Tòa án thực hiện việc xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ trong quá trình xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền “Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng quy định này còn nhiều vướng mắc.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền “Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.
Quá trình xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật bao gồm thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục tái thẩm và thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Điều 370 BLTTHS năm 2015 quy định tính chất của giám đốc thẩm “là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Điều 397 của bộ luật quy định tính chất của tái thẩm “là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó”. Như vậy, bản chất của giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt, có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị người có thẩm quyền kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng quy định của pháp luật hoặc có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Điều 404 quy định về việc yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.
Trong quá trình xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nêu trên, Tòa án với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được tiến hành các hoạt động theo quy định tại Điều 252 BLTTHS năm 2015 để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nhằm bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
1. Các hoạt động của Tòa án khi thực hiện việc xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ
Điều 252 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động: 1.Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; 2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; 3. Xem xét tại chỗ các vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; 4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án; 5. Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản; 6. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”.
1.1. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án đối với thủ tục giám đốc thẩm
Tính chất của Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thủ tục giám đốc thẩm chỉ có thể được tiến hành khi có kháng nghị của người có thẩm quyền (Chánh án TANDTC, TAQSTW, Chánh án TANDCC hoặc Viện trưởng VKSNDTC, VKSQSTW, Viện trưởng VKSQSTW). Đối tượng xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm có thể là bất kỳ bản án, quyết định nào của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (bản án, quyết định sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm) bị kháng nghị.
Điều 371 BLTTHS 2015 quy định về các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ sau: “1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.
Đó là những vi phạm trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử vụ án mà chúng có thể tước bỏ hoặc hạn chế quyền của những người tham gia tố tụng làm cho Tòa án xét xử không khách quan, không đúng pháp luật hoặc thiếu căn cứ; có thể là không áp dụng điều luật của BLHS năm 2015 cần áp dụng, giải thích không đúng nội dung quy định của điều luật dẫn đến việc xét xử không đúng, mức hình phạt áp dụng không phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội… Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu được điều tra, xác minh tại phiên tòa. Ví dụ, các chứng cứ được xác minh tại phiên tòa cho thấy bị cáo thực hiện một hành vi phạm tội khác với hành vi phạm tội theo quyết định của bản án. Tại phiên tòa, Tòa án không xem xét những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án để kết luận về vụ án. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ xác định bị cáo có tiền án, tại bản án của Tòa án lại quyết định về tiền án để làm căn cứ định khung hình phạt đối với bị cáo. Trường hợp này, Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu có liên quan đến việc xác minh tiền án của bị cáo. Có sự mâu thuẫn giữa các chứng cứ quan trọng đối với vụ án nhưng trong bản án, quyết định của Tòa án không nêu lý do của việc chấp nhận hoặc bác bỏ chứng cứ này. Kết luận trong bản án, quyết định có mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc xác định bị cáo có tội hay không có tội, điều luật được áp dụng hoặc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Quá trình xác định kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, Tòa án có thể tiếp nhận những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; xem xét vật chứng; xem xét nơi xảy ra tội phạm; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản. Khoản 2 Điều 383 BLTTHS năm 2015 quy định, tại phiên tòa giám đốc thẩm, trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Quy định này là cụ thể hóa một trong những hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án tại phiên tòa giám đốc thẩm để làm rõ tình tiết quan trọng về vụ án hình sự.
1.2. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án đối với thủ tục tái thẩm
Cũng như thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là một thủ tục tố tụng đặc biệt có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó nhằm bảo đảm việc xử lý vụ án được chính xác.
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm: “1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật; 2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án; 3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; 4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án”.
Những tình tiết trên chỉ được coi là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có đủ hai điều kiện: Một là, tình tiết mới được phát hiện mà Tòa án không biết khi ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; ví dụ như theo Giấy khai sinh do bố mẹ bị cáo cung cấp thì bị cáo chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và vụ án được đình chỉ, nhưng sau đó xác định được Giấy khai sinh này là giả mạo và các chứng cứ khác cho thấy bị cáo đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra. Hai là, tình tiết này có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án hoặc quyết định đã có hiệu pháp luật của Tòa án như có tội hoặc không có tội, về tội danh, điều khoản áp dụng… Do tính chất của thủ tục tái thẩm nên hoạt động xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ theo thủ tục này của Tòa án bị hạn chế hơn, có thể là nhận được thông báo của người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc tự Tòa án phát hiện ra tình tiết mới của vụ án thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm. Việc xác minh tình tiết mới của vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Tại phiên tòa tái thẩm, tương tự như quy định về phiên tòa giám đốc thẩm, trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa tái thẩm. Quy định này là cụ thể hóa một trong những hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án tại phiên tòa tái thẩm để làm rõ tình tiết mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ kháng nghị tái thẩm có phải là tình tiết mới được phát hiện hay không và nó có làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hay không.
1.3. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án trong thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Chương XXVII của BLTTGS năm 2015 là chương mới được bổ sung quy định về thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định này, theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC, đề nghị của Chánh án TANDTC. Như vậy, về bản chất các trường hợp này tương tự như các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.
Chuẩn bị mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị, Chánh án TANDTC tổ chức thẩm định hồ sơ (giao cho Vụ Giám đốc, kiểm tra án về hình sự, hành chính nghiên cứu, thẩm định hồ sơ) để báo cáo Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, quyết định tại phiên họp. Để thực hiện việc xem xét theo thủ tục này, Tòa án trong quá trình thẩm định hồ sơ vụ án được xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo quy định tại Điều 409. Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhất trí xem xét lại quyết định của mình thì Chánh án TANDTC tổ chức việc thẩm định hồ sơ vụ án (giao cho Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính thẩm định hồ sơ) và tổ chức việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật (phân công Thẩm tra viên trực tiếp xác minh, thu thập hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan) trong trường hợp cần thiết. Việc thẩm định hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải làm rõ có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Kết quả thẩm định hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật là căn cứ quan trọng để Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét tại phiên họp, để từ đó ra một trong những quyết định quy định tại khoản 2 Điều 411 BLTTHS năm 2015.
2. Thực tiễn áp dụng hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án
Phạm Năng M là Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển HT (Công ty HT). Năm 2010, UBND tỉnh H cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy gạch tuynel, chủ đầu tư là Công ty HT. Để xây dựng nhà máy, M và Bùi Ngọc B là Giám đốc Công ty TNHH thiết bị áp lực ĐT (Công ty ĐT) thỏa thuận: Công ty ĐT là tổng thầu xây dựng, có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, chứng từ, cung cấp hóa đơn GTGT khống và M trả cho B10% giá trị tiền hàng trên hóa đơn, 2% tổng giá trị công trình Nhà máy gạch tuynel.
Tháng 5/2010, M và B ký hợp đồng giao thầu xây dựng với tổng giá trị 89.736.000.000 đồng. Việc ký hợp đồng này chỉ là hình thức, thực tế quá trình thi công nhà máy, M tự mua các nguyên, vật liệu, thuê đào đất, bơm cát tôn nền… Toàn bộ hoạt động này đều không có hóa đơn đầu vào theo quy định. Tháng 12/2012, Nhà máy gạch xây dựng xong, M yêu cầu B xuất hóa đơn để hợp lý hóa nguyên vật liệu thi công không có hóa đơn. Tháng 01/2013, B bán cho M 09 hóa đơn GTGT khống của Công ty ĐT có tổng giá trị tiền hàng là 88.915.000.000 đồng, tiền thuế là 8.891.500.000 đồng. M chuyển trả tiền hàng cho B vào tài khoản của Công ty ĐT, sau đó dùng séc do B ký sẵn để rút lại số tiền trên. Theo thỏa thuận, M phải trả cho B tiền mua hóa đơn GTGT khống là 10.669.800.000 đồng.
Tháng 02/2013, M kê khai báo cáo Cục thuế tỉnh H 9 hóa đơn trên với số tiền thuế là 8.890.700.000 đồng. Ngày 18/6/2013, M làm hồ sơ đề nghị hoàn thuế trong thời điểm từ tháng 8/2010 đến tháng 5/2013 với 292 hóa đơn GTGT hàng hóa đầu vào tương ứng với số tiền thuế là 16.138.161.312 đồng (trong đó có 09 hóa đơn đầu vào không có hàng do B cung cấp) và 31 hóa đơn đầu ra với số tiền thuế 6.580.902.160 đồng. Cục thuế tỉnh H kiểm tra và quyết định hoàn thuế cho Công ty HT với số tiền là 8.704.433.892 đồng. Ngày 01/8/2013, Cục thuế tỉnh H đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Công ty HT.
Việc sử dụng 13 hóa đơn GTGT khống đầu vào của M gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước là 9.450.700.000 đồng. Quá trình điều tra, M khai nhận không trao đổi, bàn bạc với B về việc M mua, sử dụng 9 hóa đơn nêu trên để lập hồ sơ xin hoàn thuế. Ngoài 13 hóa đơn GTGT nêu trên thì toàn bộ hóa đơn đầu vào, đầu ra của Công ty HT trong hồ sơ hoàn thuế là có thật.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2016/HSST ngày 13/01/2016, TAND tỉnh B áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt Phạm Năng M 3 năm tù về tội “Trốn thuế”; Buộc Phạm Năng M phải hoàn trả 8.144.433.892 đồng số tiền hoàn thuế đã nhận và truy nộp 746.266.108 đồng để sung quỹ Nhà nước. Xác nhận M đã nộp 400.000.000 đồng, còn phải nộp tiếp 8.490.699.937 đồng.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 872/2017/HSPT ngày 22/12/2017, TANDCC, sửa bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt đối với Phạm Năng M. Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 BLHS 1999; điểm t, x khoản 1 Điều 51; khoản 3 Điều 200 BLHS2015 phạt tiền Phạm Năng M 2.500.000.000 đồng về tội “Trốn thuế”. Ghi nhận sau khi xét xử sơ thẩm, M tự nguyện nộp thêm 380.000.000 đồng để đảm bảo thi hành án.
Tại Công văn số 220/CV-TA ngày 15/01/2018, TAND tỉnh B kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với lý do “Phạm Năng M đã nộp 780.000.000 đồng (cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm) để khắc phục hậu quả là số tiền quá ít so với số tiền phải nộp (8.890.699.937 đồng), cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự là không đúng (chỉ được áp dụng ở khoản 2 Điều 46). Bị cáo tham gia quân đội nhưng không có huân, huy chương và bố bị cáo được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng thì không thể áp dụng điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Cấp phúc thẩm không xem xét tình hình tài sản của người phạm tội, M không có khả năng nộp tiền, tiền thuế, thu lợi bất chính hơn 8 tỷ đồng còn chưa nộp được thì áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong vụ án này có đúng quy định của pháp luật không, có khả năng thi hành không?”
Để giải quyết kiến nghị nêu trên được toàn diện, khách quan, khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, TANDTC đã có công văn đề nghị TAND tỉnh B cử cán bộ xác minh việc thi hành án hình phạt tiền theo quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và quyết định về biện pháp tư pháp của Bản án hình sự sơ thẩm đối với Phạm Năng M. TAND tỉnh B xác minh tại Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh B và trả lời với nội dung: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đến nay Phạm Năng M chưa thực hiện bất kỳ quyết định nào của Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên (phạt tiền và tiền sung công quỹ Nhà nước do phạm tội mà có).
Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ, tài liệu xác minh của Tòa án, thấy rằng, hành vi phạm tội của bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền rất lớn 8.144.433.829 đồng (gấp hơn 08 lần số tiền quy định ở mức khởi điểm của khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015). Số tiền bị cáo đã khắc phục hậu quả đến giai đoạn xét xử phúc thẩm là quá ít (780.000.000 đồng/8.890.699.937 đồng số tiền phải nộp, chưa được 1/10 số tiền bị cáo phải khắc phục). Tòa án cấp phúc thẩm quá nhấn mạnh việc bị cáo khắc phục hậu quả để chuyển sang hình phạt tiền đối với bị cáo là không tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo và không khả thi.
3. Đề xuất, kiến nghị
Tòa án thực hiện việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ mới được quy định tại BLTTHS năm 2015, trong đó có quy định việc Tòa án thực hiện xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong quá trình xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 nên việc áp dụng của Tòa án thực hiện xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nhất là trong quá trình xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật chưa nhiều và còn nhiều bất cập.
1. Điều 252 BLTTHS năm 2015 quy định về các hoạt động của Tòa án “xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ” bao gồm “Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án” là chưa chính xác, đây phải là hoạt động của “xem xét, đánh giá chứng cứ”.
2. Khoản 6 Điều 252 BLTTHS năm 2015 quy định “Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng để giải quyết vụ án” cần phải có hướng dẫn cụ thể về phân cấp trách nhiệm, vai trò của Tòa án và Viện kiểm sát trong hoạt động này không sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm khi cho rằng Tòa án có quyền bổ sung, thu thập chứng cứ nên Viện kiểm sát không thực hiện việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án.
3. Quy định hoạt động của Tòa án khi tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể nhất là trong quá trình xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề nêu trên.
4. Về những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, khoản 3 Điều 383 Bộ luật này quy định “Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”, cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quy định rõ những trường hợp nào được coi là cần thiết phải triệu tập những người nêu trên trong phiên tòa giám đốc thẩm; xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của những người này?
5. Quy định cụ thể quy trình tiếp nhận chứng cứ, cách thức xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; xem xét tại chỗ nơi xảy ra tội phạm hoặc địa điểm có liên quan.
6. Cần có quy định về sự phối hợp giữa Tòa án và Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong quá trình Tòa án xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
KẾT LUẬN
BLTTHS năm 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ đã khắc phục được những hạn chế của BLTTHS năm 2003. Quy định Tòa án thực hiện việc xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ nhằm đảm bảo cho vụ án hình sự được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Tòa án thực hiện việc xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ trong quá trình xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là hết sức cần thiết, tuy nhiên thực tiễn áp dụng quy định này của BLTTHS năm 2015 là chưa phát huy hết hiệu quả do Bộ luật mới có hiệu lực thi hành và chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.
TAND Tp Hải Dương xét xử vụ án hình sự - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận