Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

        Trong bài viết: “Quy định về miễn hình phạt và vướng mắc, bất cập cần bổ sung hoàn thiện” , tác giả Đỗ Thành Công - Phạm Thị Cẩm Tú nêu nhận định: Bộ luật Hình sự  năm 2015 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, đảm bảo được tính phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn tiếp tục ghi nhận và cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các chủ thể của tội phạm xứng đáng được hưởng khoan hồng. Nội dung này là vấn đề mang tính cốt lõi, thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và một trong những nội dung mang bản chất nhân đạo, nhân văn của Nhà nước ta, chính là quy định về miễn hình phạt đối với người phạm tội. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định của chế định miễn hình phạt, từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định này.

        Với bài viết: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép lá khát tại Việt Nam”, tác giả Bùi Văn Thanh cho rằng: Những năm gần đây, xuất hiện một loại ma túy mới “dạng rau” (lá khát) cực kỳ nguy hiểm du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được các đối tượng phạm tội về ma túy khai thác triệt để. Tuy nhiên, lá khát vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần có giải pháp chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả loại ma tuý mới này. Bài viết chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phòng ngừa tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép lá khát tại Việt Nam, đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này.

           Trong bài viết: Áp dụng án lệ trong xét xử, tác giả Phí Thành Chung- Hoàng Thanh Giang cho rằng: Việc áp dụng án lệ giúp cho Tòa án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, một số quy định pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất. Trong bài viết, các tác giả tập trung trao đổi về tình hình áp dụng án lệ trong xét xử tại Tòa án nhân dân, qua đó, chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của Tòa án.

Với bài viết: “Cơ chế giám sát của tòa án đối với thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tác giả Hoàng Thị Song Mai nêu quan điểm: Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ ràng và đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong nhà nước pháp quyền, đây là nội dung mới rất quan trọng trong quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và cơ chế kiểm soát của Tòa án nhân dân đối với các nhánh quyền lập pháp và hành pháp nói riêng. Bài viết này phân tích những quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế giám sát của Tòa án đối với thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đưa ra các vấn đề cần hoàn thiện.

Trong bài viết: Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, tác giả Lê Thị Huyền Trang cho rằng: Biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải là một chế định mới, nhưng các nhà khoa học pháp lý vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việt Nam đã trở thành thành viên của một số hiệp định như: Hiệp định TRIPS, CPTPP… Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam về biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ vẫn chưa hoàn toàn tương thích với các chuẩn mực quốc tế, dẫn đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra với tốc độ gia tăng. Bài viết phân tích các chuẩn mực pháp lý quốc tế cũng như thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

            Với bài viết: “Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại: bất cập và kiến nghị hoàn thiện” , tác giả Lương Thị Phương Thảo nêu nhận định: Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với xã hội trong việc giữ vững ổn định, trật tự các hoạt động giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt đông lập vi bằng của Thừa phát lại vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện. Bài viết phân tích khái quát về vi bằng và hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại, tập trung làm rõ một số bất cập về hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại, từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.

         Trong bài viết: Công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân- một số bất cập và kiến nghị hoàn hiện, tác giả Trịnh Ngọc Thúy nhận định: Trong những năm qua, Tòa án nhân dân với vai trò là cơ quan xét xử, đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích và công bố số liệu về thống kê hình sự. Công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân các cấp và công tác thống kê hình sự liên ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng khích lệ, đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động chỉ đạo phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, chất lượng công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng thông tin thống kê tuy đã được nâng lên, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng so với yêu cầu cải cách tư pháp. Bài viết chỉ ra những bất cập và nguyên nhân, từ đó đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân.

          Trong bài viết: “So sánh chế định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự Việt Nam với Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, tác giả Nguyễn Văn Khánh nhận định: Việt Nam và Liên bang Nga đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Do đó, những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự hai nước đều thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đều bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội và mục đích của hình phạt nhằm hướng đến việc giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bài viết so sánh những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam và Bộ luật Hình sự Liên bang Nga để từ đó tìm ra nhiều điểm tương đồng và khác biệt, trên cơ sở đó tiếp thu, hoàn thiện Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2021.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK