Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2019 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2019. Trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 08 bài viết về các vấn đề nổi bật, được nhiều bạn đọc quan tâm.

– Trong Chuyên mục “Xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân”, Tạp chí Tòa án nhân dân xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết: “Vai trò của Tòa án trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Trí Tuệ. Trong bài viết của mình, tác giả nhận định: “Trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển, sự bùng nổ của các nền kinh tế và sự gia tăng các hoạt động kinh doanh, thương mại của quốc gia trong xu thế hội nhập buộc những nhà hoạch định chính sách phải tạo ra một hành lang pháp lý an toàn và các thể chế phù hợp để duy trì trật tự xã hội và tạo điều kiện cho các mối quan hệ kinh tế, thương mại trong xã hội phát triển. Trong bối cảnh đó, nhận thức về vai trò của Tòa án trong việc định hình, ổn định và thúc đẩy các quan hệ kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua các phán quyết đúng đắn của mình, Tòa án cũng góp phần tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và qua đó, góp phần phát triển kinh tế đất nước”. Từ đó, tác giả cho rằng, để một nền tư pháp có những đóng góp tích cực cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, Tòa án phải đảm bảo: (1) Các hoạt động tư pháp phải vô tư, minh bạch; (2) Hoạt động có hiệu quả; (3) Tăng cường niềm tin của công chúng; (4) Người dân dễ dàng tiếp cận và hài lòng với dịch vụ của Tòa án.

– Trong bài viết: “Các dạng của nhiều tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành và định hướng hoàn thiện” của GS. TSKH. Lê Cảm và ThS. Mạc Minh Quang, các tác giả đã phân tích một cách sâu sắc và toàn diện ý nghĩa của việc nghiên cứu các quy phạm pháp luật hình sự về nhiều (đa) tội phạm và khái niệm, nội hàm của phạm trù nhiều (đa) tội phạm trong Luật Hình sự. Bên cạnh đó, các tác giả đã có sự so sánh cụ thể chi tiết để bạn đọc có thể phân biệt nhiều (đa) tội phạm với tội đơn nhất phức tạp, từ đó nêu định hướng tiếp tục hoàn thiện các quy phạm về nhiều (đa) tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam tương lai.

– Với bài viết “Pháp luật về hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình tại các tổ chức tín dụng”, tác giả NCS. Phạm Văn Lưỡng nêu những nội dung cơ bản của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình và phân tích đặc điểm của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Tác giả đã có những đánh giá, phân tích cụ thể về thực trạng của việc xác định tư cách chủ thể của thành viên hộ gia đình trong giao kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng và đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về xác định tư cách chủ thể hộ gia đình trong giao kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình để bảo đảm hợp đồng tín dụng.

– Với việc đăng tải bài viết “Bàn về thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự” của tác giả NCS. Phan Thị Thu Hà, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu tới bạn đọc thêm một cách tiếp cận mới đối với vấn đề xác định thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Về vấn đề này, tác giả có nhận định: “Kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2016) đến nay, có nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhà thực tiễn bàn luận sôi nổi về những vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Quy định về phiên họp này là một quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thể hiện cụ thể nguyên tắc tranh tụng trong xét xử để bảo đảm mọi chứng cứ đều được công khai. Một trong những vướng mắc chính được đưa ra là Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không quy định cụ thể thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong khi thời điểm mở phiên họp này có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”. Từ đó, tác giả phân tích, đánh giá và nêu quan điểm của mình về thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Trong bài viết: “Về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015” của ThS. Bùi Ai Giôn, tác giả cho rằng: “…dưới góc độ nguyên cứu khoa học thì tội gây rối trật tự công cộng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần được trao đổi.”. Vì vậy, tác giả đi vào phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 và so sánh quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 với Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cuối cùng, tác giả nêu kiến nghị hoàn thiện để bảo đảm tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật.

Ngoài ra, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng xin giới thiệu tới bạn đọc các bài viết về tình huống pháp lý cụ thể còn nhiều quan điểm khác nhau như: “Nhận thức như thế nào về “tiền án”?” của tác giả Nguyễn An Chung và “Về bài viết: “Nguyễn Văn H và đồng bọn phạm tội gì?” để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi.

Tạp chí số này cũng đăng Công văn số 67/TANDTC-TH ngày 03 /7 /2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ trong các cơ quan, đơn vị TAND các cấp.

Xin giới thiệu và kính mời Quý độc giả quan tâm đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2019./.

BTK