Hạn chế, bất cập của Điều 360 BLHS năm 2015 trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị sửa đổi

Hậu quả thiệt hại là yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, việc Điều 360 BLHS năm 2015 lượng hóa hậu quả thiệt hại và chỉ ghi nhận hậu quả là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, thực tiễn áp dụng đã phát sinh hạn chế, bất cập.

Một trong số điểm mới trong BLHS năm 2015 là thay đổi cách ghi nhận về hậu quả của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thay vì sử dụng thuật ngữ hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì Điều 360 BLHS năm 2015 đã lượng hóa hậu quả đề làm cơ sở cho việc xử lý hành vi vi phạm trên thực tế. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng Điều 360 BLHS năm 2015 đã bộc lộ hạn chế, bất cập nhất định, một trong những hạn chế đó là việc không thể xử lý hình sự đối với hành vi vì thiếu trách nhiệm khi hậu quả là thiệt hại phi vật chất, trong khi nếu như căn cứ Điều 285 BLHS năm 1999 thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi thiếu trách nhiệm khi hậu quả là thiệt hại phi vật chất.

1.Thực tiễn áp dụng

Có thể thấy rõ hạn chế, bất cập của Điều 360 BLHS năm 2015 thông qua các tình huống thực tiễn điển hình sau:

Vụ việc 1: Ngày 05/12/2018, Cơ quan điều tra VKSNDTC tiến hành xác minh nguồn tin về tội phạm có nội dung: Ngày 17/9/2010, TAND huyện H xử phạt 24 tháng tù đối với bị cáo Trần A phạm tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo Điểm e, Khoản 2, Điều 154 BLHS năm 1999.  Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 18/10/2010 Chánh án TAND huyện H đã ban hành Quyết định thi hành án phạt tù với người đang tại ngoại đối với Trần A. Cùng ngày, TAND huyện H đã giao Quyết định trên cho ông Nguyễn B, cán bộ Nhà tạm giữ và hỗ trợ tư pháp Công an huyện H để tổ chức thi hành án phạt tù. Sau đó, ông B đã báo lại cho ông T - Đội phó, phụ trách công tác hồ sơ phạm nhân, hồ sơ người bị tạm giam, người bị tạm giữ ra vào Nhà tạm giữ. Ông T đã yêu cầu ông B lập hồ sơ thi hành án của bị án Trần A. Tuy nhiên, sau đó ông T đã không kiểm tra, đôn đốc vụ việc dẫn đến bỏ sót, không tổ chức thi hành án đối với bị án Trần A. Đến ngày 10/6/2018, Trần A bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Q ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam về tội “Vận chuyển hàng cấm”, quy định tại Khoản 3, Điều 191 BLHS năm 2015. Trong quá trình điều tra hành vi vận chuyển hàng cấm của Trần A, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Q phát hiện Trần A chưa thi hành Bản án hình sự của TAND huyện H.

Kết quả xác minh xác định: Ông T – Đội phó là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi hành Bản án và Quyết định thi hành án phạt tù của TAND. Tuy nhiên, ông T đã không thực hiện đúng quy định tại khoản 3, Điều 15 Luật Thi hành án hình sự năm 2010; khoản 1, Điều 257, BLTTHS năm 2003; điểm b, khoản 1, Điều 7, Quy chế tạm giữ, tạm giam (ban hành kèm theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ). Lỗi dẫn đến sai phạm là vô ý. Từ đó dẫn đến hậu quả là Trần A tiếp tục thực hiện tội phạm khác, bên cạnh đó cũng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự, do Bản án đối với Trần A không được thi hành. Hành vi của ông T có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 BLHS năm 1999.

Vụ việc 2: D và N là phạm nhân cùng giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh K đã cấu kết, sử dụng điện thoại di động để liên lạc, chỉ đạo các đối tượng bên ngoài thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Cụ thể, ngày 28/3/2015, D đã dùng điện thoại liên lạc ra ngoài để điều hành việc mua bán ma túy. Ngày 30/3/2015, D gọi điện thoại cho phạm nhân B đang chấp hành án tại Trại giam Công an tỉnh K, sau đó, B dùng điện thoại liên lạc cho M đi nhận 0,5 kg ma túy từ vợ chồng I và P tại thành phố N, khi các bên đang thực hiện hành vi giao nhận ma túy thì bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh K bắt quả tang, quá trình điều tra xác định được D trong quá trình bị tạm giam đã dùng điện thoại liên lạc ra ngoài để giao dịch buôn bán ma túy.

Theo kết quả xác minh: Ông H - cán bộ quản giáo của Đội quản lý cải tạo phạm nhân là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý phạm nhân N, nhưng đã không thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra lục soát thân thể phạm nhân N khi ra vào khu giam, nên không phát hiện N cất giấu điện thoại (là vật cấm), rồi bán cho đối tượng D để sử dụng liên lạc ra ngoài điều hành việc buôn bán ma túy khi đang bị tạm giam tại Trại giam Công an thành phố Q, tỉnh K. Hành vi của ông H có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 BLHS năm 1999.

Vụ việc 3: T chấp hành án 10 năm tù tại Trại giam B, tỉnh H về hành vi “Giết người” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, quy định tại các điều 93, 230 BLHS năm 1999. Tại đây, T lợi dụng việc quản lý phạm nhân không chặt chẽ để lấy điện thoại từ người vào thăm nuôi, đem vào cất giấu trong trại giam, điện thoại ra ngoài điều hành đường dây vận chuyển heroin từ Bắc vào Nam tiêu thụ. Sau khi hành vi mua bán ma túy bị phát hiện, ngày 30/5/2021, TAND tỉnh N đã đưa vụ án T và đồng phạm trọng vụ án mua bán, vận chuyển trái phép 294 bánh heroi ra xét xử và tuyên án tử hình với T và các đồng phạm.

Theo kết quả xác minh: Ông P.A - Giám thị Trại tạm giam đã không thực hiện đúng quy định tại Hướng dẫn 8128/V26 ngày 15/10/2004 của Bộ Công an hướng dẫn tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận tiền quà, liên lạc với thân nhân bằng điện thoại và hoạt động căng tin trong trại giam; Thông tư số 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011 của Bộ Công an quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân; Điều 14, Thông tư số: 68/2011/TT-BCA ngày 07/10/2011 của Bộ Công an trong về công tác kiểm tra, lục soát phạm nhân ra vào Trại giam, ông P.A thực hiện hành vi trên với lỗi vô ý. Do đó, hành vi của ông H có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 BLHS năm 1999.

Kết quả giải quyết: ông T - Đội phó, ông H - Cán bộ quản giáo và ông P.A - Giám thị là những người có chức vụ, quyền hạn, đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Hành vi vi phạm đã tác động đến khách thể là hoạt động đúng đắn của Cơ quan thi hành án hình sự. Do đó, hành vi trên có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, căn cứ điểm d, khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015 thì sẽ áp dụng Điều 360 BLHS năm 2015 vì Điều 360 BLHS năm 2015 có lợi hơn so với Điều 285 BLHS năm 1999. Đồng thời theo quy định của tội“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Điều 360 BLHS năm 2015 chỉ ghi nhận hậu quả là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, mà không có quy định hậu quả về phi vật chất nên hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong cả 3 tình huống trên đều không đủ yếu tố cấu thành tội“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 360 BLHS năm 2015.

2.Hạn chế, bất cập

Qua phân tích trên có thể thấy là Điều 360 BLHS năm 2015 khi lượng hóa hậu quả chỉ dừng lại ở việc ghi nhận hậu quả là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, điều này vô hình trung đã giới hạn và bỏ sót loại thiệt hại quan trọng là những thiệt hại phi vật chất, như: Gây cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; Gây ảnh hưởng đến phán quyết vụ án sau này; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; Để người khác lợi dụng thực hiện tội phạm; Làm biến đổi tình trạng bình thường về cách xử sự của con người; Sự biến đổi từ tình trạng an toàn sang tình trạng nguy hiểm; Hay như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Tại sao nói việc ghi nhận thiệt hại phi vật chất là quan trọng và cần thiết đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, điều này xuất phát từ đặc thù về yếu tố chủ thể, mặt chủ quan và khách thể trong cấu thành tội phạm của tội phạm này, từ đó, dẫn đến những thiệt hại mà hành vi vì thiếu trách nhiệm gây ra không chỉ là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản mà còn có cả thiệt hại phi vật chất, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Chủ thể của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là dạng chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước. Xét về điều kiện phạm tội thì người có chức vụ, quyền hạn thuận lợi hơn trong việc thực hiện hành vi phạm tội cũng như sai phạm dễ xảy ra xuất phát từ địa vị xã hội và môi trường làm việc của họ. Do đó, thực tế không ít trường hợp cán bộ công chức đã lơ là, thiếu trách nhiệm dẫn đến không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao hay thậm chí là cố tình làm trái quy định của Nhà nước gây ra thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội nên việc pháp luật có quy định chế tài để xử lý sai phạm đối với nhóm chủ thể này là cần thiết.

Thứ hai: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện với lỗi vô ý hay nói cách khác là người có chức vụ, quyền hạn không mong muốn thực hiện hành vi cũng như không mong muốn có thiệt hại xảy ra “vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng…” (Điều 360 BLHS năm 2015). Vì lỗi khi thực hiện hành vi là lỗi vô ý nên thường khó để xác định tính nguy hiểm của hành vi nếu chỉ căn cứ vào hành vi, nên để xem xét tính nguy hiểm của hành vi thì hậu quả thiệt hại là yếu tố cần thiết để làm cơ sở cho việc đánh giá tính nguy hiểm của hành vi, từ đó xác định chủ thể thực hiện hành vi có phải là tội phạm hay không.

Thứ ba: Khác với các tội xâm phạm quyền sở hữu hay tội xâm phạm về danh dự, tính mạng, sức khỏe, Điều 360 BLHS năm 2015 có khách thể là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Đối tượng mà tội phạm trực tiếp tác động vào không phải là cá nhân hay vật thể cụ thể nào đó mà là hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, từ đó gây ra những biến đổi nhất định cho đối tượng bị tác động. Trong thực tiễn, sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng là cơ sở để xác định mức độ thiệt hại, hay có thể nói là hậu quả thiệt hại của tội phạm được xác định thông qua mức độ biến đổi của đối tượng bị tội phạm tác động vào. Trong khoa học pháp lý sự biến đổi của đối tượng bị tác động bởi hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể thể hiện dưới các dạng là như sau:

Thiệt hại về thể chất, thiệt hại này bao gồm thiệt hại về tính mạng (hậu quả chết người) và thiệt hại về sức khỏe (bị thương tích hoặc các tổn hại về sức khỏe khác);

Thiệt hại về tài sản như: Tài sản bị hủy hoại, bị hư hỏng…;

Thiệt hại phi vật chất như: Sự biến đổi tình bình thường về cách xử sự của con người; Sự biến đổi từ tình trạng an toàn sang tình trạng nguy hiểm; Hay như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… (Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001), hay có thể gây ra những biến đổi khác như: Cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; Gây ảnh hưởng đến phán quyết vụ án sau này; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; Để người khác lợi dụng thực hiện tội phạm.

Thêm vào đó, nếu điểm qua các tội về thiếu trách nhiệm có thể thấy các tội về thiếu trách nhiệm có điểm chung là ghi nhận mối quan hệ nhân quả dây chuyền giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả thiệt hại, như: Điều 179 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”; Điều 308 “Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hổ trợ gây hậu quả nghiêm trọng”; Điều 376 Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn”. Đặc điểm của cách ghi nhận này là bản thân hành vi thiếu trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn chưa gây nên những thiệt hại cụ thể để làm căn cứ trong việc định tội mà thiệt hại đó phát sinh thông qua một sự kiện khác. Hay nói cách khác thì bản thân của hành vi thiếu trách nhiệm làm phát sinh hành vi trái pháp luật hoặc sự kiện thứ hai và từ sự kiện thứ hai đó gây ra hậu quả thiệt hại.

Ví dụ, tại Điều 376 hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ của người có nhiệm vụ canh gác, áp giải dẫn đến hệ quả là người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn, từ đó dẫn đến hậu quả tiếp theo là vụ án bị tạm đình chỉ, người bỏ trốn trả thù, người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm. Chính vì vậy, trong cấu thành tội phạm của các tội thiếu trách nhiệm quy định hậu quả thiệt hại không căn cứ trực tiếp vào hành vi thiếu trách nhiệm mà sẽ căn cứ vào hành vi trái pháp luật xảy ra sau đó để xác định hậu quả thiệt hại.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể khẳng định, Điều 360 lượng hóa hậu quả thiệt hại để làm căn cứ xác định tội phạm chỉ dừng lại ở việc ghi nhận hậu quả là những thiệt hại về thể chất và tài sản đã dẫn đến hạn chế, bất cập là nhiều hành vi thiếu trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn xảy ra trên thực tế không thể xử lý hình sự do hậu quả xảy ra chỉ là thiệt hại phi vật chất mà không phải là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

3.Kiến nghị

Từ bất cập, hạn chế của Điều 360 BLHS năm 2015 trong việc áp dụng và xử lý hành vi vi phạm nêu trên, nhằm đạt được mục tiêu trong việc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49/ NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về định hướng cải cách tư pháp đến năm 2020, tác giả kiến nghị Điều 360 BLHS năm 2015 cần bổ sung hậu quả là thiệt hại phi vật chất để làm cơ sở cho việc xử lý hành vi vi phạm của người có chức vụ, quyền hạn do thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, các loại thiệt hại phi vật chất cụ thể như sau:

Một là: Gây cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; làm vụ án bị tạm đình chỉ, bị đình chỉ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; để người khác lợi dụng thực hiện tội phạm;

Hai là: Các thiệt hại phi vật chất khác, đối với trường hợp này, cơ quan ban hành luật cần đưa ra những tiêu chí cụ thể xác định thiệt hại phi vật chất khác trên cơ sở trao đổi và có sự thống nhất giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân để làm cơ sở cho việc xác định thiệt hại và trách nhiệm hình sự của hành vi thiếu trách nhiệm.

Xin đề xuất bổ sung Điều 360 BLHS năm 2015 có nội dung:

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:           

a) Làm chết người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Gây cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

f) Làm vụ án bị tạm đình chỉ, bị đình chỉ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;

i) Để người khác lợi dụng thực hiện tội phạm;

k) Các thiệt hại phi vật chất khác.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên xử phạt các bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gậy hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP Phan Thiết - Ảnh: Thanh Hồng

Ths. LÊ TIẾN SINH (Cơ quan điều tra VKSNDTC)