Khắc phục vướng mắc về thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn

Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định “sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”.  Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trên thực tế còn nhiều vướng mắc, bất cập bởi quy định chưa rõ ràng.

Theo cơ cấu, tỷ lệ các loại vụ việc mà TAND các cấp giải quyết thì vụ việc hôn nhân, gia định chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng trên 50%. Hầu hết trong số các vụ việc hôn nhân gia đình đều có yêu cầu hoặc một phần yêu cầu đề nghị giải quyết liên quan đến con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Khoản 3 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định[[1]] “sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Như vậy, bên cạnh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn được đảm bảo quyền chăm sóc, giáo dục của con chung thông qua cơ chế quyền và nghĩa vụ thăm nom con. Tuy nhiên, trong thực tế việc thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn của người không trực tiếp nuôi con không dễ dàng, nhiều trường hợp bị cản trở. Bởi Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định rõ về cách thức, thời gian, địa điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con sau khi ly hôn.

Tình đến ngày 28/5/2023 có 580.646 các bản án, quyết định có lực pháp luật về hôn nhân gia đình được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án[[2]]. Đa phần trong số các bản án, quyết định định có nội dụng ghi nhận liên quan đến con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong các vụ việc này, nhất là các vụ án ly hôn, khi giải quyết Tòa án các cấp chỉ có thể quyết định giao con cho bố hoặc mẹ chăm sóc nuôi dưỡng khi ly hôn, trừ trường hợp cả cha lẫn mẹ đều không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con[[3]] và ghi nhận về quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con theo hướng “khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con được quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung cùng người trực tiếp nuôi con. Người trực tiếp nuôi con và gia đình không ai được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung” mà không ghi rõ về phương thức, cách thức, thời gian thăm nom chăm sóc con sau ly hôn như thế nào.

Quy định như trên là không khả thi nếu người trực tiếp được quyền nuôi con không hợp tác, gây khó khăn. Ví dụ: Anh Nguyễn Anh T và chị Đỗ Thị Hồng Nh có thời gian tự do tìm hiểu nhau và đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trong quá trình chung sống có hai con chung nhung gia đình không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được nên anh T và chị Nh đều thống nhất thuận tình ly hôn, đề nghị Tòa án công nhận. Đồng thời anh T và chị Nh cũng thỏa thuận, sau khi ly hôn cháu Kh sẽ giao cho anh T, cháu Th giao cho chị Nh để nuôi dưỡng giáo dục cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Anh T và chị Nh không ai phải cấp dưỡng nuôi con.

Xét đây sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự nên Tòa án đã chấp nhận yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, sau khi Tòa án ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận, anh T và gia đình nhiều lần lấy ly do như do cháu Kh bị ốm, cháu Kh phải đi học thêm để ngăn cản chị Nh thăm nom chăm sóc cháu Kh. Khi hết lý do thì anh T ra điều kiện, cho chị Nh thăm nom chăm sóc cháu Kh trong ngày, sáng đón thì chiều phải mang cháu Kh giao lại cho anh T. Chị Nh đã gửi đơn đến nhiều cơ quan nhưng đều không được giải quyết thấu đáo vì không có căn cứ rõ ràng để chứng minh anh T có hành vi cản chở chị Nh thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn.

Từ vụ việc trên, có thể thấy, quy định về quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn là chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi trên thực tế, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, khiến cho quyền lợi chính đáng của con không được bảo đảm. Mặt khác, chế tài đối với hành vi cản trở việc thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn còn chưa cụ thể, mực xử phạt còn tương đối nhẹ [[4]]. Do vậy, để bảo đảm tính toàn diện của pháp luật, bảo đảm quyền bình đẳng của bố, mẹ, quyền lợi chính đáng của con tác giả xin đưa ra một số đề nghị như sau:

Thứ nhất, cần sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 theo hướng quy định rõ về “Phương thức, cách thức, thời gian, địa điểm thăm nom chăm sóc con, ưu tiên sự thỏa thuận các bên trên cơ sở bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con”.

Thứ hai, khi Tòa án giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình, trong quyết định hoặc bản án, ngoài việc ghi nhân quyền và nghĩa vụ của các bên đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, Tòa án phải ghi rõ nội dung về phương thức, cách thức, thời gian, địa điểm thăm nom chăm sóc con của người không trực nuôi con.

Thứ ba, ghi nhận về hậu quả pháp lý đối với hành vi ngăn cản việc thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn theo hướng, đây là điều kiện, là có sở pháp lý để thực hiện quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

 

Tòa án nhân dân huyện Thanh Miện, Hải Dương xét xử vụ án ly hôn -Ảnh: Nguyễn Thị Diên


[1] Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014;

[2] https://congbobanan.toaan.gov.vn/6tatcvn/Thong-ke;

[3] https://tapchitoaan.vn/quyen-va-nghia-vu-tham-nom-con-sau-ly-hon

[4] Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.

Ths. TẠ NGỌC NAM (Tòa án nhân dân TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên)