Tòa án luôn đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo

Phiên họp thứ 15 của UBTVQG tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021". Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các TAND từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022 cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực

1.Tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo

1.1. Tình hình khiếu nại, tố cáo

Thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được kiềm chế. Các Tòa án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các Tòa án đã nhận được tổng số 20.663 đơn thư các loại; qua phân loại, số đơn mới đủ điều kiện thụ lý có 5.244 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 3.911 đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; 235 đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự và phần lớn là các vụ án tranh chấp về đất đai, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, yêu cầu khảo sát, định giá lại đất đang tranh chấp; thừa kế... Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thực hiện thủ tục tố tụng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện; thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự…

1.2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án nhân dân thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022; quán triệt các Tòa án thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến tham dự Phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

2. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

2.1. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

Các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán đều được các Tòa án quan tâm giải quyết kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao. Các Tòa án đã giải quyết 3.598/3.924 đơn khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 91,7%. Số đơn còn lại trong thời hạn giải quyết đang được các Tòa án tiếp tục xem xét, giải quyết theo pháp luật.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng và thời hạn giải quyết. Quá trình giải quyết các Tòa án luôn đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; chú trọng việc đối thoại và yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp tài liệu để xem xét, xác minh những vấn đề cần làm rõ; đề cao ý thức trách nhiệm và tổ chức thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền.

2.2.  Kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 11.646 đơn/vụ; đã giải quyết được 4.836 đơn/vụ (đạt tỷ lệ 41,5%). Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 1.644/3.060 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 53,7%; các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết được 3.192/8.586 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 37,2%). Trong tổng số 4.836 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 4.540 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 296 đơn/vụ. Số đơn còn lại là 6.810 đơn/vụ đều còn trong hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định. Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm, đã khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị.

Về công tác giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết 148/266 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chuyển đến, đạt tỷ lệ 55,64%; trong đó, trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 130 đơn; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 18 đơn. Số đơn còn lại hiện trong thời hạn và đang được các Tòa án nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về công tác giải quyết đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ khóa XIV có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân, tử hình, hiện nay, có 01 trường hợp của bị cáo Lê Văn Mạnh bị kết án tử hình về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là vụ án phức tạp về đánh giá chứng cứ, Lê Văn Mạnh có đơn kêu oan. Hiện nay, Tổ công tác Liên ngành Tư pháp Trung ương đang tiếp tục xác minh để báo cáo lãnh đạo liên ngành theo quy định.               

2.3. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

Trong 10 tháng qua, các Tòa án đã nhận được 231 đơn khiếu nại; qua phân loại các Tòa án phải giải quyết 112 đơn; đã giải quyết 109 đơn, đạt tỷ lệ 97,3% (kết quả giải quyết, có 104 đơn khiếu nại sai, 03 đơn khiếu nại đúng một phần, 01 đơn rút khiếu nại, trả lại cho đương sự 01 đơn do nội dung không rõ yêu cầu).

Các Tòa án đã nhận được 281 đơn tố cáo; qua phân loại các Tòa án phải giải quyết 123 đơn, đã giải quyết 115 đơn, đạt tỷ lệ 93,5% (kết quả giải quyết, có 106 đơn tố cáo sai, 04 đơn tố cáo đúng một phần, 02 đơn rút đơn tố cáo, trả lại đơn không rõ yêu cầu 03 đơn).

Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài. Các Toà án đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ Đảng trong việc kiểm tra, xác minh các đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý người vi phạm, nhất là đối với trường hợp là cán bộ lãnh đạo các Toà án địa phương. Thông qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Toà án các cấp đã rút ra nhiều bài học, đặc biệt là trong công tác quản lý cán bộ, tăng cường kỷ luật công vụ và giáo dục, động viên cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện chức trách theo đúng quy định của pháp luật và của Tòa án nhân dân.

2.4. Các mặt công tác khác

2.4.1. Công tác tiếp công dân

Trong 10 tháng qua, các Tòa án nhân dân đã tiếp 159.810 lượt công dân, tăng 62.514 so với cùng kỳ năm trước (trong đó, Tòa án nhân dân tối cao tiếp 1.238 lượt; Tòa án nhân dân cấp cao tiếp 5.204 lượt và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp 153.368 lượt; Chánh án, lãnh đạo các Tòa án nhân dân trực tiếp tiếp 6.356 lượt).

Các Tòa án đã thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, quy chế, quy định về tiếp công dân của Tòa án nhân dân và các quy định khác có liên quan. Việc tiếp công dân được thực hiện thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định; bố trí thời gian trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho công dân, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tình hình an ninh chính trị. Trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp ủy, lãnh đạo các Tòa án được nâng lên.

2.4.2. Tình hình cán bộ, công chức được bố trí làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm

Tòa án nhân dân tối cao đã bố trí 93 Thẩm tra viên làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm tại các Vụ Giám đốc kiểm tra và 86 Thẩm tra viên làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm tại các Tòa án nhân dân cấp cao. Đội ngũ Thẩm tra viên và Thư ký Toà án được đào tạo chính quy, được bồi dưỡng về nghiệp vụ xét xử và các ngạch chức danh tư pháp, cũng như được rèn luyện tại Toà án nhân dân các cấp. Tuy nhiên, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao là rất lớn so với tổng số biên chế được phân công làm nhiệm vụ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong khi số lượng đơn có tính chất phức tạp, nhất là trong lĩnh vực dân sự và hành chính, có nhiều vụ án khó, lời khai của các bên đương sự không thống nhất, không rõ ràng nên nhiều vụ, việc phải đi thu thập, xác minh bổ sung tài liệu chứng cứ dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết nên tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao.

3. Đánh giá kết quả công tác

Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Quá trình giải quyết, các Toà án luôn chú trọng việc đối thoại và tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu của mình. Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục được bảo đảm, về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời đơn cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân còn có những tồn tại, hạn chế. Ngoài nguyên nhân khách quan, thì những nguyên nhân chủ quan cần được các Tòa án khắc phục trong thời gian tới là: (i) Một số cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có mặt còn hạn chế về kinh nghiệm nên một số ít trường hợp chất lượng tiếp công dân, trả lời khiếu nại, tố cáo chưa cao; (ii) Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của công chức ở một số đơn vị chưa tốt, có lúc, có nơi chưa thường xuyên nên chưa chấn chỉnh và khắc phục kịp thời hạn chế, thiếu sót.

4. Dự báo tình hình, giải pháp, kiến nghị

Trong thời gian tới, dự báo số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, các khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ tăng, đòi hỏi các Tòa án phải cố gắng tập trung đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính nhằm hạn chế việc phát sinh khiếu nại trong hoạt động tố tụng cũng như đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án nhân dân xác định 05 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới gồm: xây dựng, hoàn thiện thể chế; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của các Tòa án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

Tòa án nhân dân có một số kiến nghị như sau:

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các đạo luật về tố tụng theo hướng quy định thời gian giải quyết dài hơn để đảm bảo chất lượng, kết quả giải quyết, khắc phục những khó khăn cho Tòa án trong thực tiễn, cụ thể là: Điều 505 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 474, 475, 476, 477 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 333 Luật Tố tụng hành chính…

- Đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khi nhận được đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân tối cao xem xét, trả lời nhiều lần, đã có kết luận về việc giải quyết thì hướng dẫn, giải thích cho đương sự; đồng thời có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với Tòa án nhân dân tối cao để giải thích cho đương sự ngay từ khi tiếp nhận đơn để họ hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, tránh việc phải chuyển đơn và giải quyết nhiều lần.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

BẢO THƯ