Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử tại Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới”, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, chế định hội thẩm không ngừng được đổi mới và hoàn thiện theo các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội thẩm cơ bản đã được hoàn thiện; ngoài Hiến pháp còn có 09 văn bản luật và dưới luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chế định này.

Bằng kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức của mình, hội thẩm mang đến phiên tòa những quan niệm đạo đức chung của xã hội, sự nhận xét, đánh giá của nhân dân về hành vi phạm tội, tính chất của các tranh chấp theo lẽ phải và công bằng... Sự tham gia của hội thẩm góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tăng thêm niềm tin cá nhân của Thẩm phán vào việc đưa ra phán quyết giải quyết vụ án “thấu tình”, “đạt lý”, công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó, việc tham gia xét xử của hội thẩm còn làm cho các phiên tòa tranh tụng chất lượng hơn; thông qua phiên tòa, người dân biết và hiểu được các quy định của pháp luật, quy tắc của cuộc sống, từ đó, có ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng quy tắc và đạo đức xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp thời gian qua cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế lựa chọn, vị trí, vai trò, thẩm quyền, tổ chức hoạt động của hội thẩm bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống thế giới, yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân ngày càng được đề cao thì việc xây dựng một nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng được đặt ra trong Đại hội XIII của Đảng. Đây sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; các kết luận của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án.

Với bài viết: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII: phần III– về những trường hợp loại trừ tính tội phạm của hành vi”, tác giả Lê Cảm cho rằng: Trên cơ sở luận điểm của Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021) về sự cần thiết phải "hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật" (trong đó có pháp luật hình sự). Trong nội dung bài viết, tác giả đề cập đến việc phân tích khoa học một số nhược điểm về kỹ thuật lập pháp của các quy phạm tại Chương IV "Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự" trong Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành, đồng thời đề xuất mô hình lập pháp cho việc tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy phạm về những trường hợp loại trừ tính tội phạm của hành vi trong pháp luật hình sự Việt Nam tương lai sau lần pháp điển hóa thứ tư.

Trong bài viết: Trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự của người giám định đối với hoạt động giám định tư pháp, tác giả Phạm Long Hải cho rằng: Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Trong quá trình tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, thì hoạt động giám định tư pháp giữ vai trò hết sức quan trọng, cung cấp nguồn chứng cứ vật chất khách quan, có thể dùng làm cơ sở để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, vụ án hành chính hoặc vụ việc dân sự đã xảy ra. Chính vì thế, một trong những yêu cầu thực tiễn đặt ra là, hoạt động giám định tư pháp cần phải được tiến hành một cách khách quan, thận trọng, tỷ mỷ và đúng pháp luật. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích làm rõ quy định của pháp luật để đánh giá trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự của người giám định đối với hoạt động giám định tư pháp.

Với bài viết: “Thẩm quyền của hội đồng xét xử sơ thẩm khi giải quyết vụ án hành chính, tác giả Đặng Quang Dũng- Châu Thanh Quyền nêu quan điểm: Thẩm quyền của Tòa án nói chung, thẩm quyền của Hội đồng xét xử nói riêng là những quy định quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không có điều luật riêng quy định cụ thể về thẩm quyền của hội đồng xét xử sơ thẩm. Nếu như Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về giới hạn của việc xét xử, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về thẩm quyền của hội đồng xét xử trong phạm vi yêu cầu của đương sự, thì Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định riêng về thẩm quyền của hội đồng xét xử sơ thẩm khi giải quyết các vụ án hành chính. Đây là quy định mang tính chất đặc thù trong Luật tố tụng hành chính, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này vẫn có quan điểm, cách hiểu khác nhau, cần có nghiên cứu, hướng dẫn một cách thống nhất nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bài viết tập trung làm rõ các luận điểm mà các tác giả nêu ra.

Trong bài viết: Một số vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động cho thuê lại lao động và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Trần Thanh Tâm cho rằng: Khi xã hội ngày càng phát triển, thì nhu cầu về lao động cũng tăng lên. Trong tương quan này thì cho thuê lại lao động - một hình thức cung cấp sức lao động cho xã hội cũng rất cần thiết. Để hoạt động cho thuê lại lao động được diễn ra hiệu quả, Nhà nước đã có các quy định và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau. Một trong những giải pháp hữu hiệu là xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về cho thuê lại lao động.

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu về nguồn lao động cũng tăng lên. Trong bối cảnh đó, hoạt động cho thuê lại lao động ra đời. Để bảo đảm trật tự quản lý nhà nước đối với hoạt động cho thuê lại lao động, thì xử phạt vi phạm hành chính được xem là một trong số các giải pháp hữu hiệu. Bài viết trình bày các vi phạm hành chính về cho thuê lại lao động, phân tích nguyên nhân của vi phạm hành chính về cho thuê lại lao động, đồng thời, chỉ ra một số vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính về cho thuê lại lao động và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

   Với bài viết: “Quy định về chuẩn bị điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân là người dưới 18 tuổi và kiến nghị hoàn thiện” , tác giả Vũ Hồng Thắng nêu nhận định: Người dưới 18 tuổi là chủ thể đặc biệt được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015). Trước đây, trong Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhà làm luật sử dụng cụm từ người chưa thành niên để chỉ những người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đến Bộ luật Hình sự năm 2015, thuật ngữ này được thay đổi bằng việc xác định cụ thể đối tượng thực hiện tội phạm là người dưới 18 tuổi. Đây là nhóm chủ thể được thừa nhận chung là những người chưa phát triển toàn diện, đầy đủ về thể chất và tinh thần, do đó, nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với đối tượng này cũng có đặc thù riêng. Đồng thời, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng có những quy định riêng về thi hành án phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại mục 4, Chương III với những quy định thể hiện rõ tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc đối với nhóm chủ thể này như quy định về chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động; chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí… Bên cạnh đó, Luật thi hành án hình sự năm 2019 cũng quy định về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù với các nội dung cụ thể về các hoạt động cho tái hòa nhập cộng đồng. Bài viết làm rõ các quy định pháp luật liên quan đến chuẩn bị điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân là người dưới 18 tuổi, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong bài viết: “Xác định số tiền dùng để tổ chức đánh bạc như thế nào cho đúng?, tác giả Trần Văn Hùng đưa ra tình huống còn nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết một vấn đề cụ thể để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi.    

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK