Hội thảo khoa học quốc gia Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam

Ngày 08/9/2022, tại Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các cán bộ lão thành, nguyên lãnh đạo TANDTC, các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, nhà sử học và đại diện lãnh đạo của Tòa án 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tòa án nhân dân cấp cao, các Tòa án quân sự cấp quân khu và tương đương.

Đến dự phiên khai mạc và đồng chủ trì Hội thảo còn có ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-  Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.

TS Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, biên soạn cuốn sách, đồng chủ trì tại phiên tham luận, thảo luận.

 

Chánh án TANDTC  Nguyễn Hòa Bình và ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-  Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì phiên khai mạc

Đảm bảo tính khoa học, đánh giá khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử

Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, biên soạn cuốn sách nhấn mạnh: Để ghi lại những chặng đường vẻ vang trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển, trưởng thành của TAND, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng", Ban Cán sự Đảng TANDTC chỉ đạo, triển khai tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản "Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2020)". Đây là một công trình khoa học lịch sử được TANDTC lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức chặt chẽ theo quy trình thực hiện đề tài khoa học, nhằm lưu giữ thông tin, tư liệu và làm tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, giáo dục, tuyên truyền truyền thống, xây dựng niềm tự hào và ý thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên Tòa án và các tầng lớp nhân dân trong việc góp sức xây dựng TAND Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Trong suốt hơn 1 năm qua, TANDTC đã tổ chức rất nhiều hội thảo, trao đổi, lấy ý kiến và lần lượt xem xét thông qua các chương, các phần của bản thảo cuốn sách. Ban Chỉ đạo nghiên cứu lịch sử TAND đã có một quá trình phân tích, đánh giá, phỏng vấn, nghiên cứu hồ sơ rất dày công. Đến nay chúng ta đã có trong tay bản thảo đầu tiên của toàn bộ cuốn “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam 1945-2020”.

Để việc nghiên cứu, xây dựng cuốn sách đảm bảo tính khoa học, đánh giá khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong muốn tại Hội thảo khoa học sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia tích cực, tâm huyết của các đại biểu trong việc cung cấp thông tin, tư liệu, ý kiến quý báu để đảm bảo cuốn sách được biên soạn đạt chất lượng cao về nội dung thông tin và tiến độ.

Phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc, ông  Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, Quảng Ninh rất vinh dự được TANDTC lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lịch sử TAND Việt Nam”.

Sau khi khái quát một số thông tin về tình hình địa phương, ông Nguyễn Xuân Ký cho biết: Đối với lĩnh vực tư pháp, Tỉnh ủy luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng TAND cấp tỉnh, cấp huyện trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng xét xử, phát huy vai trò của các TAND trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, văn minh, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

 

Nguyên Phó Chánh án TANDT: Từ Văn Nhũ, Nguyễn Như Bích, Đặng Quang Phương, Dương Thị Thanh Mai, Lê Thúc Anh và nguyên Chánh Văn phòng TANDTC Nguyễn Tâm Khiết tham dự Hội thảo

Công trình đồ sộ, phong phú về tư liệu

Sau phần khai mạc, TS Trần Văn Hà, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Thành viên ban chỉ đạo, Trưởng ban soạn thảo trình bày báo cáo Kết quả nghiên cứu, biên soạn cuốn Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam và sau đó các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.

Đây là một công trình đồ sộ, công phu, rất phong phú về tư liệu. Bản thảo dày xấp xỉ 1000 trang, khổ A4, gồm 8 chương.

Chương mở đầu về Quá trình hình thành phát triển quốc gia dân tộc và thành tựu xây dựng nhà nước, pháp luật trước năm 1945 với nội dung trải dài từ quá trình hình thành quốc gia dân tộc và tình hình luật lệ nước Văn Lang - Âu Lạc; Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới thời Bắc thuộc đến thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử hình thành phát triển, cùng với đó là nền văn hóa đậm đà bản sắc được các thế hệ nối tiếp nhau vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước với những giá trị truyền thống đặc sắc, tiêu biểu,  trở thành một trong những cơ sở tiền đề cho sự ra đời, phát triển với những đặc điểm, đặc trưng của nền tư pháp và hệ thống TAND Việt Nam trong thời kỳ lịch sử hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

TS Trần Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học (giữa) và PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia HCM, ban soạn thảo (bìa phải) tham dự Hội thảo

Chương I – TAND Việt Nam ra đời góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (1945 - 1954). Nội dung phản ánh hoàn cảnh ra đời của TAND và tham gia xây dựng, củng cố chính quyền, giữ vững thành quả Cách mạng Tháng Tám cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng thắng lợi Điện Biên Phủ.

Kết quả hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành Tòa án và của từng cán bộ, nhân viên ngành Tòa án trực tiếp đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, Chính quyền cách mạng, bảo vệ công cuộc kháng chiến kiến quốc, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ" anh dũng của dân tộc đi đến thắng lợi. Những thành tựu đạt được và kinh nghiệm quý báu trong xây dựng, hoạt động của ngành tòa án nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là nguồn động lực tinh thần to lớn và là hành trang cho cán bộ, nhân viên ngành Tòa án bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang.

Chư­ơng II về Xây dựng hệ thống  TAND, thành lập TANDTC (7/1954 - 1960) phản ánh từ giai đoạn củng cố tổ chức, tăng cường xét xử tội phạm phá hoại, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất (1954-1956); Xây dựng hệ thống pháp luật, từng bước kiện toàn tổ chức, chức năng nhiệm vụ ngành Tòa án (1957 - 1958) Xây dựng TANDTC và Luật Tòa án, đẩy mạnh điều tra, xét xử các vụ án phản cách mạng (1959 - 1960).

Chương III - TAND trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1961-1975) phản ánh quá trình củng cố tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực xét xử, trừng trị tội phạm phản loạn và gián điệp (1961 - 1964); Tập trung xây dựng Tòa án quân sự cách mạng, đẩy mạnh xét xử, trừng trị tội phạm phản cách mạng (1965 - 1968); Xây dựng hệ thống Tòa án vững mạnh, tăng cường xét xử tội phạm gián điệp và phản cách mạng (1969 - 1972) và không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động điều tra, xét xử các loại tội phạm góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1973 - 1975). Qua đó cho thấy hoạt động của ngành Tòa án trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viên kịp thời cho các chiến trường. Đồng thời, thiết thực bảo vệ, giữ gìn, nâng cao sức chiến đấu của quân đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch, các trận đánh trên chiến trường ba nước Đông Dương, nhất là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Phó Chánh án Thường trực TANDTC phát biểu tại Hội thảo

Chương IV về Tòa án trong những năm đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (5/1975 - 1982) phản ánh giai đoạn củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng công tác đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội (5/1975 - 1978); Tăng cường giáo dục pháp luật, kiên định đường lối xét xử, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc (1979 - 1982). Kết quả hoạt động, nhất là hoạt động xét xử các vụ án trên các lĩnh vực của TAND các cấp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế xã hội; cải tạo xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc lãnh thổ, chủ quyền quốc gia dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cứu, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Những thành tựu trong xây dựng, hoạt động của ngành Tòa án trong những năm 1975 - 1982 tạo tiền đề cho ngành Tòa án phát triển lớn mạnh trong giai đoạn cách mạng mới.

Chương V về Tòa án trước và trong những năm đầu đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nươc (1983 - 2002) phản ánh quá trình nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, giáo dục pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (1983 -1986); Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng hiệu quả các mặt công tác đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới (1987 - 1990); Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, góp phần làm thất bại từng bước "Chiến lược Diến biến hòa bình" (1991 - 1995); Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1996 - 2002).

 

Nguyên Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Sơn, Tống Anh Hào, Nguyễn Thúy Hiền và nguyên Chánh văn phòng TANDTC Khuất Duy Hiệp và các đại biểu dự Hội thảo

Ch­­ương VI - Tòa án trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế  (2003 - 2014) phản ánh quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế (2003 - 2005); Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ (2006 - 2010); Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án   (2011 - 2014). Đây là giai đoạn bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức: các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam bằng những âm mưu thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt; tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thường xuyên trực tiếp là Ban Cán sự Đảng TANDTC, ngành TAND triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tập trung xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng các tòa án vững mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chuyên môn, nhất là công tác giải quyết, xét xử các vụ án các loại, góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Ch­­ương VII- Tòa án đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế (2015-2020) với các nội dung cụ thể về thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống tòa án vững mạnh (2015 - 2017); Đẩy mạnh giải quyết xét xử án tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa (2018-2020). Đây là trong giai đoạn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có những diễn biến phức tạp, nhất là tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, những vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động của TAND được triển khai có hiệu quả; tỷ lệ giải quyết đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu; chất lượng xét xử được đảm bảo và có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; công tác thi hành án hình sự; công tác tổ chức, cán bộ và các nhiệm vụ cải cách tư pháp được thực hiện hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động đối ngoại ngày càng rộng mở. Các Tòa án đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào những thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

7 chương của dự thảo Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện quá trình 75 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND Việt Nam kế tiếp nhau vun đắp truyền thống "Trung thành, đoàn kết, sáng tạo, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư", để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, mang tính quy luật.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp được các thế hệ nối tiếp thế hệ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND xây đắp trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ thực tiễn là hành trang cho thế hệ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND Việt Nam hôm nay và mai sau trên hành trình bảo vệ công lý, lẽ phải, công bằng và xây dựng hệ thống TAND Việt Nam - Cơ quan xét xử của Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh, của dân, do dân, vì dân.

**

 

Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội thảo đã nghe Ban Biên soạn báo cáo về kết quả nghiên cứu, biên soạn tóm tắt nội dung cơ bản của công trình "Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam" và  nghe rất nhiều ý kiến phát biểu góp ý, thảo luận của các đại biểu tham dự.

Các ý kiến đã thể hiện nhất trí cao về tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng cuốn sách Lịch sử Tòa án nhân dân”, nhất là trong bối cảnh hiện nay; đại biểu cơ bản nhất trí nội dung của bản thảo và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, tích cực, cung cấp thông tin tư liệu quý báu góp phần cho nội dung cuốn sách có chất lượng cao.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị các chuyên gia, các vị nguyên lãnh đạo Tòa án, các nhân chứng lịch sử, các đại biểu trong thời gian tới, tiếp tục có sự nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Chánh án đề nghị Ban Biên soạn, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học phối hợp với các chuyên gia khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện nội dung bản thảo, sớm báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban cán sự Đảng TANDTC và thực hiện các thủ tục để nghiệm thu cuốn sách theo đúng quy định.

 

 

 

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Trần Dũng

 

THÁI VŨ