Tạp chí Tòa án nhân dân số 6 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 6, kỳ II tháng 3 năm 2024 xuất bản ngày 25 tháng 3 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 07 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 6 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội nhận hối lộ theo yêu cầu của công ước và hiệp định quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” của tác giả Nguyễn Trí Tuệ và tác giả Đỗ Đức Hồng Hà nêu nhận định: “Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng… phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham những để không dám tham nhũng””. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội nhận hối lộ: yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam từ năm 2015 về tội nhận hội lố theo yêu cầu của Công ước và Hiệp định quốc tế.
Bài viết “Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế liên quan đến tài chính của người nộp thuế” của tác giả Lê Thị Tuyết Hà viết: “Trong công tác quản lý thuế, cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế đóng vai trò quan trọng nhằm thể hiện quyền lực nhà nước và tính chất ràng buộc người nộp thuế phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế. Pháp luật về quản lý thuế quy định bảy biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế, trong đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế liên quan đến tài chính của người nộp thuế, gồm các biện pháp (i) trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; (ii) yêu cầu phong tỏa tài khoản và (iii) khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập”. Bài viết phân tích quy định của pháp luật và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế liên quan đến tài chính của người nộp thuế.
Trong bài viết “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành”, tác giả Lê Văn Công và tác giả Trần Xuân Huấn nêu và phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, các yếu tố cấu thành tội phạm và một số vấn đề bất cập đặt ra trong thực tiễn định tội danh đối với loại tội phạm này, từ đó, đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật có liên quan đến việc định tội danh tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Trong bài viết “Kê biên quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính - một số bất cập và hướng hoàn thiện”, tác giả Huỳnh Văn Thông cho rằng: “Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá là một trong những biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong số các loại tài sản bị kê biên, quyền sử dụng đất là một loại tài sản có nhiều điểm đặc thù và được áp dụng phổ biến trong thực tế”. Bài viết này phân tích một số hạn chế của pháp luật về biện pháp kê biên quyền sử dụng đất, đồng thời, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Bài viết “Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật đối với tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi” của tác giả Hoàng Văn Đạng viết: “Các tội xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi được quy định tại các Điều 142, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là nhóm tội phạm phổ biến, thường xuyên xảy ra và ngày càng phức tạp, trực tiếp xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi”. Bài viết phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi; nêu ra các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; từ đó đưa ra một số giải pháp khắc phục đối với nhóm tội phạm này nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Với bài viết “Án lệ Balaz Twins và những gợi mở pháp lý cho vấn đề mang thai hộ tại Việt Nam”, các tác giả Nguyễn Thu Trang, Phạm Nguyễn Phương Anh, Trần Khánh Linh và Đỗ Thị Minh Phương nêu nhận định: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của công nghệ sinh sản hỗ trợ, vụ án Balaz Twins làm sáng tỏ những thách thức trong việc quy định pháp lý về mang thai hộ. Đối mặt với tình trạng cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại tại Việt Nam nhưng nhu cầu tìm kiếm dịch vụ này ở nước ngoài vẫn tồn tại”. Bài viết phân tích vụ án Balaz Twins; đề xuất các giải pháp cụ thể để xây dựng và cập nhật khung pháp lý về mang thai hộ, nhằm hướng tới một tương lai công bằng và nhân văn, nơi quyền lợi của trẻ em và các bên liên quan được bảo vệ tối đa trong quá trình mang thai hộ, đồng thời bảo đảm Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế.
Trong bài viết “Pháp luật Hoa Kỳ về kiện tập thể và đề xuất cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thục Anh, Đinh Minh Tâm và Nguyễn Kim Phượng cho rằng: “Nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của một nền tư pháp hiện đại, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cần xây dựng cơ chế về kiện tập thể”. Bài viết nghiên cứu các quy định pháp luật của Hoa Kỳ về kiện tập thể, đồng thời đánh giá những ưu điểm và hạn chế của cơ chế kiện này, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về kiện tập thể.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 6, kỳ II tháng 3 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2