Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 7, kỳ I tháng 4 năm 2024 xuất bản ngày 10 tháng 4 năm 2024.

     Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2024, cụ thể như sau:

     Bài viết “Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về tội trộm cắp tài sản” của tác giả Vũ Minh Giám nêu nhận định: “Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hiện nay, được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Văn bản pháp luật hướng dẫn về tội trộm cắp tài sản theo Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực và chưa có văn bản hướng dẫn thay thế. Thời gian qua, việc áp dụng các nội dung hướng dẫn về tội trộm cắp tài sản còn có vướng mắc và chưa thống nhất”. Qua nghiên cứu và từ thực tiễn, bài viết phân tích một số vướng mắc, bất cập và từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về tội trộm cắp tài sản.

     Bài viết “Một số vấn đề về tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Trần Khắc Quyết - Đặng Mai Hiên - Hoàng Thị Hoa phân tích các vụ việc trên thực tiễn và các quy định của pháp luật về khái niệm người có chức vụ; các hành vi tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng; quy định về nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng để thấy được những bất cập của các quy định pháp luật hiện nay, qua đó, bài viết kiến nghị hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan.

     Trong bài viết “Một số vấn đề cơ bản về trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo pháp luật hình sự Việt Nam”, tác giả Nguyễn Văn Thắng cho rằng: “Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm nói chung, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói riêng là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu, làm rõ, góp phần mang lại hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm”. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản về trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông đang rất “nóng” trong tình hình hiện nay, bao gồm khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông cũng như nội dung, phạm vi, giới hạn của trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này.

     Bài viết “Bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” của tác giả Đinh Tấn Phong viết: “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), là tội danh trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Tội gian lận trong kinh doang bảo hiểm là hành vi gây ảnh hưởng đến các chủ thể trong mối quan hệ bảo hiểm và sự phát triển của xã hội”. Bài viết tập trung phân tích những bất cập, hạn chế của quy định pháp luật hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; đồng thời, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật, góp phần hạn chế các trường hợp phạm tội và bảo đảm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm.

     Trong Tạp chí số này, chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc các ý kiến khác nhau trao đổi về việc giải quyết một tình huống cụ thể được nêu tại bài viết “Về bài viết: “Xác định tội danh của Nguyễn Hữu T”. Bài viết giới thiệu các quan điểm khác nhau của các tác giả đối với tình huống được đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 16/2023.

     Bài viết “Nguyên tắc giả định quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Phan Khôi - Bùi Thị Mỹ Hương - Thân Thị Ngọc Bích nêu nhận định: “Nguyên tắc giả định quyền tác giả được chính thức ghi nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sau lần sửa đổi thứ ba vào năm 2022. Với quy định này, pháp luật Việt Nam đã trở nên hài hòa với các quy định của Công ước Berne, về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam là thành viên”. Bài viết này giới thiệu nguyên tắc giả định quyền tác giả theo pháp luật quốc tế và Việt Nam, trên cơ sở phân tích các quy định đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định trong nước về giả định về quyền tác giả, cụ thể là các giải pháp gắn với nguyên tắc giả định dựa trên tên thật hoặc bút danh của tác giả, hệ quả của nguyên tắc giả định và vấn đề quản lý quyền tác giả trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả khuyết danh.

     Tác giả Trần Thị Hương Giang viết trong bài viết “Hòa giải Tòa án trong tố tụng dân sự của Trung Quốc và gợi mở hoàn thiện chế định hòa giải trong tố tụng dân sự của Việt Nam”: “Hòa giải Tòa án là một chế định quan trọng trong luật tố tụng dân sự của nhiều nước. Luật Tố tụng dân sự và các quy định pháp luật có liên quan của Trung Quốc quy định chi tiết về nguyên tắc hòa giải, trình tự hòa giải, phạm vi hòa giải,… và xây dựng nhiều phương thức hòa giải hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng hòa giải của Tòa án”. Qua nghiên cứu chế định hòa giải Tòa án của Trung Quốc, tác giả đưa ra một số gợi mở hoàn thiện chế định này trong pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam.

     Tác giả Lê Bá Đức nêu trong bài viết “Đối tượng chứng minh trong pháp luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam”: Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về đối tượng chứng minh được xây dựng theo hướng ngày càng hoàn thiện”. Trên cơ sở phân tích quy định về đối tượng chứng minh trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kinh nghiệm của Liên bang Nga, tác giả đưa ra những nhận xét, đánh giá cũng như một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về đối tượng chứng minh.

         Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 7, kỳ I tháng 4 năm 2024.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK