa các quốc gia”.
II.Tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo Điều 1 CISG, các bên trong hợp đồng phải có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau. Công ước không dùng các tiêu chí như nơi giao kết hợp đồng hay nơi thực hiện hợp đồng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mà chỉ dựa vào việc các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Ví dụ như hai thương nhân đều có địa điểm kinh doanh ở Úc giao kết hợp đồng và hàng giao từ Trung Quốc đến Singapore, CISG sẽ không áp dụng. Trong khi đó, nếu hợp đồng được giao kết giữa thương nhân Úc và thương nhân Việt Nam với hàng giao từ Trung Quốc đến Singpapore, yếu tố quốc tế theo CISG được thỏa mãn. Nghĩa vụ chứng mình sẽ thuộc về bên yêu cầu áp dụng CISG.[2]
Tiêu chí về tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa theo CISG có khác biệt so với pháp luật Việt Nam. Luật Thương mại Việt Nam 1997 dựa vào tiêu chí quốc tịch của các thương nhân khi định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài ở Điều 80[3]. Trong khi đó, Điều 1.3[4] CISG nói rõ là Công ước không xem xét đến yếu tố quốc tịch của các bên khi xác định phạm vi áp dụng Công ước. Luật Thương mại 2005 Điều 27 thì quy định mua bán hàng hóa được xác định theo phương pháp liệt kê: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu. Tiêu chí để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định này là sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới hải quan. Trong khi đó CISG không quy định tiêu chí phải có sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới mà chỉ cần các bên có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng theo Điều 1.2 CISG, Công ước sẽ không áp dụng nếu việc hai bên có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau là không thể nhận biết được trong hợp đồng, trong các giao dịch trước đó giữa các bên và trong thông tin trao đổi giữa các bên vào bất kì thời đ iểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Thêm nữa, trường hợp một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh, theo Điều 10, địa điểm kinh doanh được xác định là nơi có mối quan hệ gần gũi nhất với việc giao kết và thực hiện hợp đồng, có xem xét đến hoàn cảnh mà các bên biết hoặc dự liệu vào bất kì thời điểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Mối quan hệ gần gũi nhất ở đây khá khó để xác định không chỉ riêng trong CISG. Khi xác định luật áp dụng cho trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận luật áp dụng của các bên, cơ quan tài phán cũng phải tìm luật của nước có mối liên hệ gần gũi với hợp đồng. Mối quan hệ gần gũi nhất có nghĩa gì? Điều 4 Nghị định Rome I về luật áp dụng cho hợp đồng của Liên minh Châu Âu sử dụng một loạt các tiêu chí để xác định nước có mối liên hệ gần gũi nhất, như nơi thực hiện nghĩa vụ đặc trưng, nơi cư trú thường xuyên, địa điểm kinh doanh chính…Cũng theo Nghị định Rome I này, những tiêu chí này sẽ không áp dụng nếu nghĩa vụ đặc trưng của hợp đồng không xác định được hoặc rõ ràng có nước khác có mối liên hệ gần gũi hơn với hợp đồng. Tóm lại, mối liên hệ gần gũi này nhìn chung không rõ ràng và có thể bị sử dụng để biện luận theo hướng kết quả mà chủ thể biện luận mong muốn. Đối với Điều 10 CISG, mối quan hệ gần gũi nhất phải được xem xét đối với việc giao kết và thực hiện hợp đồng. Toàn bộ giai đoạn chào hàng, chấp nhận chào hàng đến quá trình thực hiện hợp đồng có liên hệ nhiều nhất với địa điểm kinh doanh nào? Một yếu tố cũng có thể được đưa vào xem xét để xác định mối quan hệ gần gũi nhất với một địa điểm kinh doanh là khả năng để duy trì tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa, tức là địa điểm kinh doanh ở nước khác với nước có địa điểm kinh doanh của đối tác sẽ là một yếu tố cân nhắc thiêng về địa điểm kinh doanh ở nước khác đó.[5]
III. Phạm vi áp dụng của CISG
Khi CISG có hiệu lực ở Việt Nam, câu hỏi phổ biến được đặt ra là khi nào thì CISG được áp dụng và khi nào thì Luật Thương mại Việt Nam áp dụng. Những trường hợp CISG được áp dụng được quy định trong Điều 1.1 của công ước này, như sau:
“Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các Quốc gia khác nhau. a.Khi các Quốc gia này là các Quốc gia thành viên của Công ước; hoặc`b.Khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một Quốc gia thành viên Công ước.”
Như vậy, CISG được áp dụng trong 2 trường hợp: 1.) Khi các bên có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên Công ước (Điều 1.1.a); 2.) Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của nước thành viên CISG (Điều 1.1.b).
Trường hợp thứ nhất là trường hợp áp dụng phổ biến của CISG. Ví dụ: hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có trụ sở ở Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc,…Vì Việt Nam và các nước này đều là thành viên công ước nên CISG là luật áp dụng thay cho luật quốc gia. Một vấn đề băn khoăn ở đây là: liệu trường hợp trong Điều 1.1.a này có làm mất hiệu lực của quyền chọn luật áp dụng của các bên cho hợp đồng của mình? Tức là, nếu các bên dù đến từ các quốc gia thành viên công ước, nhưng không muốn CISG áp dụng mà muốn áp dụng luật một quốc gia cụ thể thì có được không? Câu trả lời là, các bên có thể loại trừ việc áp dụng CISG bằng hai cách. Thứ nhất, các bên có thể chọn luật của một nước không phải thành viên CISG, ví dụ như luật Anh, khi đó luật quốc gia Anh là luật áp dụng dù các bên có trụ sở thương mại ở các nước thành viên CISG. Thứ hai, nếu các bên muốn chọn luật quốc gia của một nước thành viên công ước, ví dụ như luật quốc gia Việt Nam, thì các bên phải nêu cụ thể trong điều khoản chọn luật trong hợp đồng không những rằng các bên chọn luật Việt Nam mà còn rõ ràng rằng CISG không áp dụng để điều chỉnh các vấn đề của hợp đồng giữa họ. Như vậy, các bên phải thẳng thừng loại bỏ sự áp dụng của CISG, nếu không CISG vẫn được áp dụng vì Việt Nam là một nước thành viên. Và như vậy là, CISG thực ra không hề tiêu trừ quyền chọn luật của các bên. Ưu tiên đầu tiên trong thứ tự chọn luật áp dụng vẫn dành cho nguyên tắc đó.
Trường hợp thứ 2 là trường hợp phức tạp cần được giải thích kỹ. Thật ra, trường hợp thứ hai này bao gồm hai tình huống cụ thể. Tình huống thứ nhất là khi áp dụng các quy phạm xung đột trong Tư pháp quốc tế của một nước (thông thường là nước có tòa án đang giải quyết tranh chấp) dẫn chiếu đến luật của một quốc gia thành viên công ước. Thứ hai là tình huống các bên lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng là luật của một nước thành viên CISG, bởi vì quy tắc các bên trong hợp đồng được tự do lựa chọn luật áp dụng là nguyên tắc thông dụng và cốt lõi của Tư pháp quốc tế về hợp đồng.
Trường hợp thứ hai ở trên là trường hợp CISG áp dụng gián tiếp, việc giải thích gặp khó khăn hơn hẳn trường hợp đầu tiên. Khi một bên hoặc cả hai bên không phải là thành viên của công ước, CISG vẫn có khả năng được áp dụng nhờ vào trường hợp thứ hai này. Để dễ hình dung, chúng ta lấy một ví dụ: Người bán (Việt Nam) bán một lô cà phê cho người mua (Indonesia). Tranh chấp phát sinh và người mua kiện người bán ra Tòa án thành phố Hồ Chí Minh. CISG có áp dụng cho trường hợp này không?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải phân tích từng bước như sau: Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tranh chấp sẽ sử dụng Tư pháp quốc tế Việt Nam. Quy phạm xung đột cho hợp đồng hiện hành là Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 683.2.a[6], nếu các bên không thỏa thuận luật áp dụng thì luật của nước có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng là luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân (đối với hợp đồng mua bán hàng hóa). Nơi này chính là Việt Nam. Như vậy, quy tắc xung đột hợp đồng của Tư pháp quốc tế Việt Nam dẫn chiếu đến luật Việt Nam, mà Việt Nam là một quốc gia thành viên công ước CISG nên CISG được áp dụng thay cho luật quốc gia Việt Nam (kết quả áp dụng Điều 1.1.b).
Qua ví dụ trên ta thấy rõ hơn ý nghĩa của “các nguyên tắc Tư pháp quốc tế” diễn tả trong Điều 1.1.b CISG, và lưu ý rằng đó là các quy tắc xung đột của quốc gia có tòa án giải quyết vụ việc. Còn đối với Trọng tài quốc tế, vì trọng tài nhìn chung ít bị ràng buộc với Tư pháp quốc tế của một quốc gia nhất định, nên các quy tắc xung đột được chọn có thể là quy tắc thông dụng hoặc theo một quốc gia nào đó mà Trọng tài thấy phù hợp, thông thường là của quốc gia nơi xét xử trọng tài.
Thêm một tình huống đáng lưu ý từ ví dụ trên là nếu các bên trong hợp đồng mua bán cà phê đó có thỏa thuận chọn luật của một nước thành viên Công ước nhưng quốc gia này bảo lưu Điều 1.1.b theo quy định tại Điều 95[7] Công ước. Khi đó luật quốc gia này sẽ áp dụng hay CISG. Thực tế có một số quốc gia[8] có bảo lưu như vậy vì họ không muốn CISG thay thế luật nội địa của họ trong những hợp đồng có một bên có trụ sở ở quốc gia không phải là thành viên Công ước. Trong trường hợp các bên chọn luật các nước này thì CISG sẽ không áp dụng ưu tiên so với luật quốc gia. Nói cách khác, đây là thêm một trường hợp loại trừ áp dụng Công ước.
IV.Áp dụng CISG trong tố tụng Trọng tài
Tố tụng trọng tài có nhiều điểm khác biệt so với tố tụng Tòa án. Nếu vụ kiện được xét xử bởi Trọng tài, câu hỏi thường đặt ra là Trọng tài sẽ xác định liệu vụ việc có rơi vào phạm vi áp dụng của CISG không bằng cách nào? Thông thường, vấn đề sẽ ít phức tạp hơn khi các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Họ có thể chọn luật của một nước thành viên Công ước (khi đó CISG sẽ áp dụng) hoặc loại trừ việc áp dụng Công ước. Thêm nữa, các bên thậm chí có thể chọn thẳng Công ước điều chỉnh hợp đồng.
Nếu không có thỏa thuận chọn luật của các bên, hội đồng trọng tài không giống tòa án quốc gia và không chịu ràng buộc Điều 1.1.a Công ước dù cho tổ chức trọng tài có nằm ở nước thành viên hay không. Tuy nhiên, nếu các quy tắc trọng tài yêu cầu hội đồng trọng tài áp dụng các quy tắc xung đột dẫn chiếu đến luật của một nước thành viên Công ước thì hội đồng trọng tài sẽ phải áp dụng CISG theo Điều 1.1.b. Trong trường hợp này nếu nước thành viên đưa ra bảo lưu theo Điều 95 CISG, hội đồng trọng tài phải tôn trọng sự bảo lưu này, tức là sẽ không áp dụng CISG mà áp dụng luật quốc gia đó.
Ngoài ra, trọng tài cũng có thể không cần áp dụng các quy phạm xung đột mà chọn Công ước áp dụng ngay cả khi trường hợp đó nằm ngoài phạm vi áp dụng của Công ước.[9]
V.Các trường hợp CISG không áp dụng
CISG không áp dụng cho một số hợp đồng. Theo quy định tại Điều 2 CISG, những hợp đồng CISG không áp dụng được phân thành 3 nhóm chính dựa theo mục đích mà hàng hóa được mua bán, loại giao dịch giữa các bên và loại hàng hóa được bán.
Dựa vào mục đích của việc mua hàng, theo Điều 2.a, CISG không áp dụng nếu hàng được mua để phục vụ mục đích cá nhân hoặc gia đình. Tuy nhiên, nếu hàng được mua bởi một cá nhân cho mục đích kinh doanh, giao dịch đó sẽ được điều chỉnh bởi CISG. Theo đó, các giao dịch cụ thể như một người chụp ảnh chuyên nghiệp mua máy camera để dùng cho công việc, một doanh nghiệp mua xà phòng hay các sản phẩm vệ sinh văn phòng cho nhân viên dùng hay một người mua một xe máy cũ để bán lại đều thuộc phạm vi áp dụng của CISG.[10] Riêng đối với hợp đồng tiêu dùng, yếu tố quyết định cho việc CISG không áp dụng là ý định sử dụng của hàng hóa. Một hợp đồng tiêu dùng thuộc trường hợp loại trừ áp dụng CISG khi ý định dùng cho cá nhân hoặc gia đình được bên bán biết được trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ chứng minh rằng bên bán không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết ý định tiêu dùng của người mua thuộc về bên đòi sự áp dụng của CISG.[11]
Dựa vào loại giao dịch, theo Điều 2.b CISG không áp dụng cho các giao dịch bán đấu giá, bởi vì giao dịch bán đấu giá có các quy định đặc thù trong pháp luật của các quốc gia nên nên để những giao dịch này tiếp tục được điều chỉnh bởi những quy định đó mặc dù người đấu giá thành công có thể đến từ một quốc gia khác. Điều 2.c loại trừ việc áp dụng CISG cho những giao dịch mua bán hàng hóa để thi hành luật hoặc các quyết định tư pháp, bởi vì các giao dịch này thường chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù theo pháp luật quốc gia nơi giao dịch được thực hiện. Thêm nữa, những giao dịch này không cấu thành một phần quan trọng của thương mại quốc tế và vì thế có thể được xem như những giao dịch nội địa. Điều 2.d loại trừ các giao dịch mua bán chứng khoán, bởi vì những giao dịch này liên quan đến những vấn đề khác với thương mại hàng hóa thông thường, và một số hệ thống pháp luật không xem chứng khoán là một loại hàng hóa.
Dựa vào loại hàng hóa, Điều 2.e loại trừ áp dụng CISG cho những giao dịch mua bán tàu thủy, máy bay, thủy phi cơ. Điều 2.f loại trừ áp dụng Công ước cho giao dịch mua bán điện năng[12] trên cơ sở rằng trong một số hệ thống pháp luật, điện năng không được xem hàng hóa và mua bán quốc tế điện năng liên quan đến những vấn đề đặc thù so với những vấn đề thông thường của mua bán hàng hóa quốc tế.[13]
Một trường hợp khác mà CISG không áp dụng được quy định trong Điều 3 và liên quan đến các hợp đồng cung ứng dịch vụ. Điều 3.1 quy định rằng CISG sẽ vẫn áp dụng cho hợp đồng cung ứng hàng hóa được chế tạo hoặc sản xuất theo yêu cầu của người mua bởi hợp đồng như vậy vẫn được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa như những hợp đồng mua bán hàng hóa sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, đoạn cuối của Khoản 1 này loại trừ áp dụng Công ước cho những hợp đồng như vậy nhưng bên mua cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa đó. Vì lúc đó, hợp đồng sẽ gần hơn với hợp đồng cung ứng dịch vụ hoặc lao động hơn là mua bán hàng hóa.[14]
Tiếp theo Khoản 1, Khoản 2 của Điều 3 nhấn mạnh rằng Công ước sẽ không áp dụng đối với các hợp đồng mà trong đó, nghĩa vụ chủ yếu của bên giao hàng là cung ứng lao động hoặc các dịch vụ khác. Đây là trường hợp những hợp đồng không chỉ có nghĩa vụ giao hàng mà còn có những nghĩa vụ liên quan như thực hiện một công việc hay cung cấp một dịch vụ. Khi đó, muốn CISG áp dụng, nghĩa vụ giao hàng phải là chủ yếu. Để xác định được rằng nghĩa vụ giao hàng là chủ yếu so với các nghĩa vụ cung cấp dịch vụ đi kèm, giá trị kinh tế của hai nghĩa vụ phải được so sánh, kiểu như là hai hợp đồng riêng lẽ. Nếu nghĩa vụ cung cấp lao động hoặc dịch vụ lớn hơn 50% nghĩa vụ của người bán, Công ước sẽ không được áp dụng và ngược lại. Theo một án lệ,[15] trong hợp đồng tháo dỡ và bán một nhà chứa máy bay, Công ước áp dụng bởi vì giá trị của dịch vụ tháo dỡ chỉ chiếm 25% tổng giá trị hợp đồng. Cũng có tòa án cho rằng, vì việc tính toán so sánh cụ thể giá trị hàng hóa và dịch vụ của hợp đồng không phải lúc nào cũng có thể làm được, nên những yếu tố khác như hoàn cảnh liên quan đến sự giao kết hợp đồng, mục đích của hợp đồng nên được xem xét khi đánh giá liệu nghĩa vụ cung cấp dịch vụ có chủ yếu hay không.[16]
Trường hợp CISG bị loại trừ áp dụng nữa là đối với trách nhiệm của bên bán trong trường hợp hàng hóa gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của một người nào đó.[17] Lý do là CISG không cạnh tranh với luật quốc gia về trách nhiệm sản phẩm.[18]
VI.Các bên từ chối áp dụng CISG
Điều 6 CISG quy định rằng các bên có thể loại trừ việc áp dụng Công ước này hoặc loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của bất kì điều khoản nào của Công ước. Như vậy Điều 6 đưa ra hai trường hợp loại trừ: đó là loại trừ toàn bộ việc áp dụng Công ước hoặc loại trừ hiệu lực của một vài điều khoản riêng lẽ của Công ước.
Quyền loại trừ sự áp dụng của Công ước cho hợp đồng của các bên là một quyền được thừa nhận trong Tư pháp quốc tế, thể hiện nguyên tắc tự do hợp đồng. Thông thường các bên loại trừ việc áp dụng Công ước bằng cách đưa vào hợp đồng một điều khoản thỏa thuận chọn luật áp dụng là luật của một quốc gia nhất định. Cách này áp dụng dễ dàng cho trường hợp một hoặc cả các bên không có địa điểm kinh doanh tại nước thành viên Công ước. Và ngay cả khi các bên có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia thành viên Công ước, họ vẫn được quyền loại trừ việc áp dụng Công ước. Nếu luật được chọn là luật của một nước không phải thành viên CISG thì luật nước đó sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, nếu luật quốc gia được chọn lại là luật của nước thành viên Công ước (và quốc gia này không bảo lưu Điều 1.1.b CISG) thì CISG vẫn được áp dụng vì CISG đã là một bộ phận của luật quốc gia đó. Vậy nên trong trường hợp này, để không áp dụng CISG các bên phải thỏa thuận cụ thể thêm việc loại trừ CISG theo Điều 6 của Công ước. Có nghĩa là trong điều khoản chọn luật áp dụng, các bên ngoài việc quy định luật quốc gia được chọn còn phải quy định rõ ràng CISG không được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề của hợp đồng đó.
Bên cạnh loại trừ áp dụng toàn bộ Công ước, Điều 6 còn cho phép các bên loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của các điều khoản của Công ước cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ.
VII. Quan hệ giữa CISG với luật quốc gia thành viên và Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế
Nguyên tắc chung là CISG được ưu tiên áp dụng so với luật quốc gia các nước thành viên. Tuy nhiên, CISG không có quy định cho khá nhiều vấn đề pháp lý. Khi đó luật quốc gia thành viên sẽ là luật áp dụng bổ sung cho những vấn đề CISG không điều chỉnh. Luật quốc gia này sẽ là luật được xác định theo các quy tắc của Tư pháp quốc tế tương tự như đã phân tích ở phần trên.[19] Lấy lại ví dụ về hợp đồng cà phê trên, CISG không điều chỉnh vấn đề chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa[20] (mặc dù CISG có điều chỉnh việc chuyển rủi ro đối với hàng hóa trong Điều 66 đến Điều 70). Luật của quốc gia xác định theo nguyên tắc của Tư pháp quốc tế là luật sẽ điều chỉnh vấn đề này, ở hợp đồng cà phê này chính là Luật Việt Nam.
Một vấn đề được đặt ra nữa là liệu khi hợp đồng được điều chỉnh bởi CISG, nếu hợp đồng hoặc điều khoản nào của hợp đồng trái với trật tự công cộng theo luật quốc gia thành viên thì sẽ bị vô hiệu mặc dù hợp đồng được điều chỉnh bởi CISG.[21]
Bên cạnh mối quan hệ giữa CISG và luật quốc gia, mối quan hệ giữa CISG và Incoterms cũng thường được đặt ra. Những điều kiện cơ sở giao hàng của Incoterms điều chỉnh một số vấn đề về giao nhận, vận chuyển và bảo hiểm, chuyển rủi ro. Trong đó, những vấn đề như giao hàng và chuyển rủi ro cũng được CISG điều chỉnh, nhưng mức độ cụ thể và tinh tế không bằng Incoterms; và vì vậy các bên thường ưa chuộng các điều kiện Incoterms. Trong những trường hợp đó, các điều khoản Incoterms được chọn sẽ chiếm ưu thế so với các quy định liên quan của CISG. Incoterms lúc đó thường được tích hợp vào hợp đồng như là một phần của hợp đồng, và vì vậy sẽ được ưu tiên áp dụng so với CISG (theo quy định tại Điều 6 CISG[22]). Hoặc là incoterms được sử dụng như tập quán thương mại và cũng được áp dụng ưu tiên so với CISG (theo quy định tại Điều 9(2) CISG[23]).
Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) cũng như Incoterms, có thể được áp dụng kết hợp với CISG.[24] Tuy nhiên CISG lại chiếm ưu thế so với PICC. Thực ra, PICC có mức độ bao trùm cho các vấn đề về hợp đồng cao hơn CISG. PICC có quy định cho khá nhiều vấn đề mà CISG không điều chỉnh như: hiệu lực của hợp đồng, giải thích hợp đồng hay quyền đại diện. Nếu một hợp đồng có quy định rằng, hợp đồng của họ sẽ chịu sự điều chỉnh của CISG, Incoterms và PICC, thứ tự ưu tiên áp dụng sẽ là Incoterms rồi đến CISG sau cùng là PICC. Và sự kết hợp điều chỉnh hợp đồng của cả ba công cụ trên là hoàn toàn khả thi và hợp lý.
VIII. Kết luận
Khi một công ước quan trọng có phạm vi áp dụng gần như cho hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới có hiệu lực với Việt Nam, biết được khi nào công ước được áp dụng cho một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thay cho luật quốc gia là vấn đề luôn được đặt ra đầu tiên cho tòa án, trọng tài, luật sư cũng như các thương nhân. Cần nắm rõ rằng công ước được áp dụng chủ yếu trong ba trường hợp; thêm nữa mỗi trường hợp có những chú ý chi tiết riêng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng CISG áp dụng không có nghĩa là luật quốc gia không còn vai trò gì nữa. Trật tự công cộng vẫn phải được tuân thủ và luật quốc gia vẫn điều chỉnh những vấn đề mà CISG không chạm tới. Luật quốc gia vẫn kết hợp điều chỉnh hợp đồng với CISG, cũng như Incoterms và PICC theo thứ tự ưu tiên cho Incoterms, đến CISG, luật quốc gia và cuối cùng là PICC.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Andre Jassen và Matthias Spilker (2013), The Application of the CISG in the World of International Commercial Arbitration, Rabel Z 77 (2013), 131-137.
- Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, Nhà xuất bản Công an Nhân dân.
- Jacob Ziegel (2006), The Scope of the convention: Reaching out to article one and beyond, Journal of Law and Commerce, Vol 25: 69.
- John P. MacMahon (2010), Guide for Managers and Counsel – Applying the CISG – Guides for Business Managers and Counsel, truy cập link http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/guides.html, ngày 14/8/2018.
- Joseph M. Lookofsky (2008), Understanding the CISG: A Compact Guide to the 1980 United Nations, Kluwer Law International.
- Nguyễn Minh Hằng (Chủ biên) (2016), 101 Câu hỏi đáp về Công ước của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Nhà xuất bản Thanh niên.
- Peter Huber và Alastair Mullis (2007), The CISG – A new textbook for students and practitioners, Sellier European Law Publishers.
- CISG Database: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/guides.html#id
- Cross References and Editorial Analysis of CISG, truy cập link http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/cross/cross-1.html, ngày 14/8/2018.
- Peter Hanseler of Henseler @ Partners Duesseldof/Germany, The Application in the contracting States of the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG), link http://www.hp-legal.com/images/stories/aktuelles/cisg_application.pdf, truy cập 14/8/2018.
[1] Nguyễn Minh Hằng (2016), tr. 25.
[2] Peter Huber và Alastair Mullis (2007), tr. 50.
[3] “Hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài”.
[4] “Quốc tịch các bên, tính chất dân sự hoặc thương mại của họ và của hợp đồng đều không được xét đến khi xác định phạm vi áp dụng của Công ước này.”
[5] CISG Annotated Text Art 10, đường link https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/cisg-toc.html, truy cập 14/08/2018.
[6] “Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
- a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;”
[7] “Mọi quốc gia có thể tuyên bố, khi nộp văn bản phê chuẩn, chấp nhận, chuẩn y hay gia nhập, rằng quốc gia đó sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định tại đoạn b khoản 1 Điều thứ nhất của Công ước này.”
[8] Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore và Séc.
[9] Andre Jassen và Matthias Spilker (2013), tr.76-77.
[10] Md. Zahidul Islam (2013).
[11] Cross References and Editorial Analysis of CISG.
[12] John P. MacMahon (2010).
[13] Md. Zahidul Islam (2013).
[14] Joseph M. Lookofsky (2008).
[15] CLOUT case No. 152 [Cour d’appel Grenoble, France, 26 April 1995, tại địa chỉ <http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950426f2.html>.
[16] Peter Huber và Alastair Mullis (2007), tr. 47-48.
[17] Điều 5 CISG.
[18] Md. Zahidul Islam (2013), tr. 81.
[19] Điều 7.2 CISG “Các vấn đề liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Công ước này mà không quy định rõ ràng trong Công ước thì sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc chung mà từ đó Công ước được hình thành hoặc nếu không có các nguyên tắc này, thì theo luật được áp dụng theo các quy phạm của tư pháp quốc tế.”
[20] Điều 4.b: Công ước không liên quan tới: “Hậu quả mà hợp đồng có thể có đối với quyền sở hữu các hàng hóa đã bán.”
[21] Xem thêm Peter Hanseler of Henseler @ Partners Duesseldof/Germany.
[22] “Các bên có thể loại trừ việc áp dụng Công ước này hoặc với điều kiện tuân thủ điều 12, có thể loại trừ bất cứ điều khoản nào của Công ước hay sửa đổi hiệu lực của các điều khoản đó.”
[23] “Trừ phi có thỏa thuận khác, các bên ký hợp đồng được coi là có ngụ ý áp dụng những tập quán mà họ đã biết hoặc cần phải biết mà những tập quán này là những tập quán có tính chất phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực buôn bán hữu quan để điều chỉnh hợp đồng của mình hoặc điều chỉnh việc giao kết hợp đồng đó.”
[24] Xem thêm ở Đại học Luật Hà Nội (2012), tr. 894-895.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận