Tạp chí TAND tự hào về truyền thống, vững bước trong giai đoạn mới

Nền Báo chí cách mạng có lịch sử 96 năm (1925-2021) với những thành tựu vẻ vang, trong đó Tạp chí Tòa án nhân dân cũng tự hào với bề dày 67 năm (1954- 2021). Nhìn lại hành trình đã qua, theo kịp đòi hỏi của thực tiễn phát triển của đất nước, của hệ thống Tòa án nhân dân trong hiện tại và tương lai, đặt ra cho Tạp chí những thách thức và cơ hội mới.

Phản ánh lịch sử nền tư pháp

Tiền thân của Tạp chí Tòa án nhân dân là Nội san Tư pháp ban đầu xuất bản bằng phương pháp in thủ công – in rô nê ô, nên tập san như bản đánh máy với khổ chữ khá lớn. Trong mỗi Nội san có “Lời dặn” rằng: “Nội san Tư pháp chỉ lưu hành trong nội bộ, giữa những Anh Em phụ trách các Tòa án”. Mấy năm sau, Tập san mới được in bằng phương pháp in ty pô hiện đại.

Số 2 năm 1955, mở đầu đăng Sắc lệnh số 233/SL ngày 14/6/1955 về thành lập Tòa án nhân dân đặc biệt tỉnh, trong cải cách ruộng đất lúc bấy giờ. Nội dung của Tập san đăng các bài nghiên cứu, giới thiệu các quy định mới, các vụ án để rút kinh nghiệm…

Đến năm 1959, Tòa án nhân dân tối cao được thành lập, Nội san do Tòa án nhân dân tối cao quản lý, “một đồng chí Phó Chánh án  được phân công phụ trách kiêm chủ nhiệm Tập san, có cán bộ chuyên trách tổ chức và chỉ đạo việc biên soạn”.

Tập san Tư pháp được đổi tên thành Tập san Tòa án nhân dân từ tháng 1/1972. Trên số đầu tiên tháng 1 và 2 năm 1972 có Thông báo “Được sự đồng ý của Phủ Thủ tướng, từ tháng 1 năm 1972, “Tập san Tư pháp” đổi tên thành “Tập san Tòa án nhân dân”. Việc này nhằm gắn chặt tên của tờ báo với tên và chức năng, nhiệm vụ của ngành Tòa án nhân dân. Tập san Tòa án nhân dân được “Lưu hành trong các cơ quan nhà nước”.

Ngoài những chuyên mục cũ, Tập san mở thêm các chuyên mục như “Trao đổi kinh nghiệm”, “Gương tốt và “Tin vắn trong ngành”. Thông báo cũng đề nghị mỗi đơn vị Tòa án cấp khu, tỉnh, thành phố cử một cộng tác viên và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên.

Bài đầu tiên của Tập san năm 1972 là “Thư của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Văn Bạch gửi cán bộ, nhân viên ngành Tòa án nhân dịp Tết Nhâm Tý (1972). Thư chừng 2500 chữ, như một bài báo hoàn chỉnh.  Sau khi điểm lại những sự kiện và thành tích năm 1971, Chánh án nhắc nhở về những thiếu sót, khuyết điểm chưa được khắc phục, đó là “lúng túng, sai sót hoặc chậm trễ, thiếu dân chủ, kém hiệu lực trong công tác”; rồi “trình độ của cán bộ còn hạn chế” dẫn đến “có những phiên tòa luộm thuộm, thiếu chính quy; có những việc xét xử chưa được chặt chẽ và sắc bén”… Có thể nói, thư chúc tết nhưng nội dung rất thiết thực, vừa bao quát vừa cụ thể.

Chánh án Phạm Văn Bạch, kiêm Viện trưởng Viện Luật học cũng là một tác giả, với các bài nghiên cứu về luật hình sự, luật tố tụng hình sự rất có giá trị. Những vấn đề lý luận được đặt ra và giải quyết trong các công trình này được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong công tác xét xử của ngành Tòa án lúc đó. Thậm chí, có quan điểm về đường lối xét xử, giải thích pháp luật hình sự vẫn có giá trị áp dụng trong hoạt động xét xử hiện nay.

Bắt đầu từ số 1 năm 1990, sau 36 năm hoạt động, Tập san Tòa án nhân dân được nâng lên thành “Tạp chí Tòa án nhân dân”. Bìa 2 của Tạp chí Tòa án nhân dân số đầu tiên in hình Huân chương Lao động và nội dung: “Tạp chí Tòa án nhân dân – Cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao. Năm thứ 37. Tổng biên tập: Trịnh Hồng Dương. Trụ sở Ban biên tập: 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Dây nói: 64314”. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Trịnh Hồng Dương, Tạp chí Tòa án nhân dân bước vào một giai đoạn mới, đưa Tạp chí trở thành diễn đàn khoa học pháp lý, khoa học xét xử hàng đầu của hệ thống Tạp chí khối pháp luật, với chất lượng cao.

 

Dấu ấn thời gian trưởng thành của Tạp chí

Nhiều năm trôi qua, Tạp chí từ mỗi tháng 1 kỳ tăng lên 2 kỳ, số lượng trang tăng. Từ năm 2017, bên cạnh Tạp chí bản giấy có thêm Tạp chí bản điện tử.

Nội dung phản ánh trong Tạp chí Tòa án nhân dân suốt gần 70 năm qua chính là một phần lịch sử pháp luật Việt Nam hiện đại, từ xây dựng pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật, những vướng mắc trong quá trình thực hiện, rồi trao đổi, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung của các văn bản pháp luật; xét xử của Tòa án nhân dân các cấp qua các giai đoạn… đều được phản ánh qua các thông tin chỉ đạo, các bài nghiên cứu, trao đổi, vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, sinh động. Do đó, cần nghiên cứu về một vấn đề có tính xuyên suốt, về một chế định cụ thể của pháp luật hình sự, dân sự… thì Tạp chí Tòa án nhân dân đều có đầy đủ.

Nền tảng ấy là cơ sở vững chắc, để Tạp chí có những bước pháp triển mới.

Giai đoạn mới của Tạp chí

Thách thức và đổi mới

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, có lẽ nói đây là thời đại của báo chí online cũng không ai phản đối. Báo chí, hiểu theo nghĩa Báo và Tạp chí thì mỗi bên có khó khăn và thuận lợi riêng. 

Công nghệ khiến bạn đọc ngày nay có cách đọc mới, đọc online, đọc qua các công cụ tìm kiếm với kho dữ liệu khổng lồ như Google, các trang Facebook đủ loại thông tin, khiến các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại thì phải thay đổi, thay đổi từ quan điểm đến cách làm cụ thể. Các Báo, Tạp chí đều phải từ bỏ cách làm báo thủ công trong duyệt đăng bài, thụ động trông chờ bao cấp...

 

Ra mắt Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

Tạp chí Tòa chí Tòa án nhân dân trong guồng quay đến chóng mặt của thị trường báo chí cũng đã từng bước thích ứng được với những thay đổi đó, để đưa tờ Tạp chí vững bước, tiếp nối sự nghiệp mà các vị tiền bối để lại.

Tạp chí đã nhiều năm hoạt động với cơ chế tự chủ một phần, các bài viết đúng tôn chỉ mục đích, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, phản ánh, đề cập kịp thời những vấn đề vướng mắc, nổi cộm trong áp dụng pháp luật vào công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án, trao đổi kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp hay trong nghiệp vụ và xây dựng hệ thống Tòa án.

Bắt kịp xu thế, vững bước đi lên

Từ năm 2017, Tạp chí Tòa án nhân điện tử ra đời như một xu thế tất yếu.Tạp chí điện tử đã đăng tải kịp thời, nhanh chóng các bài viết có tính chuyên môn, nghiên cứu cao và bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của hệ thống Tòa án; số lượt truy cập ngày càng tăng lên, có bài lượng truy cập lên đến hàng trăm nghìn lượt người đọc. Tạp chí cũng đồng thời có trang Facebook mang tên mình, trên trang Fanpage này, Tạp chí có trên 20 nghìn bạn bè là các Fan cứng chuyên theo dõi, đọc và tương tác với Tạp chí để Tạp chí đến gần với bạn đọc hơn. 

Ở góc nhìn khác, hiện nay mạng xã hội phát triển như vũ bão, xu hướng báo chí công dân đang ngày càng mạnh, dẫn đến rất nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nói chung, hoạt động mọi mặt của hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng bị phản ánh sai lệch, thậm chí xuyên tạc, thông tin thật giả lẫn lộn, khiến người dân không biết đúng hay sai, dẫn đến suy giảm niềm tin vào bộ máy Nhà nước. Trong bối cảnh đó, không có giải pháp nào tích cực hơn là tăng cường vai trò, sức mạnh của báo chí chính thống, tăng cường vai trò của Tạp chí Tòa án nhân dân, để đưa ra những quan điểm chính thống, những thông tin chuẩn mực và góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án cả nước.

Thế mạnh riêng của Tạp chí

Để đưa Tạp chí Tòa án nhân dân phát triển, chắc chắn cần rất nhiều yếu tố. Trước hết là yếu tố tự thân Tạp chí, phải phát huy sở trường, thế mạnh của Tạp chí là có nhiều bài viết có tính chuyên môn sâu, để tạo nên sự khác biệt mang đặc trưng cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, thực hiện quyền tư pháp. Nếu bỏ sở trường, chạy theo xu hướng báo hóa tạp chí thì không thể tồn tại.

Một thế mạnh khác là Tạp chí có đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia pháp luật hùng hậu như GS. TSKH Lê Cảm, PGS.TS Trần Văn Độ, TS Đặng Quang Phương, GS.TS Võ Khánh Vinh... các chuyên gia kỳ cựu của ngành Tòa án như Đinh Văn Quế, Tưởng Duy Lượng, đến các cây bút trong và ngoài hệ thống Tòa án nhân dân như: PGS. TS Phạm Minh Tuyên, TS Mai Bộ, TS. Đinh Thế Hưng, PGS. TS Trịnh Tiến Việt, PGS. TS Dương Tuyết Miên, TS Nguyễn Hải An, TS Đặng Thị Thơm... và đội ngũ đông đảo cộng tác viên trong hệ thống Tòa án nhân dân, các trường đại học, học viện…Tạp chí là nơi hầu hết anh chị em trong và ngoài hệ thống Tòa án trong qua thực tế xét xử hay quá trình học tập, nghiên cứu, phát triển lên các danh hiệu Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư đều có bài viết... Đây là một thế mạnh mà không mấy Tạp chí có được. 

 

Các cộng tác viên dự Hội nghị Cộng tác viên của Tạp chí

Bên cạnh nỗ lực tự thân ấy, một thuận lợi căn bản là trong những năm qua, Tạp chí Tòa án nhân dân luôn luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, cụ thể của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, từ nhân sự đến kinh phí hoạt động và tạo cơ chế cho đơn vị phát triển.

Một thuận lợi rất lớn nữa là sự hợp tác, hỗ trợ của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và nhất là hệ thống Tòa án nhân dân cả nước. Các cán bộ, công chức, viên chức Tòa án vừa là đối tác, vừa là đối tượng phục vụ của Tạp chí, vừa là ân nhân của Tạp chí với tư các cộng tác viên và độc giả.

Phát triển đúng định hướng và Quy hoạch báo chí 

Nhìn ở tầm vĩ mô, quy hoạch báo chí là một vấn đề lớn, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, có nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này, cụ thể nhất là Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là chủ trương lớn, rất đúng đắn và cần thiết để chấn chỉnh hoạt động báo chí, nâng cao năng lực của báo chí để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Về quan điểm được Quy hoạch nêu rõ: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng”.

Quan điểm chính thức và rõ ràng là quy hoạch để phát triển báo chí, phát triển đi đôi với quản lý tốt; Nhà nước có chính sách tài chính để phát triển báo chí, để báo chí không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí; phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới, phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể Quy hoạch đặt ra là: “Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới”.

Đối với báo và tạp chí in: Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác).

Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử: Phương án sắp xếp đối với báo, tạp chí điện tử tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in thì được phép có báo, tạp chí điện tử. Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì “Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án  nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in” và “Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in thì được phép có báo, tạp chí điện tử”.

Với quan điểm thông suốt và mục tiêu cụ thể đã nêu, có thể khẳng định Tạp chí Tòa án nhân dân, đã phát triển đúng hướng, phù hợp với quy hoạch.

Giao diện Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

 

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ôn lại truyền thống báo chí, nhìn lại chặng đường đã qua và con đường phía trước, Tạp chí Tòa án nhân dân có thêm niềm tin và tinh thần lạc quan để quyết tâm đưa Tạp chí ngày càng phát triển hơn.

Tham khảo tư liệu từ bài "Dấu ấn những người làm nên Tạp chí Tòa án nhân dân" của tác giả Nguyễn Phan Khiêm và các tài liệu lưu trữ tại Tạp chí Tòa án nhân dân.

Ths. NGUYỄN THỊ HẢI CHÂU (Tạp chí Tòa án nhân dân)