Phạm Hoàng T phạm tội Trộm cắp tài sản

Nghiên cứu bài viết của tác giả Phan Thành Nhân, đăng ngày 09/3/2023, bàn về hành vi của Phạm Hoàng T phạm tội trộm cắp tài sản hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tôi cho rằng hành vi của T đã thỏa mãn cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS.

Khoản 1 Điều 323 BLHS quy định: “ 1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Theo đó, hành vi khách quan của tội phạm này có thể là hành vi chứa chấp hoặc hành vi tiêu thụ tài sản mà biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có. Tài sản này đang bị chiếm hữu bất hợp pháp do họ có được qua các hành vi phạm tội khác nhau. Nó có thể là tài sản có được do phạm tội, có thể là tài sản thông qua các giao dịch trao đổi với tài sản có được trực tiếp do phạm tội. Hành vi chứa chấp là hành vi giữ hộ tài sản hoặc cho phép người phạm tội cất giấu tài sản phạm tội có được tại nơi mình quản lý như xe, nhà cửa, nơi làm việc,…

Hành vi tiêu thụ tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản từ người phạm tội sang các chủ thể khác. Một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với vai trò đồng phạm trong các tội mà người phạm tội ban đầu có được tài sản, đó là “không hứa hẹn trước”. Nếu một người có hứa hẹn sẽ tiêu thụ hoặc giúp sức với người phạm tội để chiếm đoạt được tài sản thì người đó cũng phạm tội cùng với người chiếm đoạt tài sản ban đầu với vai trò giúp sức trong đồng phạm mà không phạm tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Quay trở lại vụ án tác giả đặt ra, H và T cùng là lái xe, quen biết nhau do cùng làm việc tại Công ty N. Do thiếu tiền tiêu xài, H đã rủ T lấy trộm phụ phẩm cá tra của công ty để bán lại cho T với giá rẻ nhằm lấy tiền tiêu sài cá nhân. Cả hai cũng thỏa thuận, thống nhất phương thức để có thể cùng lấy trộm và bán lại cho T. Lợi dụng việc chị P là nhân viên thống kê không đi cùng lúc chở hàng về công ty, H và T đã thực hiện hành vi trộm cắp phụ phẩm cá tra của công ty và bán lại cho T.

Ở đây chúng ta thấy, sau khi được H rủ lấy trộm phụ phẩm cá tra của công ty để bán lại cho T với giá rẻ hơn, T đã đồng ý, hơn nữa, cả hai đã cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận, lên kế hoạch để có thể thực hiện được hành vi trộm cắp. Rõ ràng T đã biết ý định trộm cắp và đồng thuận với việc sẽ mua phụ phẩm cá tra nếu lấy trộm được. Do vậy, T đã có hành vi “hứa hẹn trước” với H là đồng ý mua lại số hàng đó và cùng thực hiện việc trộm cắp tài sản nên hành vi của T không thỏa mãn dấu hiệu của tội Tiêu thụ tài sản do người khác pham tội mà có theo Điều 323 BLHS mà phạm tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý độc giả./.

 

Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, Lai Châu  xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Lò Đanh

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-